Công dụng thuốc Cefpomax

Thuốc Cefpomax được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Cefpodoxim. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh viêm nhiễm gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Cefpodoxim.

1. Công dụng của thuốc Cefpomax

1 viên thuốc Cefpomax 200 có thành phần chính là 200mg Cefpodoxim (dưới dạng Cefpodoxim proxetil) và các tá dược khác. Cefpodoxim thuộc nhóm thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Tác dụng kháng khuẩn của Cefpodoxim thông qua sự ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn nhờ sự acyl hóa các enzyme transpeptidase gắn kết màng. Điều này ngăn chặn sự liên kết chéo của các chuỗi peptidoglycan cần thiết đối với độ mạnh và độ bền của thành tế bào vi khuẩn.

Cefpodoxime proxetil có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng chống lại các vi khuẩn gram âm và gram dương. Thuốc ổn định đối với beta - lactamase.

Chỉ định sử dụng thuốc Cefpomax: Điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn mức độ từ nhẹ tới trung bình, do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây các bệnh sau:

  • Đường hô hấp dưới:
    • Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, gây ra bởi S. pneumoniae hoặc H. influenzae (kể cả chủng sinh ra beta - lactamase);
    • Đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mãn gây ra bởi S.pneumoniae, H.influenzae (chỉ gồm những chủng không sinh ra beta - lactamase) hoặc M. catarrhalis;
  • Đường hô hấp trên:
    • Viêm xoang hàm trên cấp tính do H.influenzae (kể cả các chủng sản sinh beta - lactamase), Streptococcus pneumoniae và Moraxella catarrhalis;
    • Viêm tai giữa cấp tính do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae (kể cả các chủng sinh ra beta - lactamase) hoặc Moraxella (Branhamella) catarrhalis;
    • Viêm họng, viêm amidan do Streptococcus pyogenes;
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
    • Bệnh lậu cổ tử cung và niệu đạo không gây biến chứng, cấp tính do Neisseria gonorrhoeae (kể cả các chủng sản sinh penicillinase);
    • Nhiễm Neisseria gonorrhoeae (kể cả các chủng sản sinh penicillinase) ở hậu môn - trực tràng phụ nữ không có biến chứng, cấp tính;
  • Da và cấu trúc da: Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng do Staphylococcus aureus (kể cả các chủng sản sinh penicillinase) hoặc Streptococcus pyogenes;
  • Đường niệu: Nhiễm khuẩn đường niệu không có biến chứng (viêm bàng quang) do Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Proteus mirabilis hoặc Staphylococcus saprophyticus.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cefpomax:

  • Người bệnh dị ứng với Cefpodoxime hoặc các kháng sinh nhóm cephalosporin khác.

*Lưu ý:

  • Chỉ thuốc penicillin dùng đường tiêm bắp là có hiệu quả trong dự phòng sốt thấp. Cefpodoxime Proxetil có hiệu quả trong điều trị tiêu trừ Streptococcus ở miệng - hầu. Chưa có số liệu xác minh hiệu quả của Cefpodoxime Proxetil trong dự phòng nguy cơ sốt thấp xảy ra sau đó;
  • Chưa xác minh được hiệu quả của Cefpodoxime trong điều trị cho những bệnh nhân nam nhiễm N.gonorrhoeae ở trực tràng. Hiện chưa có số liệu về việc sử dụng Cefpodoxime Proxetil trong điều trị nhiễm khuẩn ở họng do N.gonorrhoeae;
  • Trong các thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng phụ thuộc vào liều dùng thuốc. Liều điều trị có hiệu quả với nhiễm khuẩn da cao hơn so với liều dùng của các chỉ định khác;
  • Nên thực hiện làm các xét nghiệm vi khuẩn thích hợp nhằm phân lập và xác định vi khuẩn gây bệnh, xác định tính nhạy cảm của chúng đối với Cefpodoxime. Có thể thực hiện điều trị trong khi chờ đợi kết quả các xét nghiệm này. Khi có kết quả, cần điều chỉnh liệu pháp kháng sinh cho phù hợp.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cefpomax

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với thức ăn để tăng cường sự hấp thu của thuốc.

Liều dùng:

Với người từ 12 tuổi trở lên:

  • Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng cấp tính: Dùng liều 400mg/200mg mỗi 12 giờ, điều trị trong 14 ngày;
  • Đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn: Dùng liều 400mg/200mg mỗi 12 giờ, điều trị trong 10 ngày;
  • Viêm xoang hàm trên cấp tính: Dùng liều 400mg/200mg mỗi 12 giờ, điều trị trong 10 ngày;
  • Viêm họng, viêm amidan: Dùng liều 200mg/100mg mỗi 12 giờ, điều trị trong 5 - 10 ngày;
  • Bệnh lậu không biến chứng (ở nam và nữ), bệnh nhiễm lậu cầu ở trực tràng (nữ): Dùng 1 liều duy nhất 200mg;
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng: Dùng liều 800mg/400mg mỗi 12 giờ, điều trị trong 7 - 14 ngày;
  • Nhiễm khuẩn đường niệu không biến chứng: Dùng liều 200mg/100mg mỗi 12 giờ, điều trị trong 7 ngày;

Với người bệnh rối loạn chức năng gan, thận:

  • Bệnh nhân rối loạn chức năng thận: Ở người bệnh suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút) thì nên tăng khoảng cách giữa các liều dùng lên 24 giờ. Với bệnh nhân đang thẩm tách máu, khoảng cách giữa các liều dùng là 3 lần/tuần, uống thuốc sau khi thẩm tách;
  • Bệnh nhân xơ gan: Dược động học của Cefpodoxime Proxetil ở người bệnh xơ gan (có hoặc không có cổ trướng) tương tự người khỏe mạnh. Do đó, không cần điều chỉnh liều dùng thuốc cho nhóm bệnh nhân này.

Với trẻ em từ 2 tháng - dưới 12 tuổi:

  • Viêm tai giữa cấp: Dùng liều 10mg/kg/ngày (tối đa 400mg/ngày), 5mg/kg mỗi 12 giờ (tối đa 200mg/liều), điều trị trong 5 ngày;
  • Viêm hầu họng, viêm amidan: Dùng liều 10mg/kg/ngày (tối đa 200mg/ngày), 5mg/kg mỗi 12 giờ (tối đa 100mg/liều), điều trị trong 5 - 10 ngày;
  • Viêm xoang hàm trên cấp: Dùng liều 10mg/kg/ngày (tối đa 400mg/ngày), 5mg/kg mỗi 12 giờ (tối đa 200mg/liều), điều trị trong 10 ngày.

Quá liều: Hiện nay chưa có báo cáo về việc sử dụng quá liều Cefpodoxime proxetil. Triệu chứng khi dùng thuốc quá liều có thể bao gồm: Buồn nôn, ói mửa, đau thượng vị và tiêu chảy. Trong trường hợp có phản ứng nhiễm độc nặng do dùng thuốc quá liều, việc thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc có thể giúp loại bỏ Cefpodoxime ra khỏi cơ thể, đặc biệt là khi chức năng thận bị suy giảm.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefpomax

Phần lớn các tác dụng phụ của thuốc Cefpomax là ảnh hưởng trên dạ dày - ruột với bản chất nhẹ, thoáng qua. Các tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Cefpomax gồm: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, phân lỏng, đi ngoài nhiều lần, khó tiêu và đầy hơi. Người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà mình gặp phải khi sử dụng thuốc để được tư vấn về cách xử trí phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefpomax

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Cefpomax:

  • Trước khi bắt đầu điều trị với Cefpodoxime proxetil, cần xác định xem người bệnh trước đó từng có phản ứng quá mẫn với Cefpodoxim, các cephalosporin khác, penicillin hoặc với các thuốc khác không;
  • Với người bệnh đang bị giảm niệu tạm thời hoặc kéo dài do bệnh suy thận thì cần giảm tổng liều dùng hằng ngày của Cefpodoxim proxetil;
  • Sử dụng kéo dài Cefpodoxim proxetil có thể làm tăng trưởng quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc. Vì vậy, cần liên tục đánh giá lại tình trạng sức khỏe của bệnh nhân;
  • Thuốc Cefpodoxim proxetil chỉ được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn. Không dùng thuốc này trong điều trị các trường hợp nhiễm virus (như cảm lạnh thông thường). Khi kê đơn điều trị nhiễm khuẩn, cần thông báo cho bệnh nhân là kể cả khi triệu chứng đã thuyên giảm thì vẫn cần tiếp tục lịch dùng thuốc như chỉ định ban đầu;
  • Hiện nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng thuốc Cefpodoxim proxetil ở phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ nên dùng thuốc Cefpomax trong thai kỳ khi thực sự cần thiết;
  • Do có khả năng gây những phản ứng nguy hiểm trên trẻ bú mẹ nên cần quyết định ngưng cho con bú hoặc ngưng dùng thuốc Cefpodoxim proxetil ở phụ nữ đang nuôi con bú.

5. Tương tác thuốc Cefpomax

Một số tương tác thuốc của Cefpomax gồm:

  • Có tương tác thuốc giữa Cefpomax với các thuốc kháng acid (natri bicarbonat và nhôm hydroxit);
  • Sự thải trừ Cefpodoxim qua thận bị ức chế bởi thuốc probenecid;
  • Có tương tác thuốc giữa Cefpodoxim proxetil và các thuốc gây độc cho thận.

Trong quá trình sử dụng thuốc Cefpomax, người bệnh nên tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi cách dùng, liều dùng, thời gian dùng thuốc,... mà chưa được bác sĩ cho phép để tránh gặp phải các phản ứng bất lợi đối với sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan