Công dụng thuốc Cefomaxe

Cefomaxe là thuốc kê đơn, thuộc nhóm kháng sinh điều trị các bệnh lý nhiễm trùng như: Nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm trùng ổ bụng, viêm màng tim và dự phòng nhiễm khuẩn sau cuộc phẫu thuật...Thuốc có thành phần chính là Cefotaxim, hàm lượng 1 gam, đóng gói 10 lọ, mỗi lọ chứa bột thuốc pha dung dịch tiêm.

1. Tác dụng của thuốc Cefomaxe

Thuốc Cefomaxe là sản phẩm dược của Hàn Quốc từ công ty Korea Prime Pharma Co., dược chất kháng sinh chính là Cefotaxim, dưới dạng cefotaxim natri, hàm lượng 1gam. Thuốc có tác dụng điều trị bệnh lý nhiễm trùng nhờ hoạt tính của thành phần chính chứa trong thuốc. Dược chất cefuroxim là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 3, phổ kháng khuẩn rộng.

  • Vi khuẩn nhạy cảm với thuốc Cefomaxe là: Enterobacter, vi khuẩn Salmonella, E.coli, Serratia, Salmonella, vi khuẩn HI (Haemophilus influenzae), P. mirabilis, P.vulgaris Haemophilus spp...Nhóm các loại vi khuẩn kháng Cefotaxim bao gồm: Vi khuẩn Enterococcus, Staphylococcus kháng methicillin, Listeria, vi khuẩn Pseudomonas cepacia, vi khuẩn Xanthomonas hydrophila,...
  • Thuốc được hấp thu nhanh sau khi được dùng đường tiêm. Sự phân bố thuốc: Sau tiêm, khoảng 40% lượng thuốc được gắn vào Protein trong huyết tương, phân bố rộng khắp những mô và các dịch cơ thể. Nồng độ xuất hiện thuốc trong dịch não tuỷ đạt mức có hiệu quả điều trị, nhất là khi người bệnh bị viêm màng não.
  • Thuốc Cefomaxe đi qua nhau thai và thấy có trong sữa mẹ. Quá trình chuyển hoá: Tại gan, thuốc được chuyển hoá một phần thành chất Desacetyl cefotaxime và những chất chuyển hoá không hoạt tính khác. Thuốc thải trừ chủ yếu qua tế bào thận, khoảng 40 - 60% dạng thuốc không biến đổi được tìm thấy có trong nước tiểu. Chất Probenecid làm chậm quá trình đào thải, nồng độ của Cefotaxime và chất Desacetyl cefotaxime trong máu cao hơn và kéo dài hơn. Cefotaxime và chất Desacetyl cefotaxime cũng có ở mật và phân với nồng độ chất tương đối cao.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cefomaxe

2.1. Chỉ định

Thuốc Cefomaxe được chỉ định dùng trong các bệnh lý sau:

  • Nhiễm trùng máu, nhiễm trùng xương khớp, bệnh lý viêm màng tim do cầu khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm, bệnh lý viêm màng não.
  • Nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn mô mềm, bệnh lý nhiễm khuẩn vùng ổ bụng bao gồm các áp xe trên da, mụn nhọt, viêm phúc mạc và viêm nhiễm đường mật...
  • Các nhiễm khuẩn trong phụ khoa và sản khoa, bệnh lý đường tiết niệu, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh lậu như viêm phần phụ, viêm cổ tử cung, viêm đài bể thận và viêm bàng quang...
  • Các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi và, áp xe phổi...
  • Dự phòng nhiễm khuẩn sau khi người bệnh có phẫu thuật ngoại khoa.

2.2. Chống chỉ định

Không dùng thuốc Cefomaxe trong các trường hợp:

  • Người bệnh quá mẫn, dị ứng với dược chất Cefuroxim, các Cephalosporin khác hoặc tá phụ dược trong thuốc.
  • Người phụ nữ có thai và người cho con bú không dùng thuốc Cefomaxe.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cefomaxe

Cách dùng: Thuốc Cefomaxe được dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm. Khi tiêm thuốc Cefomaxe, chú ý nên tiêm thuốc chậm.

Liều dùng: Thuốc Cefomaxe được dùng theo chỉ định liều lượng từ bác sĩ, hoặc sử dụng liều tham khảo theo khuyến cáo sau:

Người lớn:

  • Nhiễm khuẩn mà không kèm theo biến chứng: Liều lượng 1 gam mỗi 12 giờ.
  • Nhiễm khuẩn nặng, viêm màng não: Liều lượng 2g mỗi 6 - 8 giờ.
  • Lậu không biến chứng: Liều thuốc duy nhất 1 gam, tiêm bắp.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật: Liều dùng 1 gam, tiêm 30 phút trước thời gian mổ.

Trẻ em:

  • Trẻ từ 2 tháng đến 12 tuổi: Dùng tổng liều thuốc trong ngày theo công thức 50mg - 150mg/ kg, chia làm 3 lần hoặc 4 lần.
  • Trẻ sơ sinh trên 7 ngày tuổi: Tổng liều thuốc trong ngày 75 - 150mg/ kg, chia đều làm 3 lần, tiêm tĩnh mạch.
  • Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi: Liều dùng trong ngày 50 mg/kg, chia làm 2 lần, tiêm tĩnh mạch.
  • Người bị suy thận có chỉ số ClCr < 10mL: liều dùng cần giảm nửa liều.

4. Những tác dụng không mong muốn

Người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Cefomaxe bao gồm:

  • Phản ứng quá mẫn, toàn thân sốt và người mệt.
  • Dấu hiệu bệnh đường tiêu hoá như buồn nôn hoặc nôn. đau bụng, đi tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc.
  • Thay đổi các chỉ số huyết học, tăng bạch cầu ái toan.
  • Toàn thân đau nhức đầu, ảo giác, hoa mắt và loạn nhịp tim.

Trong quá trình sử dụng thuốc Cefomaxe, nếu người bệnh gặp bất cứ các tác dụng phụ kể trên đây hoặc có dấu hiệu bất thường thì hãy trao đổi lại với bác sĩ.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Cefomaxe

Những lưu ý người bệnh cần nhớ khi dùng thuốc bao gồm:

  • Cefomaxe có thể tương tác với các thuốc chứa Probenecid, Fosfomycin và Azlocillin. Người bệnh cần thông báo các thuốc mình đang sử dụng cho bác sĩ để được tư vấn dùng Cefomaxe hiệu quả.
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc mẫn cảm với Cefotaxim hoặc các Penicillin cần thông báo lại cho nhân viên y tế phụ trách điều trị.
  • Người bệnh bị suy thận khi dùng thuốc cần có theo dõi từ bác sĩ điều trị.
  • Thuốc Cefomaxe chống chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai và người đang nuôi con bú do dược động học thải trừ và phân bố của thuốc ảnh hưởng xấu đến thai nhi và trẻ sơ sinh.

Trên đây là thông tin về thuốc Cefomaxe. Thuốc kháng sinh hiệu quả trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn dùng khi có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh không nên tự ý sử dụng. Để dùng thuốc an toàn, hạn chế tối đa các tác dụng ngoài ý muốn, người bệnh nên tuân thủ chỉ định, hướng dẫn từ cán bộ y tế. Nếu đọc còn bất cứ câu hỏi nào thắc mắc về thuốc Cefomaxe, hãy liên lạc với bác sĩ, các dược sĩ để được trả lời, tư vấn.

29 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan