Công dụng thuốc Cititadin

Bệnh viêm mũi dị ứng, mề đay gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc sử dụng thuốc để cải thiện và chấm dứt các triệu chứng trên giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Thuốc Cititadin là một thuốc kê đơn phổ biến và hữu ích trong trường hợp này. Vậy thuốc Cititadin có tác dụng gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin về dòng thuốc này.

1. Thuốc Cititadin có tác dụng gì?

Thuốc Cititadin thuộc nhóm thuốc chống dị ứng với thành phần chính là Desloratadine với hàm lượng 5 mg. Trong đó, Desloratadine được biết đến là một thuốc kháng histamin thế hệ II chống dị ứng-mày đay, giảm ngứa.

Theo các nghiên cứu, sử dụng thuốc Desloratadine liều duy nhất hoặc liều lặp lại trên các nốt mề đay do Histamin gây nên ở người sẽ tạo nên hiệu quả kháng Histamin sau 1 giờ. Tác dụng này có thể kéo dài đến 24 giờ.

Desloratadine hấp thu nhanh và đạt nồng độ tối đa trong máu là 3 giờ sau khi thuốc đi vào cơ thể. Trung bình nồng độ đỉnh ổn định trong huyết tương (Cmax) và diện tích dưới đường cong nồng độ-thời gian (AUC) được ghi nhận tương ứng là 4 ng/ml và 56,9 ng.giờ/ml. Thức ăn và nước bưởi không có tác động đối với sinh khả dụng của Desloratadine (Cmax và AUC).

Desloratadine phân bố chủ yếu trong protein huyết tương và sự phân bố này không thay đổi đối với bệnh nhân có chức năng thận suy giảm. Thành phần Desloratadine được chuyển hóa mạnh thành h 3-hydroxydesloratadine, sau đó sẽ bị Glucuronid hoá.

Nhờ chứa thành phần Desloratadine mà thuốc Cititadin đạt hiệu quả trong điều trị các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng, viêm mũi dị ứng quanh năm, cụ thể là hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, ngứa họng,... Thuốc này còn có công dụng cải thiện các triệu chứng của bệnh mày đay mạn tính tự phát.

Mặt khác, để sử dụng thuốc an toàn và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thuốc không được phép kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Chị em đang trong giai đoạn thai kỳ hoặc người bệnh đang cho con bú cũng chống chỉ định dùng thuốc.

Người bệnh lưu ý, các chống chỉ định trên mang tính chất tuyệt đối. Do đó, nếu người bệnh thuộc nhóm đối tượng trên cần thông báo với bác sĩ.

2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Cititadin

2.1. Cách dùng

Thuốc Cititadin được bào chế dưới dạng viên nang nên người bệnh được khuyến cáo sử dụng bằng đường uống. Khi uống thuốc, bạn nên uống nguyên cả viên thuốc, không nghiền nát.

Thuốc không phụ thuộc vào thức ăn, do đó, người bệnh có thể uống cùng hoặc không cùng bữa ăn.

Bạn nên uống thuốc với nhiều nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, không sử dụng thuốc cùng các loại nước có cồn hoặc nước ép hoa quả.

Đối với trường hợp viêm mũi dị ứng không liên tục, bác sĩ có thể đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp, tức là có thể ngưng thuốc khi các triệu chứng được cải thiện hết hoặc tiếp tục điều trị khi bệnh tái phát

2.2. Liều dùng

Liều dùng của thuốc sẽ được điều chỉnh dựa vào độ tuổi, thể trạng người bệnh hoặc mục đích điều trị bệnh như: viêm mũi dị ứng, mề đay,... Cụ thể:

  • Liều dùng thông thường đối với trẻ em trên 12 tuổi và người lớn là: 1-2 viên/lần/ngày.
  • Liều dùng thông thường đối với trẻ từ 6 - 11 tuổi sẽ giảm 1⁄2 liều so với người lớn.

Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định về liều dùng và cách dùng thuốc của bác sĩ.

Sử dụng thiếu liều hoặc thừa liều thuốc có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của thuốc. Điều này khiến thuốc giảm cơ chế hoạt động khiến các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, mề đay không được chấm dứt triệt để/

Do đó, trong trường hợp quên liều, người bệnh hãy sử dụng ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua và dùng liều sau đúng như dự kiến.

Sử dụng thuốc quá liều có thể gây ra các triệu chứng tương tự như tác dụng phụ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh nhân nên chủ động báo với bác sĩ nếu nhận thấy mình sử dụng quá liều lượng được khuyến cáo.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cititadin

Thuốc Cititadin được dung nạp tốt, tuy nhiên trong quá trình điều trị, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tác dụng ngoại ý. Các tác dụng phụ của Cititadin thông thường có xu hướng tự biến mất sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó, những phản ứng nghiêm trọng có thể phát triển phát triển và đe dọa đến sức khỏe của người dùng. Với các tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh điều trị để cải thiện tình hình. Cụ thể:

  • Các phản ứng phụ hiếm gặp như: mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu... Người bệnh rất hiếm khi gặp phải dấu hiệu phản vệ hoặc nổi mẩn.
  • Đã ghi nhận một số tác dụng phụ không mong muốn như: cơn động kinh, tăng các men gan, viêm gan và tăng bilirubin... Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng vì rất hiếm khi gặp phải các triệu chứng này.

Trên đây, không phải toàn bộ những tác dụng phụ của Cititadin. Do đó, trong quá trình dùng thuốc, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ do thuốc, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ và nhận được biện pháp xử trí kịp thời.

4. Tương tác thuốc Cititadin

Thuốc Cititadin có thể gây ra tương tác bằng cách làm tăng nồng độ đỉnh trong huyết tương của các thuốc erythromycin, ketoconazol, azithromycin, cimetidin... Nếu người bệnh đang sử dụng các loại thuốc trên hoặc bất cứ loại thuốc nào khác, cần cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem và tư vấn.

Đồng thời, để sử dụng thuốc an toàn, người bệnh không được tự ý ngưng dùng thuốc, thay đổi liều lượng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép.

Bên cạnh tương tác thuốc, Cititadin có thể tương tác với rượu bia và một số loại nước giải khát. Kết quả là thuốc Cititadin sẽ gia tăng tác dụng phụ.

5. Bảo quản thuốc Cititadin

  • Đọc kỹ hướng dẫn thông tin bảo quản thuốc ghi trên vỏ hộp và đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
  • Trước khi dùng cần kiểm tra hạn sử dụng thuốc. Khi không sử dụng đến thuốc thì cần thu gom và xử lý theo những hướng dẫn của nhà sản xuất hay những người phụ trách liên quan đến lĩnh vực y khoa.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô thoáng, tránh tiếp xúc trực tiêp với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao sẽ có thể làm chuyển hóa các thành phần ở trong thuốc.

Tóm lại, Cititadin được khuyến cáo sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng, mày đay. . Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Cititadin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, Cititadin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

106 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan