Công dụng thuốc Cafcit

Caffeine citrate được biết đến là hoạt chất kích thích thần kinh. Hoạt chất này có trong thuốc Cafcit của Ben Venue Laboratories (Hoa Kỳ). Vậy Cafcit là thuốc gì và thuốc Cafcit có tác dụng gì?

1. Cafcit là thuốc gì?

Cafcit là thuốc gì? Thuốc Cafcit là sản phẩm của Ben Venue Laboratories (Hoa Kỳ), thành phần chính là Caffeine Citrate, thuộc nhóm methylxanthine với tác dụng kích thích thần kinh trung ương. Thuốc Cafcit bào chế dạng dung dịch tiêm trong lọ 3ml, mỗi ml chứa 20mg Caffeine Citrate (tương đương với 10mg caffeine base).

2. Thuốc Cafcit có tác dụng gì?

Thuốc Cafcit có tác dụng gì? Cấu trúc của Caffeine liên quan đến Methylxanthines theophylin và Theobromine. Hầu hết tác dụng của Caffeine đều do đối kháng với các thụ thể adenosine, bao gồm cả 2 loại phụ A1 và A2A.

Tác dụng chính của Caffeine là kích thích thần kinh trung ương, được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở ở trẻ sinh non với một số tác động như sau:

  • Kích thích trung tâm hô hấp;
  • Tăng thông khí phút;
  • Giảm ngưỡng tăng CO2;
  • Tăng đáp ứng với tăng CO2;
  • Tăng trương lực cơ xương;
  • Giảm mỏi cơ hoành;
  • Tăng tỷ lệ trao đổi chất;
  • Tăng tiêu thụ oxy.

3. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Cafcit

Thuốc Cafcit được chỉ định chủ yếu trong điều trị ngắn hạn chứng ngưng thở ở trẻ sơ sinh sinh non. Tuy nhiên, không sử dụng thuốc Cafcit nếu trẻ bị dị ứng với Caffeine citrate hoặc bất kỳ thành phần nào khác có trong công thức.

4. Liều dùng thuốc Cafcit

Liều dùng thuốc Cafcit như sau:

  • Liều nạp: Caffeine citrate 20mg/kg (tương đương Caffeine base 10mg/kg) tiêm tĩnh mạch trong hơn 30 phút.
  • Liều duy trì: Caffeine citrate 5mg/kg (tương đương Caffeine base 2.5mg/kg) tiêm tĩnh mạch trên 10 phút, cách mỗi 24 giờ và bắt đầu sau liều đầu tiên 24 giờ.

Quá liều thuốc Cafcit và cách xử trí:

  • Các dấu hiệu của quá liều thuốc Cafcit bao gồm: bồn chồn, nhịp tim nhanh, thở nhanh, ưỡn cong (opisthotonos), cứng đơ và co cứng-co giật, hạ kali máu, run nhẹ tứ chi, kích ứng hoặc xuất huyết dạ dày-ruột, tăng bạch cầu, cử động hàm và môi không có chủ đích;
  • Một số biểu hiện khác do quá liều thuốc Cafcit bao gồm sốt, kích động, dễ bị kích thích, tăng trương lực cơ, chất cặn bã trong dạ dày, chướng bụng, nhiễm toan chuyển hóa, tăng đường huyết và tăng nồng độ ure máu;
  • Không có trường hợp tử vong nào liên quan đến quá liều thuốc Cafcit đã được báo cáo ở trẻ sinh non;
  • Cách xử lý khi quá liều: Theo dõi nồng độ Caffeine trong máu và có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó là theo dõi nồng độ kali và glucose huyết để điều chỉnh khi cần thiết. Trong trường hợp quá liều thuốc Cafcit nghiêm trọng có thể cân nhắc truyền máu, nếu có co giật thì tiêm tĩnh mạch thuốc chống co giật (như Diazepam hoặc một Barbiturat như Pentobarbital natri hoặc Phenobarbital).

5. Tác dụng phụ của thuốc Cafcit

Trong quá trình sử dụng thuốc Cafcit, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:

  • Tăng đường huyết;
  • Nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp tim;
  • Động kinh;
  • Biểu hiện của phản ứng quá mẫn;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Hạ đường huyết;
  • Nôn trớ,
  • Viêm ruột hoại tử;
  • Tăng số lượng nước tiểu, tăng nồng độ natri và canxi trong nước tiểu;
  • Giảm nồng độ hemoglobin máu.

6. Tương tác của thuốc Cafcit

Tương tác của thuốc Cafcit có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:

  • Caffeine có khả năng tương tác với cơ chất của CYP1A2 (bao gồm cả ức chế hoặc cảm ứng). Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa thuốc Cafcit ở trẻ sơ sinh sinh non diễn ra hạn chế do hệ thống enzym gan còn non nớt.
  • Các xanthin khác như theophylline: Nên tránh sử dụng đồng thời với thuốc Cafcit.
  • CimetidineKetoconazole: Cần giảm liều thuốc Cafcit khi dùng đồng thời, vì các thuốc trên làm giảm thải trừ Caffeine.
  • Phenobarbital và Phenytoin: Cần tăng liều thuốc Cafcit vì làm tăng thải trừ Caffeine.
  • Các thuốc ức chế tiết axit dạ dày (như kháng thụ thể histamin H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton): Sử dụng đồng thời với thuốc Cafcit về lý thuyết có thể làm tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử.
  • Doxapram: Sử dụng đồng thời thuốc Cafcit có thể làm tăng tác dụng kích thích thần kinh trung ương và hô hấp. Do đó, khi có chỉ định sử dụng cả 2 thuốc thì phải theo dõi cẩn thận nhịp tim và huyết áp.

Để tránh tương tác thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết về các loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thảo dược, thực phẩm chức năng để bác sĩ cân nhắc và có những chỉ định phù hợp.

7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cafcit

Trong quá trình sử dụng thuốc Cafcit, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Chẩn đoán chứng ngưng thở ở trẻ sơ sinh sinh non là một chẩn đoán loại trừ. Các nguyên nhân khác có thể gây ngưng thở (như rối loạn hệ thần kinh trung ương, bệnh phổi nguyên phát, thiếu máu, nhiễm trùng huyết, rối loạn chuyển hóa, bất thường tim mạch hoặc ngưng thở tắc nghẽn) nên được loại trừ hoặc điều trị đúng phác đồ trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Cafcit.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc Cafcit, trẻ phải được theo dõi định kỳ nồng độ Caffeine trong huyết tương. Tuy nhiên, khi dùng ở liều khuyến cáo thì việc theo dõi nồng độ thuốc Cafcit trong huyết tương thường xuyên (hơn chu kỳ mỗi tuần) là không cần thiết, trừ trường hợp có lo ngại về việc thiếu hiệu quả hoặc độc tính.
  • Nếu trẻ không có đáp ứng lâm sàng với liều nạp đầu tiên của thuốc Cafcit thì có thể tiêm thêm liều nạp thứ hai, nhưng khi đáp ứng điều trị không đầy đủ vẫn tiếp tục thì nên xác định nồng độ Caffeine trong huyết tương trước khi cho các liều tiếp theo.
  • Ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ đã tiêu thụ một lượng lớn Caffeine trước khi sinh cần được xác định nồng độ nền của Caffeine trong huyết tương trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Cafcit, do Caffeine dễ dàng đi qua nhau thai vào tuần hoàn thai nhi.
  • Trong trường hợp cho con bú, mẹ của trẻ sơ sinh được điều trị bằng thuốc Cafcit không được ăn thức ăn/đồ uống/thuốc có chứa caffeine.
  • Trẻ sơ sinh trước đây đã được điều trị bằng theophylline nên được xét nghiệm nồng độ Caffeine base trong huyết tương trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Cafcit.
  • Co giật đã được báo cáo trong các trường hợp dùng quá liều Caffeine. Do đó cần đặc biệt thận trọng nếu chỉ định thuốc Cafcit cho trẻ sơ sinh mắc chứng rối loạn co giật.
  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Cafcit cho trẻ sơ sinh đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, do đã có bằng chứng cho thấy Caffeine gây ra chứng loạn nhịp nhanh ở người nhạy cảm. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh thì đây thường chỉ là một rối loạn nhịp nhanh xoang đơn giản.
  • Caffeine citrate nên được dùng thận trọng ở trẻ sơ sinh thiếu tháng có suy giảm chức năng gan hoặc thận kèm theo. Liều lượng thuốc Cafcit nên được điều chỉnh bằng cách theo dõi nồng độ Caffeine huyết tương để tránh độc tính ở đối tượng này.
  • Đối với tất cả trẻ sinh non, những trẻ được điều trị bằng thuốc Cafcit nên được theo dõi cẩn thận về sự tiến triển của viêm ruột hoại tử. Đặc biệt thuốc Cafcit nên được sử dụng thận trọng cho trẻ sơ sinh mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, vì việc điều trị bệnh lý có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ruột hoại tử.
  • Caffeine citrate gây ra tình trạng tăng tổng thể quá trình trao đổi chất, có thể dẫn đến tăng cao nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng trong quá trình điều trị bằng thuốc Cafcit.
  • Caffeine citrate gây lợi tiểu và mất điện giải, do đó có thể cần điều chỉnh rối loạn nước và điện giải trong quá trình dùng thuốc Cafcit.

Thuốc Cafcit có thành phần chính là Caffeine Citrate, thuộc nhóm methylxanthine với tác dụng kích thích thần kinh trung ương. Thuốc Cafcit được chỉ định chủ yếu trong điều trị ngắn hạn chứng ngưng thở ở trẻ sơ sinh sinh non. Việc sử dụng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan