Công dụng thuốc Cefadroxil 1g

Thuốc Cefadroxil 1g được sử dụng chủ yếu để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Trong suốt quá trình sử dụng thuốc Cefadroxil 1g, bệnh nhân nên tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn mà bác sĩ khuyến nghị nhằm đạt được hiệu quả tối ưu và tránh gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý.

1. Thuốc cefadroxil 1g là thuốc gì?

Thuốc Cefadroxil 1g là loại thuốc kháng sinh bán theo đơn, được sử dụng để điều trị cho các tình trạng viêm họng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm màng phổi,... ở cả trẻ em và người lớn. Thuốc Cefadroxil 1g là một sản phẩm của Công ty cổ phần Dược phẩm TW2 – Việt Nam, được bào chế dưới dạng viên nén với quy cách đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Cefadroxil có chứa các thành phần dược chất sau:

  • Hoạt chất chính: Cefadroxil khan (dạng Cefadroxil monohydrate) hàm lượng 1g.
  • Các tá dược khác: Lactose, tinh bột sắn, Magnesium stearate Silicon dioxide keo, bột Talc và Povidon.

Hoạt chất chính Cefadroxil thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 1, có khả năng diệt khuẩn nhờ cơ chế ngăn chặn quá trình tổng hợp tế bào vi khuẩn. Cefadroxil thường được áp dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, tuy nhiên không có hiệu quả đối với các tình trạng nhiễm trùng do vi rút, chẳng hạn như bệnh cảm lạnh hay cảm cúm thông thường.

2. Thuốc Cefadroxil 1g có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của thuốc Cefadroxil 1g

Thuốc Cefadroxil 1g thường được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ để điều trị cho các tình trạng nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm, cụ thể:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm họng, viêm phế quản cấp / mãn tính, viêm phế quản – phổi, viêm Amidan, viêm phổi thuỷ, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm thanh quản, viêm xoang và viêm tai giữa.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Viêm bàng quan, nhiễm khuẩn phụ khoa, viêm thận – bể thận cấp hoặc mãn tính, viêm niệu đạo.
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm: Loét do nằm lâu, viêm da mủ, nhọt, viêm vú, viêm quầng vú, áp xe hoặc viêm hạch bạch huyết.
  • Điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn khác: Viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc viêm xương tuỷ.

2.2 Chống chỉ định dùng thuốc Cefadroxil 1g

Không sử dụng thuốc Cefadroxil 1g cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc quá mẫn với hoạt chất Cefadroxil, các thuốc kháng sinh thuốc nhóm Cephalosporin, Penicillin hay bất cứ thành phần nào khác có trong thuốc.
  • Chống chỉ định tương đối cho phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bắt buộc phải sử dụng Cefadroxil 1g thì cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Cefadroxil 1g

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Cefadroxil 1g

Liều Cefadroxil 1g dành cho trẻ em và người lớn > 40kg

  • Uống liều từ 500mg – 1g / ngày, chia 2 lần / ngày tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn.
  • Bệnh nhân điều trị tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng hoặc các nhiễm khuẩn da và mô mềm nên uống liều 1g / lần / ngày.

Liều Cefadroxil 1g cho trẻ em > 6 tuổi và người cao tuổi:

  • Uống liều 500mg / ngày và chia 2 lần / ngày.
  • Bệnh nhân cao tuổi cần có chức năng thận suy giảm cần được kiểm tra trước khi sử dụng thuốc. Đối tượng này có thể uống liều khởi đầu từ 500 – 1000ng, sau đó điều chỉnh liều dựa trên độ thanh thải creatinin. Đối với độ thanh thải từ 0 – 10ml / phút, uống liều từ 500 – 1000mg với khoảng cách tối thiểu 36 giờ giữa 2 liều. Đối với độ thanh thải từ 11 – 25ml / phút, uống liều từ 500 – 1000mg với khoảng cách tối thiểu 24 giờ giữa 2 liều. Nếu độ thanh thải từ 26 – 50ml / phút, uống liều 500 – 1000mg với khoảng cách tối thiểu 12 giờ giữa 2 liều.

Trong quá trình sử dụng thuốc Cefadroxil 1g, bệnh nhân cần duy trì thời gian điều trị tối thiểu từ 5 – 10 ngày để đạt được kết quả như kế hoạch.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Cefadroxil 1g

Thuốc Cefadroxil 1g được bào chế dưới dạng viên nén, do đó bệnh nhân cần dùng thuốc qua đường uống. Trước và trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn bằng thuốc Cefadroxil 1g, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân theo chỉ dẫn về liều lượng cũng như thời gian dùng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo.

3.3 Xử trí quá liều thuốc Cefadroxil 1g

Khi uống vượt quá số liều thuốc Cefadroxil 1g theo quy định có thể dẫn đến những triệu chứng cấp tính như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, tăng phản xạ hoặc co giật, nhất là ở bệnh nhân suy thận. Để giải quyết được tình trạng quá liều thuốc Cefadroxil 1g, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các phương pháp sau:

  • Thẩm tách thận nhân tạo nhằm loại bỏ phần thuốc chưa được bài xuất ra khỏi máu, tuy nhiên phương pháp này hiếm khi được chỉ định cho các trường hợp quá liều.
  • Bảo vệ đường hô hấp, truyền dịch và thông khí hỗ trợ cho bệnh nhân uống quá liều Cefadroxil 1g.
  • Áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ hoặc xử trí các triệu chứng sau khi tẩy hoặc rửa dạ dày ruột.

4. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Cefadroxil 1g

Trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn bằng thuốc Cefadroxil 1g, bệnh nhân có thể gặp phải những phản ứng phụ ngoài ý muốn dưới đây:

  • Phản ứng dị ứng như phù môi, mặt, lưỡi, cổ họng; phát ban hoặc khó thở.
  • Tiêu chảy có lẫn máu.
  • Thâm tím da / bị chảy máu bất thường.
  • Đau nhức khắp cơ thể, sốt, ớn lạnh, có các triệu chứng cảm cúm.
  • Co giật.
  • Nước tiểu sẫm màu, vàng da, da xanh xao, lú lẫn hoặc yếu ớt.
  • Sưng phù các tuyến, đau khớp hoặc đau yếu toàn thân.
  • Chứng rộp da nặng, bong tróc da hoặc phát ban đỏ trên da.
  • Khát nước cực độ, chán ăn, thở hụt hơi, tăng cân hoặc tiểu tiện ít hơn bình thường.
  • Co thắt hoặc cứng cơ.
  • Đau dạ dày.
  • Buồn nôn, ói mửa.
  • Ngứa nhẹ.
  • Khó chịu ở miệng hoặc có vị giác bất thường.
  • Tiết dịch hoặc ngứa âm đạo.

Khi xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần liên hệ ngay cho bác sĩ phụ trách điều trị để có hướng xử trí cụ thể.

5. Những điều cần thận trọng khi dùng thuốc Cefadroxil 1g

5.1 Lưu ý chung khi điều trị bằng thuốc Cefadroxil 1g

Dưới đây là những điều mà bệnh nhân cần hết sức thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc Cefadroxil 1g, bao gồm:

  • Thận trọng dùng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicilin do phản ứng quá mẫn chéo giữa kháng sinh thuộc nhóm Beta lactam.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefadroxil cho bệnh nhân bị suy thận. Tốt nhất nên theo dõi chặt chẽ lâm sàng cũng như chức năng thận của bệnh nhân trước và trong quá trình điều trị.
  • Nếu buộc phải dùng thuốc Cefadroxil 1g dài ngày, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và ngưng thuốc ngay trong trường hợp xảy ra bội nhiễm.
  • Những bệnh nhân có vấn đề về tiêu hoá, chẳng hạn như mắc bệnh viêm đại tràng hoặc tiêu chảy nặng, cần thận trọng khi dùng thuốc Cefadroxil 1g.
  • Các dữ liệu về tính an toàn khi dùng thuốc Cefadroxil cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non vẫn còn hạn chế, do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho những đối tượng này.
  • Đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc Cefadroxil dạng nhũ dịch cho trẻ sơ sinh bởi lượng Natri benzoat trong thuốc có thể gây ngộ độc.

5.2 Tương tác của thuốc Cefadroxil 1g với các loại thuốc khác

Thuốc Cefadroxil 1g có thể xảy ra phản ứng tương tác khi sử dụng phối hợp với những thuốc sau:

  • Thuốc Cholestyramin khi gắn kết với Cefadroxil có thể làm giảm hoặc chậm sự hấp thu của thuốc Cefadroxil 1g ở ruột.
  • Thuốc Probenecid có thể làm giảm tác dụng và bài tiết của Cefadroxil.
  • Thuốc Aminoglycosid hoặc Furosemid có thể xảy ra hiện tượng hiệp đồng làm tăng độc tính trên thận khi kết hợp với thuốc Cefadroxil 1g.
  • Thuốc gây uric niệu có thể làm tăng tác dụng của Cefadroxil khi kết hợp sử dụng.
  • Vắc – xin thương hàn sẽ bị giảm hiệu lực nếu dùng chung với Cefadroxil 1g.

Thuốc Cefadroxil 1g được sử dụng chủ yếu để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan