Công dụng thuốc Fattydan

Thuốc Fattydan thuộc nhóm thuốc có nguồn gốc thảo dược, động vật; có thành phần là cao khô một số vị thuốc thảo dược quý, thuốc Fattydan có tác dụng điều trị tăng cholesterol máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Để có thêm thông tin của thuốc Fattydan, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

1. Fattydan là thuốc gì?

  • Fattydan là thuốc cao khô dược liệu khô có thành phần gồm có các vị thuốc nam sau: Bán hạ nam 440mg, Bạch linh 890mg, Xa tiền tử 440mg, Ngũ gia bì chân chim 440mg, Sinh khương 110mg, Trần bì 440mg, Rụt 560mg, Sơn tra 440mg, Hậu phác nam 330mg. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang cứng, hộp 3, 6 vỉ x 10 viên (vỉ nhôm - nhôm hoặc vỉ nhôm - PVC), hộp 1 chai 45 viên (chai nhựa HDPE hoặc chai thủy tinh màu nâu). Thuốc Fattydan được sản xuất bởi công ty Công ty Cổ phần BV Pharma, lưu hành trên thị trường Việt Nam với số đăng ký là VD-25073-16

Một số thành phần thảo dược chính của thuốc Fattydan:

  • Bán hạ nam: Còn được gọi là củ chóc có tên khoa học là Typhonium trilobatum, họ Ráy (Araceae), loài cây này mọc hoang ở nhiều địa phương trong nước ta, thường sống nơi đất ẩm thấp trong vườn, dưới tán các cây khác. Bán hạ nam chứa các thành phần dược lý gồm: sterol, saponin, coumarin, alcaloid, axít hữu cơ, axít amin. Trên động vật thực nghiệm, bán hạ nam có tác dụng chống ho, trừ đờm, chống nôn. Theo YHCT, bán hạ vị cay, tính ấm, có tác dụng giáng nghịch, chỉ ho, trừ đờm, chống nôn, dùng để điều trị các chứng bệnh ho đờm do viêm họng, viêm phế quản mạn tính, nôn mửa do chướng khí.
  • Bạch linh: Tên khoa học Poria cocos Wolf., họ Nấm lỗ (Polyporaceae), Bộ phận dùng làm thuốc quả thể của nấm Poria cocos Wolf, họ Nấm lỗ (Polyporaceae). Bạch linh là thể quả nấm Phục linh khô có nhiều hình dạng như hình cầu, hình thoi, hình cầu, hình khối không đều, không đồng nhất, mặt ngoài màu nâu có đốm đen, nhiều vết nhăn, bề mặt sần sùi lồi lõm. Một số rừng thông ở vùng khí hậu mát của Việt Nam cũng có loại nấm này tuy nhiên chưa được nuôi trồng và khai thác, vị thuốc chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Thành phần dược lý trong Bạch linh bao gồm polysaccharid và triterpenes, các axit amin, steroid, các enzym và choline, cũng như histidine và muối kali. Các nhà khoa học đã phân lập các thành phần và thử hoạt tính sinh học của bạch phục linh cho thấy thành phần polysaccharides, triterpenoids và axit béo có trong Bạch linh có tác dụng lợi tiểu, chống viêm, chống oxy hóa, chống lão hóa, điều hòa miễn dịch, hạ đường huyết và điều trị ung thư. Theo Đông Y, Bạch linh vị ngọt nhạt, tính bình, quy vào kinh tỳ, thận, phế, tâm; có tác dụng lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, dưỡng tâm an thần. Phục linh có trong các bào thuốc bổ, chữa suy nhược, chóng mặt, di tinh, mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thũng, bụng đầy chướng, tiêu chảy, trị mất ngủ.
  • Ngũ gia bì chân chim: Còn gọi với cái tên như xuyên gia bì, có tên khoa học là Acanthopanax aculeatus Seem. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). thuộc nhóm cây bụi cao khoảng từ 1 đến 7m, cành có gai. Ngũ gia bì mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, hay gặp nhất là ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Sapa (Lào Cai), bộ phận dùng làm vị thuốc là vỏ rễ cây ngũ gia bì. Theo Y Học Cổ Truyền thì vị thuốc này có vị đắng, cay, tính ôn, quy kinh can, thận, phế; công năng khu phong, trừ thấp, hoạt lạc, mạnh gân cốt, thư cân. Do đó vị thuốc Ngũ gia bì thường chữa bệnh lý về xương khớp, lưng đau mỏi gối. Ngoài ra, theo nghiên cứu tác dụng dược lý sơn tra còn có tác dụng điều tiết rối loạn nội tiết, điều tiết hồng cầu, bạch cầu và huyết áp, chống phóng xạ, giải độc; tăng cường miễn dịch của cơ thể, tăng nhanh sự hình thành kháng thể; kháng virus, kháng tế bào ung thư, điều chỉnh miễn dịch, giãn mạch, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành và hạ huyết áp.
  • Sơn tra: Tên gọi khác là Hồng quả, Sơn lý hồng, Yên chi. Tên Hán Việt: Thử tra, Xích qua tử, Hầu tra, Mao tra, Sơn tra tử, Hầu lê,...Tên khoa học: Crataegus cuneara Sied. Họ: Hoa hồng (Rosaceae). Cây Sơn tra thường mọc hoàng ở các vùng núi cao thuộc phía Bắc nước ta như: Hà Tuyên, Cao Lạng, Hoàng Liên Sơn,..., bộ phận dùng là quả của cây Sơn tra. Trong phần quả của cây Sơn tra chứa hàm lượng rất cao Vitamin C và một số hợp chất khác như: Acid citric, Acid oleanic, Acid cafiic, Acid crataegic. Cacbon hydrat, Protid, Calci, Ursolic, Cholin, Acetylcholin, Phytosterin, Phốt pho, Sắt,...Theo nghiên cứu tác dụng các thành phần dược lý, Sơn tra có tác dụng hỗ trợ hệ tuần hoàn như làm tăng sức co bóp cơ tim, giãn mạch máu ngoại vi từ đó tăng lưu lượng tuần hoàn, điều hòa hạ huyết áp; giảm mỡ máu do tăng đào thải cholesterol ra ngoài; chống xơ vữa mạch máu; hỗ trợ enzyme, kích thích ăn ngon miệng, giảm đầy hơi, khó tiêu; kháng khuẩn, kháng viêm do ức chế các trực khuẩn liên cầu beta, tụ cầu vàng; an thần cải thiện giấc ngủ.
  • Trần bì: Tên thường dùng: Trần bì, quất bì, quảng trần bì, tần hội bì, vỏ quýt Tên khoa học: Citrus deliciosa Tenore, Họ khoa học: họ Cam (Rutaceae). Cây quýt trồng ở khắp các tỉnh của nước ta, nhiều nhất tại các tỉnh Nghệ Tĩnh, Thái Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình. Thành phần dược lý của trần bì chứa tinh dầu khoảng 1.5 - 2%, các hoạt chất chính như Cryptoxanthin, Limolene, Vitamin B1 và vitamin C, Elemene, Hesperidin, Iopropenyl-toluene, Caroten. Theo đông y, Trần bì có vị cay đắng, tính ấm, thuộc nhóm thuốc lý khí, có tác dụng táo thấp hoá đàm. Dựa trên các nghiên cứu, thành phần tinh dầu trong trần bì có công dụng kích thích đường tiêu hóa, giúp ruột bài khí tích trệ ra ngoài một cách dễ dàng chữa chứng ăn không tiêu, nôn mửa. Ngoài ra các thành phần hóa học trong trần bì có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, hạn chế sự điều tiết dịch vị, giảm viêm loét dạ dày; làm loãng đờm, tiêu đờm, tác động lên hệ thần kinh tim điều hòa huyết áp.

2. Công dụng thuốc Fattydan

  • Thuốc Fattydan được dùng trong điều trị tăng cholesterol máu, hỗ trợ giảm cân, điều trị bệnh béo phì.
  • Dự phòng xơ vữa mạch máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

3. Chống chỉ định của thuốc Fattydan

  • Bệnh nhân đã từng bị mẫn cảm dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân đang bị suy gan, suy thận mức độ nặng.
  • Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ đang cho con bú.
  • Hiện tại chưa có nghiên cứu nào xác định độ an toàn và tính hiệu quả của thuốc Fattydan ở trẻ em, do đó không được tự ý sử dụng cho trẻ em khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Liều dùng - cách dùng của thuốc Fattydan

Liều dùng:

  • Người lớn: Uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần uống 01 viên.

Cách dùng:

  • Uống cả viên không nhai, uống cùng với 1 cốc nước lọc.
  • Thời điểm uống thuốc: nên dùng thuốc sau khi ăn.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Fattydan?

  • Chóng mặt, đau đầu.
  • Xanh xao, mệt mỏi, buồn nôn.
  • Đau bụng, đầy chướng bụng, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa.
  • Đắng miệng, nổi mẩn đỏ.

Chú ý trên đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Fattydan, vì vậy nếu có bất kỳ biểu hiện nào hãy thông báo ngay đến các bác sĩ để được xử trí và theo dõi kịp thời.

6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Fattydan

Cần thông báo cho bác sĩ của bạn về tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc, các thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng để được hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp, tránh phản ứng tương tác thuốc gây giảm tác dụng hay các biến chứng không mong muốn.

  • Một số thành phần thảo dược trong thuốc Fattydan có thể ảnh hưởng đến thai nhi và sự bài tiết sữa mẹ vì vậy nên tránh sử dụng thuốc này cho phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.
  • Thuốc Fattydan có thể gây chóng mặt, nhức đầu, do vậy không sử dụng cho người lái xe hoặc đang vận hành máy móc.
  • Bệnh nhân cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi ngưng sử dụng thuốc, không được tự ý dừng thuốc hay sử dụng liều kéo dài.
  • Bảo quản ở những nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 độ C và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, tránh xa tầm tay trẻ em.

Trên đây là những thông tin được cập nhật mới và mang tính tham khảo về thuốc Fattydan, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ và dược sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

107 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan