Công dụng thuốc Ciaflam

Thuốc Ciaflam là thuốc kê đơn, với tác dụng giảm đau trong các bệnh về viêm xương khớp. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Ciaflam, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Ciaflam.

1. Ciaflam công dụng là gì?

1.1. Thuốc Ciaflam là thuốc gì?

Thuốc Ciaflam thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm thuốc chống viêm không Steroid (NSAID), Thuốc điều trị bệnh Gút và các bệnh xương khớp.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, vỉ 10 viên, hộp 5 vỉ. Với các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Aceclofenac 100mg
  • Tá dược: Microcrystalline cellulose, Talc, Polysorbate 80, Croscarmellose sodium, Colloidal silicon dioxide, Triethyl citrate, Methacrylic acid copolymer, Sepifilm LP770 white

Thuốc Ciaflam khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành

1.2. Thuốc Ciaflam có tác dụng gì?

Thuốc Ciaflam được kê đơn chỉ định trong những trường hợp: giảm đau, kháng viêm trong các bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp và viêm đốt sống dính khớp.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Aceclofenac hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc
  • Bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, xuất huyết dạ dày - ruột, đang trong giai đoạn tiến triển của chứng viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Người bệnh bị suy thận từ mức trung bình tới nặng.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nặng.
  • Chỉ dùng thuốc này cho đối tượng phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết và phải bắt đầu với liều thấp nhất có tác dụng.
  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị viêm mũi cấp, cơn hen phế quản hoặc có triệu chứng nổi ban cấp khi dùng aspirin hay các thuốc nhóm NSAID.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc cho trẻ em.

2. Cách sử dụng của thuốc Ciaflam

2.1. Cách dùng thuốc Ciaflam

  • Thuốc Ciaflam dùng đường uống. Uống nguyên viên thuốc với cốc nước đầy, không nghiền nát hay trộn với dung dịch hoặc hỗn hợp nào. Khuyến cáo nên uống thuốc sau các bữa ăn để giảm kích ứng dạ dày.
  • Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không thêm bớt liều uống được chỉ định.

2.2. Liều dùng của thuốc Ciaflam

  • Liều khuyến cáo cho người lớn và người cao tuổi là 200mg (tương đương 2 viên) mỗi ngày, chia làm 2 lần uống, nên uống vào hai thời điểm buổi sáng và buổi tối.
  • Bệnh nhân bị suy gan: cần giảm liều Ciaflam và dùng liều khởi đầu được đề nghị là 100mg mỗi ngày.

Xử lý khi quên liều:

  • Để thuốc Ciaflam phát huy tác dụng chống viêm giảm đau hiệu quả, cố gắng để không quên liều. Nếu lỡ một liều thì uống ngay khi nhớ ra, hai liều uống nên cách xa nhau.
  • Không uống cùng lúc 2 liều để giảm đau.

Xử trí khi quá liều:

Khi quá liều bệnh nhân có thể cảm thấy đau đầu, buồn nôn, nôn, kích thích tiêu hóa, đau thượng vị, xuất huyết tiêu hóa, hiếm khi tiêu chảy, bị kích thích, vật vã, chóng mặt, ù tai, hạ huyết áp. Lúc này nên được xử trí như sau:

  • Trong vòng một giờ sau khi uống liều gây ngộ độc, nên xem xét việc sử dụng than hoạt tính và rửa dạ dày ở người lớn nếu có thể đe dọa tính mạng. Các phương pháp như lọc máu và thẩm tách máu không có tác dụng trong trường hợp này, do thuốc NSAIDs có khả năng gắn kết với protein huyết tương cao và được phân bố rộng rãi sau khi uống.
  • Nên đảm bảo lượng nước tiểu bệnh nhân được thải ra đều đặn, chức năng gan và thận cần được theo dõi chặt chẽ.
  • Bệnh nhân nên được theo dõi ít nhất 4 giờ sau khi xảy ra ngộ độc. Trong trường hợp có xảy ra co giật thường xuyên hoặc kéo dài, bệnh nhân nên được tiêm diazepam tĩnh mạch. Các biện pháp xử trí nên tùy theo tình trạng lâm sàng của mỗi bệnh nhân.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Ciaflam

  • Không dùng thuốc Ciaflam khi đã hết hạn sử dụng, thuốc đổi màu, có mùi lạ, bị nấm mốc, bao bì bị rách hở.
  • Thủng loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa hoặc nôn ra máu và đi đại tiện phân đen thường xảy ra nặng hơn ở bệnh nhân là người cao tuổi. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào trong khi điều trị bằng Ciaflam, có thể có hoặc không có các dấu hiệu báo trước.
  • Bệnh nhân suy chức năng gan nghiêm trọng bắt buộc phải giám sát y khoa chặt chẽ khi dùng thuốc.
  • Phản ứng phản vệ vẫn có thể xảy ra khi dùng thuốc ngay cả khi trước đó bạn đã từng dùng nhóm thuốc này
  • Bệnh nhân suy tim, suy thận nhẹ hoặc và người bệnh cao tuổi cần cần sử dụng với liều thấp nhất vẫn phát huy được hiệu quả và thường xuyên theo dõi chức năng thận.
  • Sử dụng chế phẩm có chứa aceclofenac cho những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan có thể kích hoạt cơn bệnh.
  • Các thuốc NSAID bao gồm cả Ciaflam có thể gây suy giảm khả năng sinh sản nên không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang dự định có thai. Cân nhắc việc tạm dừng Ciaflam cho những phụ nữ khó thụ thai hoặc đang được can thiệp điều trị hiếm muộn.
  • Thuốc có đi qua sữa mẹ nên hạn chế việc dùng thuốc này cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Ciaflam

Thường gặp:

  • Hệ thần kinh: Choáng váng.
  • Tiêu hóa: Khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Khác: Tăng men gan.

Ít gặp:

  • Tiêu hóa: Đầy hơi, viêm dạ dày, táo bón, nôn, loét miệng.
  • Da và mô dưới da: Ngứa, phát ban, viêm da, nổi mề đay.
  • Khác: Tăng urê huyết, tăng creatinin huyết.

5. Tương tác thuốc Ciaflam

  • Các thuốc giảm đau khác bao gồm các thuốc nhóm ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2: không được đồng thời hai hay nhiều hơn thuốc nhóm NSAID (bao gồm cả aspirin) vì có thể làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ, nguy hiểm nhất là xuất huyết đường tiêu hoá.
  • Dùng chung Ciaflam với các thuốc điều trị tăng huyết áp: Làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của các thuốc này.
  • Thuốc lợi tiểu, tacrolimus, ciclosporin: Khi dùng chung làm tăng nguy cơ độc tính trên thận.
  • Glycosid tim: Các thuốc nhóm NSAID có thể làm trầm trọng bệnh suy tim, làm tăng nồng độ glycosid trong huyết tương, giảm tốc độ lọc cầu thận.
  • Lithi: Gây giảm thải trừ lithi.
  • Methotrexat: Thận trọng khi dùng Ciaflam và methotrexat trong vòng 24 giờ vì các thuốc nhóm NSAID có thể làm tăng nồng độ methotrexat trong huyết tương, dẫn đến tăng độc tính.
  • Mifepriston: Không nên dùng Ciaflam trong khoảng 8 - 12 ngày sau khi dùng mifepriston vì có thể làm giảm tác dụng của mifepriston.
  • Corticosteroids: Khi dùng chung làm tăng nguy cơ loét hoặc xuất huyết tiêu hóa.
  • Thuốc chống đông: dùng chung với Ciaflam làm tăng tác dụng của thuốc chống đông.
  • Kháng sinh nhóm quinolon: Các thuốc nhóm NSAID có thể làm tăng nguy cơ co giật khi kết hợp với các kháng sinh nhóm quinolon.
  • Zidovudin: làm tăng nguy cơ độc tính huyết học.
  • Thuốc trị đái tháo đường: Nên cân nhắc để điều chỉnh liều dùng của các thuốc làm giảm đường huyết.

Trên đây là những công dụng về thuốc Ciaflam, người bệnh trước khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để quá trình dùng thuốc đạt được kết quả tốt cũng như an toàn cho sức khỏe.

42 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan