Công dụng thuốc Cefepime

Cefepime là một kháng sinh hiện nay được sử dụng phổ biến, thuộc họ beta lactam, nhóm cephalosporin thế hệ IV. Đây là loại thuốc được sử dụng theo đường tiêm. Vậy thuốc Cefepime có tác dụng gì đối với cơ thể?

1. Cefepime là thuốc như thế nào?

Cefepime là một loại kháng sinh có dạng bột, với thành phần hoạt chất chính là cefepime hydroclorid. Thuốc Cefepime có nhiều loại khác nhau như: lọ 0,5g, lọ 1g, lọ 2g tính theo cefepime base khan.

Thuốc cefepime được chỉ định dựa trên hoạt tính kháng khuẩn và các tính chất dược động học của cefepime:

  • Đối với người lớn: Thuốc Cefepime được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn huyết và du khuẩn huyết, các nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới mắc phải tại cộng đồng và các trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng đường tiểu có và không có biến chứng, điều trị các đợt sốt ở những bệnh nhân có giảm bạch cầu đa nhân trung tính và mắc bệnh nhiễm trùng đường mật.
  • Đối với trẻ em: Thuốc được sử dụng để điều trị viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu có hoặc không có biến chứng, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da, nhiễm khuẩn huyết, điều trị sốt có giảm bạch cầu và mắc bệnh viêm màng não.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với cefepime hoặc kháng sinh nhóm cephalosporin, penicillin hay beta lactam khác thì không nên sử dụng thuốc cefepime.

2. Sử dụng thuốc Cefepime như thế nào?

Cách dùng thuốc:

  • Thuốc Cefepime có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Một số trường hợp có thể truyền tĩnh mạch nhưng cũng có thể tiêm bắp sâu khi có chỉ định, phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn.
  • Thuốc Cefepime được khuyến cáo chỉ tiêm bắp đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và vừa, viêm đường tiết niệu hoặc trường hợp thấy tiêm bắp thích hợp hơn.
  • Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà tiêm tĩnh mạch chậm 3 - 5 phút dung dịch chứa 100mg/ml hoặc truyền tĩnh mạch ngắt quãng trong khoảng 30 phút hoặc tiêm bắp sâu.

Liều dùng thuốc:

  • Thời gian điều trị bằng Cefepime trung bình từ 7 - 10 ngày. Đối với người lớn và trẻ em trên 40kg: Tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn mà có liều dùng thuốc phù hợp.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ - trung bình: 0,5 - 1 g/12 giờ, tiêm IV/IM.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn nặng: tiêm 2g/12 giờ, tiêm IV.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng: tiêm 2g/8 giờ, tiêm IV.

Đối với trẻ em dưới 40kg: dùng 50 mg/kg/8 - 12 giờ.

Đối với trẻ em dưới 2 tháng tuổi: sử dụng 30 mg/kg mỗi 8 - 12 giờ.

Đối với những bệnh nhân suy thận có ClCr < 50 mL/phút, cần điều chỉnh liều dùng phù hợp với tình trạng bệnh.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefepime

Tác dụng phụ thường gặp nhất do Cefepime gây ra là tiêu chảy và phát ban, ngứa, đau đầu.

Tác dụng phụ hiếm gặp hơn:

  • Bệnh nhân có thể có biểu hiện dị ứng như: ngứa, nổi mề đay, sốt.
  • Đường tiêu hóa: thuốc có thể gây buồn nôn, nôn và nấm miệng.
  • Ảnh hưởng tại chỗ: Có thể viêm tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm tĩnh mạch; đau và viêm tại điểm tiêm.
  • Tác động lên thần kinh cảm giác: Thuốc gây nhức đầu, dị cảm.

Những tác dụng phụ rất hiếm gặp: Bệnh nhân có thể có phản vệ, đau bụng, viêm đại tràng có giả mạc, đau khớp, giãn mạch, co giật, viêm âm đạo (ở phụ nữ), ù tai, chóng mặt,...

Ngoài ra, một số ít bệnh nhân có bạch cầu ưa eosin tăng cao, tăng men gan, thời gian đông máu kéo dài và giảm phosphore huyết. Một vài trường hợp rất hiếm gặp có giảm bạch cầu và mất bạch cầu hạt.

4. Cần lưu ý những gì khi sử dụng thuốc Cefepime?

Trong quá trình sử dụng thuốc Cefepime cần lưu ý:

  • Cần theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng các phương tiện cần dùng để điều trị sốc phản vệ trong trường hợp sử dụng thuốc Cefepime cho những người có tiền sử phản vệ với penicillin và những người sử dụng cephalosporin thay thế cho penicilin trong trường hợp dị ứng với penicillin.
  • Giảm liều sử dụng thuốc Cefepime ở những bệnh nhân suy thận.
  • Nếu sử dụng thuốc Cefepime trong thời gian dài có thể gây nhiễm nấm hoặc gia tăng tình trạng nhiễm khuẩn, bao gồm cả nhiễm Clostridium difficile liên quan đến tiêu chảy và viêm đại tràng màng giả. Trường hợp tăng sinh nhiễm khuẩn cần có liệu trình điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
  • Trước khi tiêm cần kiểm tra thuốc xem có bị tủa hay không để đảm bảo an toàn.
  • Không nên sử dụng thuốc Cefepime cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi, vì chưa xác định được tác dụng và tính an toàn của thuốc.
  • Thuốc Cefepime có thể gây động kinh, co giật, nhất là đối với những bệnh nhân suy thận mà không điều chỉnh giảm liều dùng thuốc.
  • Hiện tại chưa có nghiên cứu chính xác về mức độ an toàn của thuốc cho phụ nữ có thai, nên cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định sử dụng Cefepime để điều trị bệnh.
  • Cefepime có thể bài tiết vào sữa mẹ. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cefepime cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Thuốc Cefepime có thể gây ra một số phản ứng có hại như thay đổi trạng thái ý thức, chóng mặt, ảo giác. Vì vậy, những người làm việc liên quan đến máy móc và lái xe cần chú ý khi sử dụng.
  • Nên tránh sử dụng đồng thời thuốc Cefepime cùng với Furosemid vì dễ gây điếc.

Cefepime là thuốc kháng sinh có hiệu quả tốt cho các bệnh nhiễm khuẩn. Thuốc có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em với liều lượng phù hợp ở từng lứa tuổi. Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý những triệu chứng không mong muốn có thể xảy ra để quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan