Công dụng thuốc Duragesic

Thuốc Duragesic được bào chế dưới dạng miếng dán phóng thích qua da. Thành phần chính của thuốc là Fentanyl, có tác dụng giảm đau.

1. Công dụng của thuốc Duragesic

Mỗi miếng dán thuốc Duragesic có thành phần chính là Fentanyl 8,4mg và các tá dược. Thành phần Fentanyl là thuốc giảm đau Opioid, thuốc dẫn xuất Phenylpiperidine. Nó có tác dụng chính là giảm đau và an thần.

Miếng dán Duragesic 50μg/h được chỉ định sử dụng để kiểm soát các cơn đau mãn tính nghiêm trọng cần dùng tới Opioid liên tục trong thời gian dài.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Duragesic:

  • Người bị mẫn cảm, có nguy cơ dị ứng với thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân đau cấp tính hoặc sau phẫu thuật (vì không có cơ hội chuẩn độ liều trong thời gian sử dụng ngắn hạn, do giảm thông khí nghiêm trọng hoặc đe dọa tới tính mạng);
  • Bệnh nhân suy hô hấp nghiêm trọng.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Duragesic

2.1 Cách dùng

  • Trước khi dán miếng dán lên da, bệnh nhân nên vệ sinh vùng da bằng nước sạch và lau khô;
  • Gỡ miếng dán ra khỏi túi, dán lên vùng da cần điều trị, ấn nhẹ khoảng 30 giây để chắc chắn miếng dán đã dính chặt lên da.

*Lưu ý:

  • Nên dán miếng dán ở những vùng da không kích ứng, phẳng, cần tránh tiếp xúc với ánh sáng, ở thân mình và ở vùng trên cánh tay;
  • Với trẻ nhỏ thì nên ưu tiên dán ở vùng lưng;
  • Với vùng da có lông, nên loại bỏ lông bằng cách cắt (không được cạo);
  • Dán miếng dán liên tục trong 72 giờ;
  • Sau khi gỡ miếng dán cũ, không nên dán ngay miếng dán mới vào vị trí cũ mà nên chờ sau khoảng 2 - 3 ngày.

2.2 Liều dùng

  • Liều dùng thuốc Duragesic được tính toán dựa trên liều sử dụng Opioid hiện thời của người bệnh, tuân theo chỉ định của bác sĩ:
    • Liều morphin uống 30 - 44mg/24h: Dùng liều 12μg/h;
    • Liều morphin uống 45-134mg/24h: Dùng liều 25μg/h;
  • Thuốc Duragesic chưa được nghiên cứu ở những trẻ em dưới 2 tuổi. Chỉ nên sử dụng thuốc cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, có khả năng dung nạp Opioid;
  • Thuốc Duragesic chỉ nên sử dụng ở những bệnh nhân đã dung nạp Opioid. Những yếu tố khác cần được cân nhắc gồm: Tình trạng hiện tại và tình trạng sử dụng thuốc của người bệnh bao gồm tuổi tác, kích thước cơ thể, tình trạng suy nhược, mức độ dung nạp Opioid.

Triệu chứng quá liều Fentanyl là kéo dài các tác dụng dược lý của thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là ức chế hô hấp. Cách xử trí là gỡ bỏ miếng dán ngay lập tức, đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc Duragesic

Những tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Duragesic gồm:

  • Rất phổ biến: Chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ, buồn nôn, ói mửa, táo bón;
  • Thường gặp: Quá mẫn cảm, trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, ảo giác, trạng thái bối rối, chán ăn, run, loạn cảm, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, khô miệng, tiêu chảy, đau bụng,
  • Ít gặp: Hưng phấn, kích động, mất phương hướng, mất trí nhớ, mất ý thức, suy giảm mức độ ý thức, tím tái, nhịp tim chậm, mờ mắt, suy hô hấp, huyết áp thấp, rối loạn da, bệnh chàm, viêm da dị ứng, viêm da, viêm da tiếp xúc, rối loạn cương dương và rối loạn chức năng tình dục, phản ứng tại chỗ;
  • Hiếm gặp: Ngưng thở, giảm thông khí, viêm da hoặc chàm vùng dán thuốc.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc Duragesic để được hướng dẫn, xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Duragesic

  • Thành phần Fentanyl của thuốc đi qua nhau thai nên việc sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh. Không nên sử dụng thuốc Duragesic trong thời kỳ mang thai;
  • Thành phần Fentanyl của thuốc được tiết vào sữa mẹ, có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ nên không được sử dụng thuốc cho phụ nữ đang nuôi con bú;
  • Thuốc Duragesic có thể làm suy giảm chức năng nhận thức, gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc trên nhóm đối tượng này;
  • Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc ở người bị táo bón mạn tính. Nếu bệnh nhân bị nghi ngờ tắc ruột do liệt ruột thì cần ngừng dùng thuốc ngay;
  • Người cao tuổi dùng thuốc Duragesic nên được giám sát cẩn thận các dấu hiệu nhiễm độc, nếu cần thiết thì giảm liều;
  • Tránh để phần cơ thể có miếng dán tiếp xúc với nguồn nhiệt;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Duragesic ở bệnh nhân mắc bệnh suy gan, suy thận, bệnh tim mạch;
  • Chỉ được sử dụng thuốc Duragesic khi có chỉ định của bác sĩ.

5. Tương tác thuốc Duragesic

Một số tương tác thuốc Duragesic gồm:

  • Khi kết hợp thuốc Duragesic với các thuốc trầm cảm hệ thần kinh trung ương khác (Benzodiazepin và các thuốc an thần, Opioid, thuốc gây mê toàn thân, thuốc kháng histamin an thần, Phenothiazin, rượu, thuốc gây ngủ ức chế thần kinh trung ương) và thuốc giãn cơ xương thì có thể dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp, suy hô hấp, an thần sâu, hôn mê hoặc tử vong;
  • Khi dùng đồng thời thuốc Duragesic với chất ức chế MAO có thể làm tăng tác dụng kiểu Opiat hoặc Serotonergic;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Duragesic với các thuốc Serotonergic có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Serotonin;
  • Các thuốc Buprenorphine, Nalbuphine hoặc Pentazocine đối kháng 1 phần với tác dụng giảm đau của thuốc Duragesic, có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện ở người bệnh lệ thuộc Opioid;
  • Các chất ức chế Cytochrom P450 3A4 có thể làm tăng nồng độ thuốc Duragesic trong huyết tương, có thể làm tăng/kéo dài tác dụng điều trị và tác dụng phụ, thậm chí gây ức chế hô hấp nghiêm trọng;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Duragesic với chất cảm ứng CYP3A4 có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương, giảm hiệu quả điều trị.

Khi sử dụng thuốc Duragesic, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về cách dùng và liều dùng. Đồng thời, để tránh nguy cơ tương tác thuốc hoặc tác dụng phụ, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng, các bệnh lý mình đang mắc phải để nhận được lời khuyên phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

154 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan