Công dụng thuốc Efatrio

Efatrio thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm, được sử dụng để điều trị nhiễm HIV-1 ở người lớn và thanh thiếu niên. Hãy cùng tìm hiểu về thông tin thuốc Efatrio thông qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Efatrio là thuốc gì?

Thuốc Efatrio được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Efavirenz 600mg, Lamivudine 300mg, Tenofovir disoproxil fumarate 300mg.

Efavirenz có tác dụng kháng virus HIV-1 bằng cách ức chế đặc hiệu enzyme phiên mã ngược không nucleosid, từ đó ức chế quá tổng hợp và phát triển của virus.

Sau khi vào trong cơ thể, Lamivudine được chuyển hoá thành chất có hoạt tính Lamivudin-5’-triphotphat, cạnh tranh với deoxycytidine triphosphate, ức chế enzyme phiên mã ngược, vì vậy ức chế quá trình tổng hợp DNA của virus.

Sau khi vào ruột non Tenofovir disoproxil fumarate sẽ chuyển hóa thành Tenofovir, sau đó được phosphoryl hóa thành dạng có hoạt tính Tenofovir Diphosphat, từ đó sẽ ức chế enzyme phiên mã ngược của virus HIV-1 và enzyme polymerase của virus viêm gan B.

Kết hợp 3 hoạt chất này với nhau sẽ giúp tăng hiệu lực kháng virus HIV, vì vậy tăng hiệu quả điều trị bệnh.

2. Thuốc Efatrio có tác dụng gì?

Thuốc Efatrio được sử dụng ở cả người lớn và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi và cân nặng ≥ 40 kg) trong điều trị nhiễm HIV-1 mà sự ức chế virus đạt mật độ RNA HIV-1 < 50 copies/ml khi đã dùng liệu pháp kháng retrovirus phối hợp trong hơn 3 tháng. Người bệnh chưa tùng bị thất bại điều trị trong bất cứ liệu pháp kháng retrovirus nào trước đây. Việc sử dụng Efatrio để điều trị cho người nhiễm HIV-1 đã dùng liệu pháp kháng retrovirus nên dựa trên phép thử đề kháng virus hoặc tiền sử điều trị trước đó của từng bệnh nhân.

Không sử dụng thuốc Efatrio trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với lamivudine, tenofovir, efavirenz hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người mắc bệnh gan, thận nặng.

3. Liều lượng của thuốc Efatrio

Liều lượng thuốc phụ thuộc vào từng trường hợp:

  • Người lớn và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi và cân nặng ≥ 40kg): uống 1 viên/lần/ngày.
  • Không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Không dùng cho bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin < 50ml/phút.
  • Dược động học của thuốc chưa được kiểm chứng ở những người suy gan. Người bệnh phải được theo dõi chặt chẽ các phản ứng phụ, đặc biệt là các triệu chứng trên hệ thần kinh liên quan đến efavirenz.
  • Cách dùng thuốc: Uống nguyên viên thuốc với nước vào lúc đói, nên dùng trước khi ngủ để giảm các tác dụng không mong muốn trên thần kinh trung ương.

4. Tác dụng phụ của thuốc Efatrio

Khi sử dụng thuốc Efatrio có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Tăng nồng độ triglyceride lúc đói, cholesterol toàn phần, HDL, LDL, tăng men gan, giảm phosphat máu.
  • Chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, ngủ lơ mơ, giấc mơ bất thường, rụng tóc.
  • Ngứa, phát ban trên da
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy.
  • Đau cơ, đau khớp
  • Sốt, ho, các triệu chứng ở mũi, mệt mỏi
  • Lo lắng, trầm cảm, rối loạn tập trung

Khi sử dụng thuốc Efatrio, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Efatrio

Khi sử dụng phối hợp Efatrio có thể tương tác với một số thuốc sau:

  • Tương tác liên quan đến Lamivudin: Sulfamethoxazole và Trimethoprim có thể làm tăng 40% nồng độ dưới đường cong của Lamivudin.
  • Tương tác liên quan đến Tenofovir: Khi dùng đồng thời với các thuốc Aminoglycoside, Vancomycin, Tacrolimus, amphotericin B,...làm tăng nguy cơ gây độc cho thận.
  • Tương tác liên quan đến Efavirenz

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Efatrio

Khi sử dụng thuốc Efatrio cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Thận trọng khi sử dụng ở người cao tuổi, người có tiền sử co giật hoặc rối loạn tâm thần.
  • Cần ngừng thuốc khi có các triệu chứng gây độc ở gan hoặc nồng độ men gan tăng cao gấp 10 lần giới hạn trên của mức bình thường, khi phát ban nặng hoặc nổi ban đỏ trên da, bao gồm hội chứng Stevens-Johnson. Khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng hoặc kết quả xét nghiệm khác nghi ngờ viêm tụy.
  • Trong quá trình điều trị với efavirenz cần phải theo dõi nồng độ lipid và glucose máu.
  • Khi dùng các thuốc kháng retrovirus có thể gây tăng sinh mô mỡ do sự phân bố lại hoặc sự tích tụ mỡ trong cơ thể, bao gồm phì đại mặt trước - sau cổ (“gù trâu”), béo bụng, tổn thương thần kinh ngoại biên, phì đại tuyến vú, hội chứng Cushing.
  • Hội chứng hoạt hóa miễn dịch: Người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch nặng ở thời kỳ bắt đầu điều trị phối hợp với các thuốc kháng retrovirus (CART), có thể xuất hiện các phản ứng viêm không triệu chứng hoặc tình trạng nhiễm trùng cơ hội, làm trầm trọng các triệu chứng hoặc gây các bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng.
  • Cần theo dõi xương chặt chẽ ở những người nhiễm HIV có tiền sử gãy xương bệnh lý hoặc có nguy cơ loãng xương.
  • Sau khi ngừng sử dụng tenofovir ở người nhiễm đồng thời HBV và HIV, cần theo dõi chặt chẽ chức năng gan thêm một vài tháng.
  • Người bệnh đang sử dụng Efatrio hoặc bất kỳ liệu pháp kháng retrovirus nào đều có thể mắc nhiễm trùng cơ hội hoặc các biến chứng khác do nhiễm HIV.
  • Điều trị bằng Efatrio không loại trừ được nguy cơ lây truyền HIV, vì vậy người bệnh nên duy trì các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV thích hợp.
  • Không nên dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ, trong 3 tháng giữa thai kỳ chỉ sử dụng khi đã cân nhắc kĩ lợi ích và nguy cơ.
  • Khi bị nhiễm HIV không nên cho con bú trong bất kỳ trường hợp nào để tránh nguy cơ lây truyền bệnh.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người làm những công việc có khả năng gây nguy hiểm như lái xe, vận hành máy móc.

Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Efatrio, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

59 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan