Công dụng thuốc Fenagi

Fenagi, với thành phần Diclofenac natri - một loại NSAID (thuốc kháng viêm non-steroid), được dùng như một loại thuốc giảm đau. Vậy liệu tác dụng của thuốc Fenagi cụ thể là gì, thuốc có tác dụng phụ hay không, cách dùng thuốc như thế nào.

1. Tác dụng của thuốc Fenagi

Fenagi chứa hoạt chất Diclofenac natri, khởi phát tác dụng nhanh, phù hợp điều trị triệu chứng đau hoặc viêm cấp tính. Cơ chế tác dụng của Fenagi chủ yếu là do Diclofenac ức chế sinh tổng hợp prostaglandin - một chất đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây viêm, đau, sốt.

Diclofenac có tác dụng giảm đau mạnh đối với những cơn đau từ trung bình đến nặng. Khi có viêm (do chấn thương, hoặc do can thiệp phẫu thuật), Fenagi làm giảm triệu chứng một cách nhanh chóng các cơn đau tự nhiên cũng như đau do vận động, đồng thời giảm phù nề do viêm hay phù nề ở vết thương.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu quả của Diclofenac với giảm đau, giảm mức độ xuất huyết trong đau bụng kinh tiên phát.

Ngoài ra, Diclofenac cũng cải thiện triệu chứng đau đầu migraine, đồng thời giảm buồn nôn, nôn mửa trong chứng này.

2. Chỉ định điều trị của Fenagi

Với các tác dụng trên mà Fenagi được chỉ định điều trị triệu chứng cho người lớn trong các trường hợp:

2.1. Điều trị triệu chứng dài hạn

  • Viêm khớp mạn tính: Viêm khớp dạng thấp, viêm cứng khớp cột sống,...
  • Thoái hóa khớp, cứng khớp gây đau/ tàn phế.
  • Hội chứng Fiessiger-Leroy-Reiter.
  • Thấp khớp trong vảy nến.

2.2. Điều trị triệu chứng ngắn hạn trong các cơn cấp tính

  • Thấp khớp, chấn thương cấp tính: Viêm quanh khớp vai, viêm bao hoạt dịch, viêm gân,...
  • Bệnh khớp, viêm khớp vi tinh thể.
  • Đau cột sống, đau rễ thần kinh nặng.
  • Cơn Gout cấp.
  • Bệnh thấp ngoài khớp.
  • Đau đầu migraine.
  • Cơn đau quặn thận, đau quặn gan.
  • Viêm đau tai, mũi họng.
  • Cơn đau bụng kinh, viêm phụ khoa.
  • Đau sau chấn thương.
  • Đau sau phẫu thuật chỉnh hình hay nha khoa.

3. Liều dùng và cách dùng Fenagi

3.1. Liều dùng

Cần tính liều Fenagi cẩn thận, tùy theo nhu cầu cũng như đáp ứng của từng bệnh nhân. Cần phải dùng liều Fenagi hàng ngày thấp nhất có tác dụng, trong thời gian ngắn nhất có thể, nhằm giảm nguy cơ tác dụng phụ bất lợi. Đối với trị liệu dài ngày, kết quả đa phần xuất hiện trong 6 tháng đầu và thường sẽ được duy trì sau đó.

  • Thoái hóa (hư) khớp: Liều 100 - 150mg/ ngày, uống chia làm nhiều lần trong ngày (Fenagi 50mg x 2 - 3 viên/ ngày, hoặc Fenagi 75mg x 2 viên/ ngày). Ðiều trị dài ngày: không nên dùng liều quá 100mg/ ngày.
  • Viêm đa khớp dạng thấp: Liều 100 - 150mg/ ngày uống chia làm nhiều lần (Fenagi 50mg x 2 - 3 viên/ ngày hoặc Fenagi 75mg x 1 - 2 viên/ ngày). Liều tối đa không quá 150mg/ ngày.

Đối với trị liệu dài ngày bệnh viêm khớp dạng thấp: Liều khuyến cáo là 100mg/ ngày, nếu cần thiết có thể tăng liều đến 200mg/ngày, chia hai lần.

  • Viêm đốt sống cứng khớp: Liều 100 - 125mg/ ngày, chia làm nhiều lần trong ngày.
  • Hư khớp: liều 100mg/ngày, uống một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc uống 50mg x 2 viên/ngày.

3.2. Cách dùng

Nên uống thuốc Fenagi kèm thức ăn, nuốt nguyên viên (không nhai, bẻ hay nghiền thuốc).

4. Chống chỉ định

  • Quá mẫn với diclofenac, aspirin hay NSAIDs, hay với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Loét dạ dày tiến triển, tiền sử chảy máu dạ dày, thủng dạ dày - ruột liên quan đến việc sử dụng NSAIDs trước đây.
  • Bệnh nhân hen hay co thắt phế quản, chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan nặng, hoặc suy thận nặng.
  • Đang điều trị thuốc chống đông coumarin.
  • Suy tim ứ máu, giảm thể tích tuần hoàn (do lợi tiểu hoặc do suy thận, mức lọc cầu thận < 30 ml / phút.
  • Suy tim sung huyết độ II đến độ IV theo NYHA), bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại vi.
  • Phẫu thuật nối tắt động mạch vành.
  • Người bị bệnh chất tạo keo.
  • Phụ nữ ở 3 tháng cuối thai kỳ.

5. Tác dụng phụ của Fenagi

5.1. Các tác dụng phụ thường gặp (ADR > 1/100)

  • Toàn thân: Bồn chồn, nhức đầu.
  • Tiêu hóa: có đến 5-5 % bệnh nhân dùng diclofenac gặp phải tác dụng phụ trên bộ máy tiêu hóa. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm: đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu, chán ăn.
  • Gan: Tăng men transaminase.
  • Tai: Ù tai.

5.2. Các tác dụng phụ ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100)

  • Toàn thân: Phù, dị ứng, sốc phản vệ, viêm mũi, nổi mày đay.
  • Tiêu hóa: Đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, làm ổ loét tiến triển, tiêu chảy có máu.
  • Thần kinh: Buồn ngủ, trầm cảm, lo âu, mất ngủ, khó chịu, dễ bị kích thích.
  • Hô hấp: Co thắt phế quản.
  • Mắt: Đau nhức mắt, nhìn mờ, nhìn đôi, điểm tối thị giác.

5.3. Các tác dụng phụ hiếm gặp (ADR < 1/1000)

  • Toàn thân: Phát ban, phù, rụng tóc, hội chứng Stevens – Johnson.
  • Thần kinh: Viêm màng não vô khuẩn.
  • Huyết học: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu.
  • Gan: Rối loạn co bóp túi mật, Nhiễm độc gan (vàng da, viêm gan), test chức năng gan bất thường.
  • Tiết niệu: Viêm thận kẽ, hội chứng thận hư, suy thận cấp, viêm bàng quang, tiểu máu.

5.4. Thận trọng với nguy cơ huyết khối tim mạch

Các thử nghiệm lâm sàng và dịch tễ dược học đã cho thấy việc sử dụng Diclofenac, đặc biệt khi dùng liều cao (150 mg Diclofenac/ ngày) và kéo dài, liên quan đến tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối tim mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan