Công dụng thuốc Bratorex Dexa

Bratorex Dexa được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt với thành phần chính trong mỗi lọ thuốc là Tobramycin 15mg và Dexamethasone 5mg cùng các tá dược vừa đủ 5ml. Vậy thuốc Bratorex Dexa là thuốc gì, công dụng và cách sử dụng như thế nào?

1. Thuốc Bratorex Dexa là thuốc gì?

Bratorex Dexa là một loại thuốc chống viêm và nhiễm khuẩn mắt, tác dụng của thuốc đó là:

  • Tobramycin là một loại kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid, nó có đặc tính kháng khuẩn. Phổ kháng khuẩn của Tobramycin gồm có: Chủng Staphylococci, S. epidermidis, S. aureus và cả những chủng đề kháng với Penicillin,...
  • Dexamethasone là một loại Corticosteroid, nó có đặc tính chống viêm mạnh đối với nhiều loại tác nhân khác nhau. Song, hoạt chất này cũng làm chậm quá trình lành vết thương.

Thuốc Bratorex Dexa là sự phối hợp giữa kháng sinh và Corticosteroid giúp kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả, đặc biệt là trong trường hợp viêm ở mắt có kèm theo nhiễm khuẩn.

Thuốc Bratorex-Dexa được chỉ định các trường hợp sau:

  • Tình trạng viêm ở mắt có đáp ứng với steroid hoặc tình trạng viêm có kèm theo nhiễm khuẩn hay nguy cơ nhiễm khuẩn mắt.
  • Giảm viêm và phù nề khi bị viêm kết mạc bờ mi, kết mạc nhãn cầu, viêm giác mạc, ở nửa phần trước của nhãn cầu khi bệnh nhân chấp nhận nguy cơ vốn có của việc sử dụng thuốc Steroid.
  • Viêm màng bồ đào trước mạn tính và tổn thương giác mạc gây ra bởi hóa chất, tia xạ, bỏng nhiệt hoặc là do dị vật.
  • Mắt có nguy cơ cao nhiễm khuẩn thông thường gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm.

Thuốc Bratorex Dexa chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong công thức thuốc Bratorex Dexa.
  • Viêm biểu mô giác mạc do Herpes simplex gây ra.
  • Các bệnh của kết mạc, giác mạc do virus gây ra như là bệnh đậu bò, thuỷ đậu,...
  • Nhiễm nấm ở mắt.
  • Sau khi mổ lấy dị vật ở mắt, giác mạc không có biến chứng.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Bratorex Dexa:

  • Hiện tại, chưa có nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả của thuốc Bratorex Dexa đối với phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Do đó, chỉ sử dụng thuốc Bratorex Dexa khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Chưa rõ thuốc Bratorex Dexa có phân bố vào trong sữa mẹ hay không. Vì vậy, nên cân nhắc việc tạm ngừng cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc Bratorex Dexa.
  • Khi sử dụng thuốc Bratorex Dexa, có thể gây ra tình trạng giảm thị lực tạm thời hoặc có các rối loạn thị lực khác gây ảnh hưởng đến hoạt động lái xe và vận hành máy móc. Vì vậy, sau khi dùng thuốc Bratorex Dexa, nếu xuất hiện các triệu chứng này, bạn cần đợi cho đến khi mắt ổn định, nhìn rõ thì mới được thực hiện các hoạt động này.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Bratorex Dexa kéo dài vì có nguy cơ phát triển quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm và nhiễm nấm giác mạc.
  • Khi tình trạng bội nhiễm xảy ra, bạn cần trao đổi với bác sĩ để có phác đồ điều trị thích hợp.
  • Không nên dùng c Bratorex Dexa cho trẻ em vì chưa chứng minh được tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên nhóm đối tượng này.
  • Không sử dụng thuốc Bratorex Dexa sau 15 ngày kể từ khi mở nắp.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Bratorex Dexa

Cách sử dụng thuốc Bratorex Dexa:

  • Thuốc Bratorex Dexa được sử dụng để nhỏ mắt.
  • Bạn cần rửa tay sạch sẽ và lau khô trước khi dùng thuốc.
  • Ngửa đầu về phía sau, mắt hướng lên.
  • Lấy một ngón tay kéo bọng mắt xuống, sau đó dùng tay còn lại cầm lọ thuốc và nhỏ thuốc vào mắt.
  • Sau đó, từ từ nhắm mắt lại, dùng một ngón tay ấn vào tuyến lệ để ngăn không cho thuốc chảy ra ngoài.
  • Sử dụng khăn sạch để lau sạch phần thuốc còn thừa chảy ra khỏi mí mắt.

Liều dùng thuốc Bratorex Dexa cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Liều thuốc tham khảo như sau:

  • Nhỏ mỗi bên mắt 1- 2 giọt, 4-6 giờ nhỏ 1 lần.
  • Trong 24- 48 giờ đầu có thể tăng liều thuốc Bratorex Dexa đến 1 - 2 giọt sau mỗi 2 giờ.
  • Khi các triệu chứng bệnh có dấu hiệu cải thiện, bạn nên giảm số lần dùng thuốc Bratorex Dexa. Tuy nhiên không nên dừng điều trị bằng thuốc Bratorex Dexa quá sớm vì có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm.

Khi quên một liều thuốc Bratorex Dexa, bạn có thể bỏ qua hoặc dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã sát với giờ dùng liều thuốc tiếp theo, bạn hãy bỏ liều thuốc đã quên và nhỏ liều tiếp theo như dự định.

Hiện tại, chưa có thông tin về trường hợp quá liều thuốc Bratorex Dexa xảy ra. Nếu bạn lỡ dùng quá liều thuốc Bratorex Dexa và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bạn cần đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc Bratorex Dexa

Trong quá trình sử dụng thuốc Bratorex Dexa, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, bao gồm:

  • Ngứa;
  • Phù mi mắt;
  • Đỏ kết mạc;
  • Tăng nhãn áp có nguy cơ tiến triển thành Glaucoma;
  • Tổn thương dây thần kinh thị giác;
  • Hình thành cataract dưới bao sau;
  • Vết thương chậm lành;
  • Nhiễm khuẩn thứ phát;
  • Nhiễm nấm dễ xảy ra trong trường hợp có loét giác mạc kéo dài.

Nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi sử dụng thuốc Bratorex Dexa, bạn cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời.

4. Tương tác của thuốc Bratorex Dexa với các loại thuốc khác

Đã có báo cáo tương tác thuốc của từng thành phần hoạt chất riêng lẻ trong thuốc Bratorex Dexa khi dùng đường uống. Tuy nhiên, thuốc Bratorex Dexa được sử dụng để điều trị tại mắt nên các hoạt chất Tobramycin và Dexamethason rất ít hấp thu vào trong tuần hoàn chung. Do đó, nguy cơ xảy ra tương tác của thuốc Bratorex Dexa với các thuốc khác là rất thấp.

Nếu sử dụng đồng thời thuốc Bratorex Dexa cùng với các chế phẩm cùng có độc tính trên thính giác, thần kinh và thận dùng theo đường uống hoặc dùng ngoài, sẽ có nguy cơ làm gia tăng độc tính.

Vì vậy, bạn không được tự ý phối hợp các thuốc Bratorex Dexa với các loại thuốc khác khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.

Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Bratorex Dexa. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Bratorex Dexa theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

60.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan