Công dụng thuốc Cipthasone

Thuốc Cipthasone là có thành phần chính là Ciprofloxacin hàm lượng 15 mg, thuộc nhóm kháng sinh Quinolon. Thuốc Cipthasone công dụng chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở mắt và tai. Tìm hiểu các thông tin cơ bản như thành phần, công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Cipthasone sẽ giúp bệnh nhân và người thân có được kết quả điều trị tốt nhất.

1. Cipthasone là thuốc gì?

Thuốc Cipthasone được bào chế dưới dạng dung dịch 5ml, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Ciprofloxacin hàm lượng 15 mg.
  • Tá dược: Acid acetic, Natri edetat, Natri acetat, Methylparaben, nước cất vừa đủ 1 lọ 5 ml.

Dược lực học

Ciprofloxacin là một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Quinolon. Cơ chế tác dụng chính của Ciprofloxacin là ức chế enzyme DNA Gyrase, làm ngăn sự sao chép của Chromosome khiến cho vi khuẩn không sinh sản được.

Ciprofloxacin là một trong những kháng sinh mạnh nhất trong nhóm Quinolon, với việc tác dụng tốt lên các vi khuẩn kháng kháng sinh Aminoglycosid, Cephalosporin, Tetracyclin hay Penicillin...đồng thời Ciprofloxacin còn có phổ kháng vi khuẩn khá rộng bao gồm:

Tuy nhiên, Ciprofloxacin kém nhạy cảm với phần lớn các vi khuẩn kỵ khí.

2. Thuốc Cipthasone có tác dụng gì?

Thuốc Cipthasone công dụng được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Các bệnh nhiễm khuẩn ở mắt như: Viêm giác mạc, kết mạc mắt, loét giác mạc, viêm mí mắt, viêm túi lệ, viêm tuyến mi, viêm tuyến Meibomius cấp.
  • Các bệnh nhiễm khuẩn ở tai như: Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm tai giữa có mủ mạn tính.
  • Phòng ngừa nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật ở tai hay mắt.

3. Chống chỉ định của thuốc Cipthasone

Chống chỉ định của thuốc Cipthasone trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Cipthasone.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác có chứa Ciprofloxacin.
  • Tiền sử dị ứng với các thuốc kháng sinh nhóm Quinolon khác.
  • Phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Cipthasone

Tùy vào từng bệnh lý mà bác sĩ có thể chỉ định cách dùng và liều dùng đối với bệnh nhân khác nhau:

Loét giác mạc mắt

  • Ngày thứ nhất: Nhỏ mắt 2 giọt/lần mỗi 15 phút trong 6 tiếng đầu tiên. Nhỏ 2 giọt/lần/30 phút trong thời gian còn lại.
  • Ngày thứ hai: Nhỏ mắt 2 giọt/lần mỗi 1 giờ.
  • Ngày thứ ba đến ngày thứ mười bốn: Nhỏ mắt 2 giọt/lần mỗi 4 giờ.

Viêm kết mạc do nhiễm khuẩn

  • Hai ngày đầu: Nhỏ mắt 1 – 2 giọt/lần mỗi 2 giờ.
  • Năm ngày tiếp theo: Nhỏ mắt 1 – 3 giọt/lần mỗi 4 giờ.

Nhiễm khuẩn ở tai

  • Liều lượng: Nhỏ tai 1 – 2 giọt/lần x 2 lần/ngày, điều trị trong ít nhất 7 ngày.

5. Lưu ý khi sử dụng Cipthasone

5.1. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Cipthasone

Điều trị bằng thuốc Cipthasone với liều cao hoặc kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Ít gặp: Các triệu chứng về thần kinh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ù tai, rối loạn thính giác, rối loạn vị giác và khứu giác. Các triệu chứng khác như sốt, nhịp tim nhanh, nổi ban đỏ, ngứa, tăng Creatinine, Bilirubin và Phosphatase kiềm trong máu, viêm tĩnh mạch nông, đau khớp và sưng khớp.
  • Hiếm gặp: Hội chứng da - niêm mạc, hội chứng Lyell, viêm mạch, ban đỏ đa dạng tiết dịch, ban đỏ da thành nốt, đau cơ xương, viêm gân gót và mô bao quanh, suy thận cấp, viêm thận mô kẽ, viêm gan, vàng da ứ mật.

Người bệnh nên ngừng thuốc Cipthasone khi phát hiện những triệu chứng trên hoặc bất kỳ các bất thường khác sau khi uống thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân và người nhà nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị hay đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời.

5.2. Lưu ý sử dụng thuốc Cipthasone ở các đối tượng

Lưu ý sử dụng thuốc Cipthasone trong các trường hợp sau đây:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cipthasone ở những người có tiền sử động kinh hay rối loạn hệ thần kinh trung ương, người thiếu Glucose 6 Phosphate Dehydrogenase (G6PD), người bị suy giảm chức năng gan, thận nặng, người bị bệnh nhược cơ.
  • Thường xuyên làm kháng sinh đồ để thay đổi phương pháp điều trị trong trường hợp các vi khuẩn không nhạy cảm với Cipthasone phát triển quá mức.
  • Hạn chế sử dụng Cipthasone ở trẻ nhỏ hoặc trẻ đang giai đoạn phát triển, vì hoạt chất Ciprofloxacin có thể gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu trọng lực.
  • Phụ nữ có thai: Theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hoạt chất Ciprofloxacin trong thuốc Cipthasone thuộc nhóm C, nhóm có bằng chứng gây hại cho phụ nữ có thai. Mặc dù, Cipthasone là thuốc sử dụng tại chỗ, nhưng việc sử dụng thuốc Cipthasone trên đối tượng này cần phải được cân nhắc giữa lợi ích và tác hại có thể gây ra cho thai nhi.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Các nghiên cứu cho rằng hoạt chất Ciprofloxacin trong thuốc Cipthasone có thể tích tụ và đi qua sữa mẹ gây tác hại cho trẻ, khuyến cáo không nên sử dụng Cipthasone ở phụ nữ đang cho con bú.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có thể gặp phải các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác sau khi sử dụng Cipthasone. Vì vậy, không sử dụng thuốc Cipthasone trước hoặc trong khi làm việc.

6. Tương tác thuốc Cipthasone

Tương tác với các thuốc khác

  • Thuốc làm giảm hấp thu Cipthasone khi sử dụng đồng thời, đó là: Cyclophosphamide, Cytosine arabinoside, Mitozantron, Doxorubicin, Vincristine
  • Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) làm tăng tác dụng phụ của Cipthasone.
  • Kết hợp giữa Cipthasone và Theophylin làm tăng nồng độ Theophylin, từ đó tăng tỉ lệ xảy ra tác dụng phụ của Theophylin.
  • Dùng chung Cipthasone và Probenecid làm giảm mức lọc cầu thận, giảm bài tiết nước tiểu qua ống thận, từ đó giảm đào thải thuốc.
  • Dùng chung Cipthasone và Ciclosporin có thể làm tăng Creatinin máu.
  • Dùng chung Cipthasone và Warfarin có làm làm hạ Prothrombin trong máu.

Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Cipthasone. Để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất bản thân và gia đình, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Cipthasone, đồng thời tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

214 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan