Công dụng thuốc Clearatadine

Clearatadine là thuốc dùng đường uống được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của tình trạng dị ứng qua trung gian histamin. Tuy có sẵn dưới dạng không kê đơn nhưng bạn vẫn cần lưu ý một số vấn đề về việc sử dụng thuốc Clearatadine để đảm bảo đạt được hiệu quả tối ưu và an toàn cho sức khỏe.

1. Clearatadine có tác dụng gì?

Clearatadine là thuốc dùng đường uống, có thành phần chính Loratadine thuộc nhóm thuốc kháng histamin. Thuốc này có sẵn dưới dạng OTC- thuốc không kê đơn.

Tại Hoa Kỳ tên thương hiệu thường được sử dụng của thuốc như:

  • Alavert;
  • Children's Claritin;
  • Children's Clear-Atadine;
  • Children's Dimetapp ND Allergy;
  • Claritin;
  • Claritin Reditabs;
  • Clearatadine;
  • Loradamed;
  • Triaminic Allerchews.

Với dạng bào chế có sẵn trên thị trường gồm: Viên nhai, viên nén, viên nén phân hủy, xi rô, dung dịch, viên nang.

Dược lực học:

  • Giống như các thuốc kháng histamine thế hệ thứ 2 khác, Loratadine có tính chọn lọc đối với các thụ thể H1 ngoại vi. Loratadine không thâm nhập hiệu quả vào hệ thần kinh trung ương và có ái lực kém với thụ thể H1 của thần kinh trung ương. Những phẩm chất này dẫn đến việc thiếu các tác dụng ức chế thần kinh trung ương như buồn ngủ, an thần và giảm chức năng tâm thần vận động.

Cơ chế hoạt động:

  • Sự giải phóng histamine là một chất trung gian chính trong viêm mũi dị ứng và mày đay. Do đó, Loratadine phát huy tác dụng bằng cách nhắm vào các thụ thể histamin H1.
  • Loratadine liên kết với các thụ thể histamine H1 được tìm thấy trên bề mặt của tế bào biểu mô, tế bào nội mô, bạch cầu ái toan, bạch cầu trung tính, tế bào đường thở, tế bào cơ trơn mạch máu trong số những tế bào khác và từ đó có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng qua trung gian histamine
  • Clearatadine được chỉ định trong điều trị các triệu chứng dị ứng, bao gồm chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt và ngứa mắt/ mũi/ họng.

2. Sử dụng Clearatadine như thế nào?

Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc Clearatadine:

  • Trước khi sử dụng Clearatadine hãy cho bác sĩ biết nếu bạn từng có bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng nào với thuốc.
  • Nhi khoa: Tính an toàn và hiệu quả chưa được thiết lập ở trẻ em dưới 6 tuổi đối với viên nang, viên nén nhai, viên nén phân hủy và viên nén; trẻ em dưới 2 tuổi đối với chất lỏng uống.
  • Phụ nữ cho con bú: Các nghiên cứu ở phụ nữ cho thấy rằng thuốc Clearatadine gây ra rủi ro tối thiểu cho trẻ sơ sinh khi được sử dụng trong thời kỳ cho con bú.
  • Với người đang sử dụng những thuốc sâu đây cùng với Clearatadine, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc số lần uống 1 hay cả 2 loại thuốc của bạn: Amiodarone, Carbamazepine, Pitolisant.
  • Với người đang mắc những vấn đề y tế sau: Bệnh thận, bệnh gan. Phenylketonuria (PKU).

Lưu ý khi sử dụng thuốc Clearatadine:

  • Chỉ dùng thuốc này theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không dùng nhiều, thường xuyên hơn hay lâu hơn.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và thực hiện trừ khi có yêu cầu khác từ bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn.

Cách sử dụng thuốc:

  • Viên nén phân hủy: Đặt viên thuốc trên lưỡi, có hoặc không cùng với nước.
  • Dạng dung dich: Đong bằng cốc thuốc.
  • Viên nén: Nhai hoặc nghiền nát viên thuốc trước khi nuốt.

Liều lượng thuốc uống mỗi ngày, số lần uống, khoảng thời gian giữa các liều phụ thuộc vào vấn đề y tế đang được điều trị, dạng bào chế, hoàn cảnh riêng của người bệnh. Liều thuốc điều trị dị ứng tham khảo như sau:

  • Liều của thuốc dạng bào chế viên nhai, viên nén phân hủy, viên nén, ở người lớn và trẻ trên 6 tuổi là một viên hoặc 10 miligam (mg) mỗi ngày một lần. Không uống nhiều hơn 1 viên/ngày. Trẻ nhỏ hơn 6 tuổi dùng liều theo chỉ định của bác sĩ.
  • Với dạng viên nang: người lớn và trẻ trên 6 tuổi dùng liều một viên nang hoặc 10 miligam (mg) mỗi ngày một lần. Không dùng nhiều hơn một viên nang mỗi ngày.
  • Với dạng dung dịch cho người lớn và trẻ trên 6 tuổi uống 2 muỗng cà phê hoặc 10 ml mỗi ngày một lần. Không dùng nhiều hơn 2 muỗng cà phê mỗi ngày. Trẻ em từ 2 đến dưới 6 tuổi uống 1 thìa cà phê đầy hoặc 5 ml một lần mỗi ngày. Không dùng nhiều hơn 1 muỗng cà phê mỗi ngày. Trẻ dưới 2 tuổi khi cần sử dụng cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Bảo quản thuốc Clearatadine trong bao bì kín ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt, tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.

Nếu các triệu chứng bệnh không cải thiện trong vòng một vài ngày hoặc trở nên nặng hơn, hãy kiểm tra với bác sĩ của bạn.

3. Tác dụng phụ của thuốc Clearatadine

Ngoài những tác dụng cần thiết, thuốc Clearatadine còn có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý. Các tác dụng ngoại ý được báo cáo phổ biến nhất bao gồm nhức đầu, buồn ngủ và mệt mỏi. Các tác dụng phụ khác bao gồm:

Hệ thần kinh:

  • Rất phổ biến (10% trở lên): Nhức đầu
  • Phổ biến (1% đến 10%): An thần / buồn ngủ
  • Rất hiếm (dưới 0,01%): Chóng mặt, co giật
  • Tần suất không được báo cáo : Ngất, dị cảm

Tâm thần:

  • Phổ biến: Lo lắng
  • Không phổ biến: Mất ngủ
  • Tần suất không được báo cáo: Trầm cảm

Tiêu hóa:

  • Phổ biến : Khô miệng
  • Rất hiếm: Buồn nôn, viêm dạ dày
  • Tần suất không được báo cáo: Khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng/dạ dày, thay đổi vị giác, tăng tiết nước bọt.

Trao đổi chất:

  • Không phổ biến (0,1% đến 1%): Tăng cảm giác thèm ăn

Da liễu:

  • Rất hiếm: Phù mạch, phát ban, rụng tóc
  • Tần suất không được báo cáo: Ngứa, mặt phát ban

Bộ phận sinh dục:

  • Tần suất không được báo cáo: Tăng tần suất đi tiểu, đổi màu nước tiểu, chậm kinh

Tim mạch:

  • Rất hiếm: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực
  • Tần suất không được báo cáo: Tăng/hạ huyết áp, đau ngực

Quá mẫn:

  • Rất hiếm: Phản ứng quá mẫn, phản vệ

Gan:

  • Rất hiếm: Chức năng gan bất thường

Hô hấp:

  • Tần suất không được báo cáo: Chảy máu cam, khô mũi, viêm họng , ho

Cơ xương khớp

  • Tần suất không được báo cáo: Đau cơ

Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào về loại thuốc đang hoặc đang có ý định sử dụng, bạn hãy đến gặp những người có chuyên môn. Vẫn có một số vấn đề bạn cần được tư vấn y tế kỹ lưỡng nếu gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc.

26 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan