Công dụng thuốc Fenakid

Thuốc Fenakid chứa hoạt chất Paracetamol được chỉ định hạ sốt, giảm đau trong các trường hợp cảm, sốt do nhiễm khuẩn, nhiễm virus, mọc răng, sốt sau khi tiêm chủng,... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Fenakid qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Fenakid

Fenakid là thuốc gì?”. Thuốc Fenakid chứa hoạt chất Paracetamol bào chế dưới dạng hỗn dịch uống. Mỗi lọ thuốc chứa 60ml dung dịch thuốc hàm lượng 120mg/ 5ml.

Hoạt chất Paracetamol tác dụng hạ sốt - giảm đau thông qua cơ chế tác động lên trung tâm điều nhiệt tại vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên và làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt. Thuốc hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Tác dụng giảm đau của Paracetamol thông qua cơ chế nâng ngưỡng chịu đau của người bệnh.

Thuốc Fenakid được chỉ định hạ sốt, giảm đau ở trẻ em trong các trường hợp cảm cúm, nhiễm khuẩn, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sốt do mọc răng, sốt sau tiêm chủng,...

2. Liều dùng của thuốc Fenakid

Fenakid thuộc nhóm thuốc không kê đơn, liều thuốc khuyến cáo sử dụng ở trẻ em như sau:

  • Liều dùng trung bình từ 10 - 15mg/ kg cân nặng/ lần, tổng liều tối đa không quá 60mg/ kg cân nặng/ 24 giờ;
  • Hoặc liều thuốc có thể phân theo độ tuổi như sau: Trẻ em từ 1 - 3 tuổi uống 5ml (1 gói)/ lần, trẻ em từ 4 - 5 tuổi uống 10ml (2 gói)/ lần.

Lưu ý không kéo dài việc tự sử dụng thuốc hạ sốt - giảm đau cho trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu thấy trẻ có triệu chứng mới xuất hiện, sốt cao trên 39.5 độ C và kéo dài hơn 3 ngày, đau nhiều kéo dài hơn 5 ngày.

Sử dụng quá liều thuốc Fenakid có thể dẫn đến hoại tử gan phụ thuộc liều. Trẻ em ngộ độc Paracetamol khi uống một liều thuốc trên 150mg/ kg cân nặng hoặc dùng liều cao liên tiếp trong thời gian dài. Các triệu chứng quá liều bao gồm nôn, buồn nôn, đau bụng, xanh tím da và niêm mạc. Người bệnh bị nhiễm độc Paracetamol nặng cần được điều trị hỗ trợ tích cực, rửa dạ dày và dùng liệu pháp giải độc chính là Acetylcystein uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Fenakid

Thuốc Fenakid có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Trên hệ máu và bạch huyết: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu;
  • Ít gặp: Buồn nôn, nôn, ban da, loạn tạo máu, thiếu máu, độc tính trên thận, bệnh thận;
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị nếu gặp phải tác dụng không mong muốn khi điều trị bằng thuốc Fenakid.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Fenakid

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Fenakid trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với Paracetamol;
  • Người mắc bệnh tim, thiếu máu;
  • Người bệnh thiếu hụt men G6PD;
  • Người bệnh suy gan.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

  • Người bệnh cần được cảnh báo về các dấu hiệu phản ứng da nghiêm trọng như hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Steven – Johnson, hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
  • Điều trị bằng thuốc Fenakid có thể xảy ra các phản ứng dị ứng như sần ngứa, ban dát, mày đay, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu có thể xảy ra khi dùng kéo dài với liều cao.
  • Thận trọng khi dùng Paracetamol ở người bệnh suy thận nặng.

5. Tương tác thuốc

  • Sử dụng Coumarin, dẫn chất Indandion cùng với Paracetamol liều cao làm tăng nhẹ tác dụng chống đông.
  • Sử dụng đồng thời Phenothiazin và Paracetamol làm tăng hiệu quả hạ sốt nghiêm trọng.
  • Các thuốc chống co giật như Barbiturat, Phenytoin, Carbamazepin,... gây cảm ứng enzym gan, vì vậy có thể làm tăng độc tính của Paracetamol trên gan.
  • Độc tính trên gan của Paracetamol tăng lên khi dùng đồng thời với Isoniazid.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Fenakid, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Fenakid.

85 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan