Công dụng thuốc Carbatol 200

Thuốc Carbatol 200 được sản xuất và đăng ký bởi Torrent Pharmaceuticals Ltd. Đây là thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn. Cùng tìm hiểu, thành phần công dụng, cách sử dụng thuốc Carbatol 200 qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Carbatol 200 là thuốc gì

Carbatol 200 có chứa hoạt chất chính là Carbamazepine hàm lượng 200mg, tá dược vừa đủ, thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được bào chế dưới dạng viên nén, đóng gói thành hộp 10 vỉ (1 vỉ 10 viên).

2. Công dụng của thuốc Carbatol 200

2.1.Chỉ định của thuốc Carbatol 200

  • Dùng trong bệnh động kinh: động kinh cục bộ có các triệu chứng phức tạp như động kinh thùy thái dương, động kinh tâm thần vận động.
  • Carbatol 200 sử dụng cho các cơn hưng cảm cấp tính, đồng thời điều trị để duy trì các rối loạn cảm xúc lưỡng cực để phòng ngừa cũng như làm giảm khả năng tái phát.
  • Điều trị cho các đối tượng có hội chứng cai rượu.
  • Dùng Carbatol 200 điều trị đau dây thần kinh sinh ba tự phát hoặc do bệnh xơ cứng rải rác.
  • Thuốc Carbatol 200 còn sử dụng điều trị cho bệnh thần kinh nguyên nhân do đái tháo đường, khát nhiều và đa niệu có nguồn gốc là hormon thần kinh, đái tháo nhạt trung ương.

2.2. Chống chỉ định của thuốc Carbatol 200

  • Chống chỉ định sử dụng cho các đối tượng quá mẫn với hoạt chất Carbamazepin và các thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
  • Đối với bệnh nhân suy tủy không được chỉ định sử dụng.
  • Nếu bệnh nhân đang điều trị bằng IMAO, phải chỉ định ngưng IMAO ít nhất là 14 ngày, không dùng chung Carbatol 200 với IMAO.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Carbatol 200

3.1. Cách dùng

Việc điều trị bằng Carbatol 200 phải được bắt đầu với liều dùng thấp, sau đó nên tăng từ từ đến khi đạt được tác dụng tối đa. Thời điểm cơn động kinh đã được kiểm soát tốt thì có thể giảm tới liều có tác dụng thấp nhất.

Nếu Carbatol 200 được dùng để bổ sung điều trị cho một loại thuốc động kinh khác thì Carbatol 200 phải đưa vào dần dần trong quá trình duy trì, hoặc cần điều chỉnh lại liều lượng của loại thuốc động kinh kia.

3.2. Liều dùng

  • Đối với người lớn: Nên điều trị bắt đầu với liều 100 – 200 mg, ngày 1 – 2 lần. Tăng liều dần đến liều đáp ứng tối đa thường là liều 400mg, ngày dùng 2 – 3 lần. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà liều chỉ định có thể từ 1600mg hoặc 2000mg trong 1 ngày.
  • Đối với trẻ em: liều dùng từ 10 – 20mg/kg cân nặng/ngày
  • Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: 100 – 200mg/1 ngày (tương đương với 1⁄2 - 1 viên Carbatol 200)
  • Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: liều 200 – 400 mg/1 ngày (tương đương với 1 – 2 viên Carbatol 200)
  • Trẻ từ 6 đến 10 tuổi: liều 400 – 600 mg (tương đương với 2 – 3 viên Carbatol 200)
  • Trẻ từ 11 đến 15 tuổi: liều 600 – 1000 mg/1 ngày (tương đương với 3 – 5 viên Carbatol 200)
  • Ở trẻ nhỏ 4 tuổi hoặc thấp hơn chỉ nên bắt đầu điều trị với liều khởi đầu từ 20-60 mg/ngày sau đó tăng liều 20-60 mg mỗi ngày. Còn đối với trẻ hơn 4 tuổi, bắt đầu với liều điều trị 100 mg/ngày sau đó tăng liều 100 mg mỗi tuần. Khi thay thế điều trị viên uống Carbatol 200 bằng viên đặt thì liều lượng sử dụng cần tăng 25% so với mức nói trên, liều tối đa khi sử dụng viên đặt không được quá 1000mg.
  • Đối với bệnh nhân đau dây thần kinh V: sử dụng với liều bắt đầu từ 200 đến 400mg (tương đương 1 – 2 viên Carbatol 200)/ngày. Chỉ định tăng liều từ từ cho đến khi hết triệu chứng đau thường là 200mg (1 viên) ngày 3 đến 4 lần. Khi đã đạt được hiệu quả điều trị nên giảm liều đến mức liều duy trì. Đối với người lớn tuổi có thể áp dụng liều bắt đầu từ 100mg, ngày 2 lần.
  • Liều sử dụng Carbatol 200 đối với hội chứng cai nghiện rượu: liều trung bình là 1 viên 200mg, ngày 3 – 4 lần. Còn trong các trường hợp nặng, khi bắt đầu cần tăng liều (400mg, ngày 3 lần) và phải phối hợp Tegretol với các thuốc mất ngủ/an thần khác như cholordiazepoxide, clomethiazole. Tegretol vẫn được chỉ định tiếp tục sử dụng với đơn trị liệu khi đã qua giai đoạn cấp tính.
  • Đối với việc phòng ngừa trạng thái lưỡng cực, cơn hưng cảm: liều dùng được chỉ định ở mức cao từ 400 đến 1600mg sử dụng trong 1 ngày. Cách tăng liều sẽ khác nhau đối với 2 trường hợp trên, trong cơn hưng cảm cấp tính cần tăng liều nhanh chóng, còn trong điều trị phòng ngừa trạng thái lưỡng cực thì tăng liều ít một để đạt được sự dung nạp tốt nhất.

Cần lưu ý: Liều lượng thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn để của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

3.3. Xử trí khi quá liều thuốc Carbatol 200

Dấu hiệu: Khi sử dụng quá liều Carbatol 200, người bệnh thường gặp phải các biểu hiện về thần kinh trung ương, đường hô hấp và hệ tim mạch. Cụ thể;

  • Thần kinh trung ương: mất định hướng, ảo giác, kích động, ức chế thần kinh, buồn ngủ, hôn mê, loạn vận ngôn, nói ngọng, mù màu, rung giật nhãn cầu, rối loạn tâm thần vận động, hạ thân nhiệt, rung giật cơ, co giật, trước tăng phản xạ, sau giảm phản xạ.
  • Đường hô hấp: phù phổi, suy giảm hô hấp
  • Hệ tuần hoàn: hạ áp, nhịp tim nhanh, đôi khi tăng huyết áp. Ngất kèm theo ngưng tim, rối loạn phức bộ QRS.
  • Hệ tiêu hóa: Giảm nhu động ruột, chậm tiết dịch dạ dày, nôn.
  • Tiết niêu – Sinh dục: thiểu niệu, bí tiểu, ngộ độc nước giống tác dụng của ADH, giữ nước. Các xét nghiệm cho thấy: toan chuyển hóa, hạ natri máu, tăng creatinine phosphokinase cơ, tăng đường huyết.

Xử trí khi dùng quá liều Carbatol 200

  • Hiện tại chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho trường hợp dùng quá liều Carbatol 200
  • Việc xử trí ban đầu nên tùy vào tình trạng mà bệnh nhân đang gặp phải: sau khi chuyển tới bệnh viện xác định nồng độ thuốc trong máu để xác minh lại sự ngộ độc Carbamazepine và mức độ quá liều của bệnh nhân. Dùng than hoạt tính và hút, rửa dạ dày. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi và chăm sóc đặc biệt đối với bệnh nhân.

Một số hướng dẫn xử lý cụ thể cho từng triệu chứng:

  • Hạ huyết áp: Dobutamine hoặc dopamine đường tĩnh mạch
  • Co giật: dùng thuốc chống động kinh như phenobarbital, benzodiazepine (diazepam), paraldehyde.
  • Hạ natri máu: truyền chậm, hạn chế đưa nước vào, thận trọng với dung dịch NaCl 0,9% đường truyền tĩnh mạch.

Trên một số bệnh nhân có thể có tác dụng hấp thu chậm khi dùng quá liều Carbatol 200. Vì vậy, cần lưu ý các triệu chứng có thể xuất hiện ngày thứ 2,3.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Carbatol 200

  • Các tác dụng phụ khi dùng Carbatol 200 bao gồm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn), thần kinh (ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, mất điều hòa, song thị, mệt mỏi), da và các phần phụ của da (mày đay, dị ứng da), máu (Giảm lượng tiểu cầu, giảm bạch cầu, đôi khi tăng bạch cầu ưa eosin), gan (phosphatase kiềm tăng, tăng lượng g-GT), hệ nội tiết và chuyển hóa (giữ nước, tăng cân, phù, giảm natri máu và hạ nồng độ dịch).
  • Các phản ứng hiếm gặp khác như: run giật nhãn cầu, cử động vô thức (loạn vận động miệng – mặt, loạn giữ tư thế, loạn trương lực cơ, run, máy cơ), hội chứng lupus ban đỏ hệ thống, đỏ da, viêm da tróc vảy, hội chứng Stevens – Johnson, bệnh hạch bạch huyết, tăng bạch cầu, rối loạn dẫn truyền nhịp tim,....

Hầu hết, các phản ứng phụ có liên quan đến liều dùng thường sẽ tự giảm trong vài ngày khi giảm liều.

5. Chú ý khi sử dụng thuốc Carbatol 200

Trong khi sử dụng thuốc Carbatol 200, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Khuyến cáo người bệnh cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc hoặc những công việc cần sự tỉnh táo vì dùng Carbatol 200 có thể làm giảm sự tập trung, chóng mặt và gây buồn ngủ.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Đã có rất nhiều bằng chứng dị tật trên thai nhi hoặc quái thai khi sử dụng Carbatol 200 trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị để kiểm soát cơn động kinh sẽ làm tăng nguy cơ cho cả mẹ và con nên cần thận trọng và cân nhắc kỹ khi tiến hành điều trị động kinh trong quá trình mang thai.
  • Hoạt chất Carbamazepine trong thuốc Carbatol 200 có tích lũy qua sữa mẹ. Tuy nhiên nguy cơ cho trẻ bú mẹ thấp, trẻ cần được theo dõi để tránh những tai biến không mong muốn.

Thuốc Carbatol 200 được sản xuất và đăng ký bởi Torrent Pharmaceuticals Ltd. Thuốc được chỉ định điều trị bệnh động kinh và một số bệnh thần kinh khác, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan