Công dụng thuốc Creao

Thuốc Creao với biệt dược là methylprednisolone, thuốc nhóm corticosteroids, nội tiết, kháng viêm, nên được sử dụng trong điều trị đa dạng các loại bệnh như hen phế quản, sốc phản vệ, bệnh xương khớp, lupus ban đỏ. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ khi điều trị kéo dài, vì vậy nên cân nhắc lợi-hại trước khi sử dụng.

1. Creao là thuốc gì?

Thuốc Creao có tên biệt dược là methylprednisolone, thuộc nhóm thuốc corticosteroids, thuốc nội tiết, thuốc kháng viêm. Nó có tác dụng chống viêm và giảm miễn dịch của glucocorticoid với các bệnh điển hình như:

  • Hen phế quản
  • Sốc phản vệ
  • Phù nề thanh quản cấp
  • Viêm xương khớp sau phẫu thuật
  • Viêm màng hoạt dịch trong viêm xương khớp
  • Viêm khớp dạng thấp, kể cả viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên
  • Viêm túi hoạt dịch cấp và bán cấp
  • Viêm mỏm trên lõi cầu
  • Viêm bao hoạt dịch cấp tính và không đặc hiệu
  • Viêm khớp cấp tính dạng gút
  • Viêm khớp vảy nến
  • Viêm đốt sống cứng khớp
  • Lupus ban đỏ
  • Viêm cầu thận lupus giai đoạn nặng, phù do viêm cầu thận
  • Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS)
  • Phù não thứ cấp sau do khối u nguyên phát hoặc di căn và/hoặc kết hợp với phẫu thuật hay xạ trị, lao màng não, đợt kịch phát của xơ cứng
  • Thiếu hụt vận động và/ hoặc cảm giác và giảm nguy cơ liệt ở bệnh nhân tổn thương tủy sống cấp tính.
  • Viêm thanh quản ở trẻ em

2. Liều dùng, cách dùng thuốc Creao

Thuốc tiêm Creao 40mg có dạng tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Lọ thuốc tiêm được hòa tan với nước cất vô khuẩn, nếu tiêm tĩnh mạch cần tiêm chậm trong thời gian ít nhất 5 phút. Đối với truyền tĩnh mạch, cần pha loãng dung dịch pha tiêm với dextrose 5%, hoặc natri clorid 0.9% trước khi truyền.

  • Sốc phản vệ: Đối với người trưởng thành, liều ban đầu tiêm tĩnh mạch 30mg/kg, trong 3-15 phút, lặp lại mỗi 4-6 giờ. Sau đó, bổ sung truyền tĩnh mạch chậm 30mg/kg mỗi 12 giờ, trong 2-4 ngày. Liều cao được duy trì cho đến khi tình trạng ổn định, thời gian điều trị không nên vượt quá 48-72 giờ.
  • Hen phế quản cấp: Người lớn tiêm tĩnh mạch 40-120 mg mỗi 6 giờ đến khi kiểm soát được cơn hen. Trẻ em liều 1-2 mg/kg/ngày, thay đổi tùy vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng hơn là tuổi tác và cân nặng, liều thấp nhất ở trẻ em là 0,5 mg/kg/ngày.
  • Rối loạn thấp khớp không đáp ứng điều trị chuẩn hoặc giai đoạn kịch phát cần điều trị liều 1 g/ngày, trong 1-4 ngày hoặc 1g/tháng liên tục trong 6 tháng, tiêm tĩnh mạch ít nhất 30 phút.
  • Lupus ban đỏ hệ thống không đáp ứng điều trị chuẩn hoặc giai đoạn kịch phát cần điều trị liều 1 g/ngày trong 3 ngày, tiêm tĩnh mạch ít nhất 30 phút.
  • Phù (viêm cầu thận, viêm thận do Lupus) không đáp ứng điều trị chuẩn hoặc giai đoạn kịch phát cần điều trị liều 30 mg/kg cách ngày, trong 4 ngày hoặc 1 g/ngày, trong 3,5-7 ngày, tiêm tĩnh mạch ít nhất 30 phút.
  • Đa xơ cứng không đáp ứng điều trị chuẩn hoặc giai đoạn kịch phát cần điều trị liều 1 g/ngày trong 3-5 ngày, tiêm tĩnh mạch ít nhất 30 phút.
  • Trên 13 tuổi mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) cần điều trị glucocorticoid ngoài ruột để hỗ trợ điều trị nhiễm trùng Pneumocystis carinii viêm phổi từ trung bình đến nặng nên tiêm tĩnh mạch methylprednisolon 40 mg/lần, mỗi 6-12 giờ cho đến tối đa 21 ngày hoặc cho đến khi kết thúc quá trình điều trị.
  • Phòng liệt do tổn thương tủy sống cấp tính: Trong vòng 3 giờ sau chấn thương thì liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch 30 mg/kg trong 15 phút, nghỉ 45 phút, sau đó truyền tĩnh mạch 5.4 mg/kg/giờ trong 23 giờ. Trong vòng 3-8 giờ sau tổn thương thì tiêm tĩnh mạch 30 mg/kg trong 15 phút, rồi nghỉ 45 phút, sau đó truyền tĩnh mạch 5,4 mg/kg/giờ trong 47 giờ.
  • Viêm thanh quản ở trẻ em: Liều tiêm tĩnh mạch ban đầu là 1-2 mg/kg và liều tiêm tĩnh mạch tiếp theo là 0,5 mg/kg mỗi 6-8 giờ.

3. Chống chỉ định thuốc Creao

Thuốc Creao được chống chỉ định trong các trường hợp quá mẫn với methylprednisolon, người bị nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và lao màng não, nhiễm nấm, thương tổn da do virus, nấm hoặc lao, đang dùng vắc xin sống giảm độc lực.

4. Tác dụng phụ của thuốc Creao

  • Thiểu năng vỏ thượng thận thứ phát do thuốc có thể tồn tại vài tháng sau khi dừng thuốc. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ này có thể giảm ở mức tối thiểu khi giảm liều từ từ.
  • Thuốc Creao có thể gây giảm miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, càng tăng liều Creao thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu hoặc zona vì hệ miễn dịch bị suy giảm trong quá trình điều trị bằng thuốc Creao có thể khiến việc chữa khỏi bệnh trở nên khó khăn, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong.
  • Trong thời gian sử dụng thuốc, không nên tiêm vaccin sống, đặc biệt là người đáp ứng miễn dịch kém, vì có thể làm giảm hiệu quả của vaccin. Creao được chỉ định cho người bị bệnh lao tiềm ẩn hoặc tái phát, phải theo dõi kỹ vì bệnh có khả năng tái phát.
  • Dùng Creao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Sử dụng Creao liều trung bình đến cao có thể gây tăng huyết áp, ứ muối và nước, tăng bài tiết kali.
  • Dùng Creao kéo dài có thể gây đục thủy tinh thể, hại cho thần kinh mắt và tăng nhiễm trùng mắt thứ phát do nấm hoặc virus, thận trọng khi sử dụng cho người bị ecpet mắt để tránh nguy cơ thủng giác mạc.
  • Sử dụng Creao kéo dài có thể gây rối loạn nội tiết như hội chứng Cushing, vô kinh hoặc kinh nguyệt ít, thay đổi số lượng tinh trùng ở nam giới, giảm dung nạp glucose, tăng sản sinh đường huyết và nguy cơ gây bệnh đái tháo đường.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân suy tim và tăng huyết áp, vì thuốc có thể gây loạn nhịp tim và/hoặc truy mạch và/hoặc ngưng tim khi tiêm nhanh vào tĩnh mạch ở liều cao.
  • Dùng Creao toàn thân có thể gây tác dụng phụ trên da gồm teo da và mỏng da, mụn trứng cá, tăng tiết mồ hôi, rậm lông, ban đỏ ở mặt, đốm xuất huyết, tụ máu, rối loạn sắc tố da. sẹo, chai, teo da và áp xe vô trùng, u thịt kaposi.
  • Trên hệ tiêu hóa, Creao có thể gây buồn nôn, nôn, chán ăn dẫn đến giảm cân, thèm ăn dẫn đến tăng cân, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, viêm tụy, viêm và loét thực quản, làm tái phát, thùng, xuất huyết và chậm lành vết loét dạ dày tá tràng.
  • Đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, bồn chồn và tăng vận động, đau thần kinh do thiếu máu, điện não đồ (EEG) bất thường và co giật là những tác dụng phụ của Creao trên hệ thần kinh.
  • Dùng Creao toàn thân kéo dài ở phụ nữ mang thai có thể khiến sinh con nhẹ cân. Trước khi sử dụng, cần cân nhắc kỹ, vì vẫn còn rất nhiều nguy cơ khác có thể xảy ra với mẹ và thai nhi. Thuốc không chống chỉ định với người cho con bú.

5. Xử trí tác dụng phụ của thuốc Creao

Đối với các trường hợp cấp tính, dùng ngắn ngày, phải cân nhắc làm sao để sử dụng liều thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đạt hiệu quả điều trị cao.

Đối với điều trị dài ngày, nếu xảy ra ức chế tuyến thượng thận thì cần phải giảm liều từng bước một, thay vì ngừng đột ngột. Dùng 1 liều duy nhất trong ngày ít gây tác dụng phụ hơn chia nhỏ liều, dùng cách ngày, cứ 2 ngày/lần, vào buổi sáng sẽ làm giảm ức chế tuyến thượng thận. Đồng thời, phải theo dõi và đánh giá về nguy cơ đối với xương, tạo máu, dung nạp glucose, mắt và huyết áp.

Khi dùng liều cao Creao toàn thân thì nên dự phòng loét dạ dày-tá tràng bằng các thuốc kháng thụ thể H2– histamin, bổ sung calci để dự phòng loãng xương. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được cảnh báo về khả năng dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị.

6. Tương tác thuốc

  • Không nên sử dụng Creao cùng với các thuốc chuyển hóa bởi CYP3A4 (barbiturat. phenytoin. rifampin, ephedrine, carbamazepin) vì glucocorticoid có thể gây ức chế hoạt động của CYP3A4 và ngược lại CYP3A4 có thể làm thay đổi sự trao đổi chất và giải phóng của glucocorticoid.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với Cyclosporin, vì gây giảm nồng độ của methylprednisolon và tăng nồng độ cylosporin trong huyết tương, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng co giật.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với insulin và/hoặc thuốc hạ đường huyết vì có thể làm tăng nồng độ glucose máu.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với thuốc có chứa estrogen, vì làm tăng nồng độ của transcortin, gây tăng tác dụng của hydrocortison.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với thuốc ulcerogenic như indomethacin, vì có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng.
  • Thận trọng khi kết hợp với aspirin ở những bệnh nhân giảm prothombin máu, vì có thể làm tăng thanh thải aspirin, dẫn đến nồng độ salicylat huyết thanh giảm hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm độc salicylat khi ngưng dùng methylprednisolon.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với thuốc hạ kali máu (thiazid, furosemid, acid ethacrynic) vì có thể làm tăng nguy cơ mất kali.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với vaccin sống giảm độc, vì có thể gây ức chế phản ứng kháng thể, gây bất hoạt vaccin sống giảm độc, do đó tăng nguy cơ bệnh lan rộng.
  • Không nên sử dụng Creao cùng với thuốc chống đông đường uống, vì có thể gây tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc khi dùng chung với corticoid.

Thuốc Creao với biệt dược là methylprednisolone, thuốc nhóm corticosteroid, nội tiết, kháng viêm, nên được sử dụng trong điều trị đa dạng các loại bệnh như hen phế quản, sốc phản vệ, bệnh xương khớp, lupus ban đỏ. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan