Công dụng thuốc Compazine

Thuốc Compazine có hoạt chất chính là Prochlorperazine, được chỉ định trong điều trị triệu chứng buồn nôn, nôn, tâm thần phân liệt và hỗ trợ kiểm soát chứng lo âu. Vậy công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Compazine là gì?

1. Thuốc Compazine có tác dụng gì?

Thuốc Compazine có hoạt chất chính là Prochlorperazine, có tác dụng kháng cholinergic yếu, tác dụng an thần vừa phải, tác dụng ngoại tháp mạnh và tác dụng chống nôn mạnh. Prochlorperazine đối kháng với sự dẫn truyền thần kinh qua trung gian dopamine tại các khớp thần kinh và có thể chặn các thụ thể dopamin sau synap. Công dụng chống nôn của thuốc nhờ tác động trực tiếp đến vùng kích hoạt thụ thể hóa học của tủy bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamin.

Thuốc Compazine được chỉ định trong điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn do bất kỳ nguyên nhân nào, tâm thần phân liệt, hưng cảm cấp tính và hỗ trợ kiểm soát chứng lo âu. Thuốc không nên được sử dụng để điều trị các vấn đề về hành vi ở bệnh nhân người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ.

2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Compazine là gì?

Điều trị buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng:

  • Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên và nặng hơn 39kg: Nên khởi đầu 5 hoặc 10 mg, 3 hoặc 4 lần một ngày. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều nếu cần. Tuy nhiên, liều thường không quá 40 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 2 tuổi trở lên và nặng từ 18 đến 39kg: Liều lượng dựa trên trọng lượng cơ thể và phải do bác sĩ xác định. Có thể khởi đầu với 2,5 mg x 3 lần một ngày hoặc 5 mg x 2 lần một ngày. Liều dùng thường không quá 15 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 2 tuổi trở lên và nặng từ 14 đến 18kg: Liều ban đầu là 2,5 mg x 2 hoặc 3 lần một ngày, liều tối đa không quá 10 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 2 tuổi trở lên và nặng từ 9 đến 13kg: Liều ban đầu là 2,5 mg x 1 hoặc 2 lần một ngày, liều tối đa không quá 7,5 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi và nặng dưới 9kg: Không nên sử dụng thuốc Compazine

Điều trị chứng lo âu không loạn thần:

  • Người lớn: Liều ban đầu là 5 mg x 3 hoặc 4 lần một ngày, liều tối đa không quá 20 mg mỗi ngày hoặc lâu hơn 12 tuần.
  • Trẻ em: Việc sử dụng và liều lượng phải được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt:

  • Người lớn: Liều ban đầu là 5 đến 10 mg x 3 hoặc 4 lần một ngày, liều tối đa không quá 150 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Khởi đầu với liều 2,5 mg x 2 hoặc 3 lần một ngày, liều tối đa không quá 10 mg vào ngày đầu tiên và 25 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi: Khởi đầu với liều 2,5 mg x 2 hoặc 3 lần một ngày, tối đa không quá 10 mg vào ngày đầu tiên và 20 mg mỗi ngày.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Việc sử dụng và liều lượng phải do bác sĩ chuyên khoa xác định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Compazine

Bệnh nhân sử dụng thuốc Compazine có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

  • Tim mạch: Bất thường điện tâm đồ, hạ huyết áp thế đứng, phù ngoại vi
  • Da liễu: Viêm da tiếp xúc, chàm, ban đỏ da, viêm da tróc vảy, ngứa, sắc tố da, mày đay
  • Nội tiết và chuyển hóa: Vô kinh, xuất huyết không liên quan đến sinh đẻ, nữ ​​hóa tuyến vú, tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết, tăng cân
  • Tiêu hóa: Mất trương lực ruột kết, ứ mật, táo bón, tăng cảm giác thèm ăn, tắc ruột, buồn nôn, táo bón, nôn mửa, đầy hơi
  • Hệ sinh dục: Rối loạn phóng tinh, đường niệu, liệt dương, đái buốt, bí tiểu
  • Huyết học: Thiếu máu bất sản, tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu tán huyết, giảm bạch cầu
  • Gan: Vàng da ứ mật
  • Quá mẫn: Sốc phản vệ
  • Hệ thần kinh: Kích động, hội chứng kháng cholinergic, hôn mê, lú lẫn, giảm phản xạ ho, chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, bồn chồn, rối loạn chức năng vận động, bồn chồn
  • Thần kinh cơ xương: Hội chứng giống lupus
  • Mắt: Nhìn mờ, bệnh dày sừng biểu mô, giãn đồng tử, viêm võng mạc sắc tố
  • Hô hấp: Phù nề thanh quản, nghẹt mũi

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Compazine là gì?

Trong quá trình sử dụng thuốc Compazine, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Compazine với rượu hoặc các loại thuốc khác ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Việc sử dụng chung rượu hoặc các loại thuốc khác có ảnh hưởng đến thần kinh trung ương có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như chóng mặt, kém tập trung, buồn ngủ, những giấc mơ bất thường và khó ngủ. Một số ví dụ về các loại thuốc ảnh hưởng đến thần kinh trung ương là thuốc kháng histamin, thuốc trị dị ứng hoặc cảm lạnh, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc điều trị trầm cảm, thuốc trị lo âu, thuốc giảm đau theo toa, thuốc gây nghiện, thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, thuốc trị co giật, thuốc giãn cơ hoặc thuốc gây mê, bao gồm một số thuốc gây mê nha khoa.
  • Thuốc Compazine có thể gây ra các triệu chứng ngoại tháp. Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, chảy nước dãi, mất kiểm soát thăng bằng, run cơ, giật hoặc cứng khớp, bồn chồn, đi lại lộn xộn, cứng các chi, cử không kiểm soát, đặc biệt là mặt, cổ và lưng.
  • Thuốc Compazine có thể gây buồn ngủ, khó suy nghĩ hoặc khó kiểm soát chuyển động của cơ thể, có thể dẫn đến ngã, gãy xương hoặc các chấn thương khác. Bệnh nhân cần đặc biệt thận trọng khi lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm những công việc khác đòi hỏi sự tỉnh táo.
  • Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu có thể xảy ra, đặc biệt là khi bệnh nhân đột ngột đứng dậy từ tư thế nằm hoặc ngồi. Đứng dậy từ từ có thể hữu ích cho bệnh nhân. Nếu vấn đề này tiếp tục hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
  • Thuốc Compazine có thể khiến cơ thể khó hạ nhiệt hơn. Cần cẩn thận khi tập thể dục nặng hoặc thời tiết quá nóng, vì có thể dẫn đến say nóng.
  • Thuốc Compazine có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm y tế.
  • Compazine có thể gây ra chứng rối loạn vận động chậm. Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào sau đây khi sử dụng thuốc này: mím môi, phồng má, cử động nhai không kiểm soát hoặc chuyển động không kiểm soát của cánh tay và chân.
  • Bệnh nhân nên đến khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây khi sử dụng thuốc: co giật (động kinh), khó thở, tim đập nhanh, sốt cao, tăng tiết mồ hôi, mất kiểm soát bàng quang, huyết áp cao hoặc thấp, cứng cơ nghiêm trọng, da nhợt nhạt bất thường hoặc mệt mỏi. Các dấu hiệu trên có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng được gọi là hội chứng ác tính an thần kinh.
  • Prochlorperazine có thể tạm thời làm giảm số lượng bạch cầu trong máu của bệnh nhân và làm tăng khả năng bị nhiễm trùng. Do đó, bệnh nhân nên tránh những người bị nhiễm trùng để ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám nếu bị sốt hoặc ớn lạnh, ho hoặc khàn giọng, đau thắt lưng hoặc bên hông, đi tiểu đau hoặc khó khăn.
  • Người cao tuổi: Bệnh nhân cao tuổi có nhiều khả năng mắc các vấn đề về gan, thận hoặc tim liên quan đến tuổi tác, điều này có thể làm bác sĩ phải điều chỉnh liều lượng cho bệnh nhân khi dùng thuốc Compazine.
  • Phụ nữ cho con bú: Không có nghiên cứu đầy đủ ở phụ nữ đang cho con bú để xác định nguy cơ ở trẻ sơ sinh khi mẹ sử dụng thuốc Compazine. Cần cân nhắc lợi ích so với những rủi ro có thể xảy ra trước khi dùng thuốc Compazine khi cho con bú.
  • Phụ nữ mang thai: Sử dụng thuốc chống loạn thần trong ba tháng cuối của thai kỳ có nguy cơ đối với các cử động cơ bất thường và các triệu chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh sau khi sinh. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm kích động, rối loạn bú, tăng trương lực, giảm trương lực cơ, suy hô hấp, buồn ngủ và run; những tác dụng này có thể tự giới hạn hoặc cần nhập viện. Việc sử dụng Prochlorperazine có thể được xem xét để điều trị bổ trợ buồn nôn và nôn ở bệnh nhân mang thai khi các triệu chứng vẫn còn sau khi điều trị bằng thuốc ban đầu.

Trên đây là các thông tin về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Compazine. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: webmd.com, drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

213 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan