Công dụng thuốc Boron

Boron là một khoáng chất vi lượng. Tuy Boron không nhận được sự chú ý như các chất dinh dưỡng được công nhận khác, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chống lão hóa, giúp xương chắc khỏe.

1. Boron là thuốc gì?

Boron là một khoáng chất tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống. Thuốc Boron thuộc nhóm thuốc vitamin và khoáng chất, được bán như một sản phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống cho một số người có hàm lượng Boron thấp trong cơ thể.

Dạng thuốc và hàm lượng của thuốc Boron:

  • Viên nén:1,5mg, 2,6 mg, 5mg, 6mg.
  • Viên nang: 2mg, 3mg, 5mg, 6mg.

2. Thuốc Boron có tác dụng gì?

  • Thuốc Boron có tác dụng kích thích sự phát triển và giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, chống lão hóa. Thuốc Boron cũng có thể sử dụng như một chất hỗ trợ để tăng hiệu suất thể thao, tăng khả năng tư duy và phối hợp cơ bắp.
  • Có tài liệu cho rằng Boron có tác dụng kích hoạt và ổn định nồng độ vitamin D và tác động tích cực đến việc hỗ trợ chuyển hóa hormon estrogen trong cơ thể. Ở nam giới khỏe mạnh, Boron làm tăng testosterone tự do.
  • Phụ nữ đôi khi sử dụng thuốc Boron có chứa acid boric, dạng Boron phổ biến nhất, đặt bên trong âm đạo để hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn âm đạo do nấm men.
  • Tuy nhiên cho đến nay vẫn có rất ít những bằng chứng nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng của thuốc Boron.

Thuốc Boron được sử dụng trong những trường hợp:

  • Bổ sung Boron ở người thiếu hụt.
  • Đau bụng kinh.
  • Hỗ trợ điều trị loãng xương, thoái hóa khớp, giúp xương chắc khỏe
  • Hỗ trợ điều trị nhiễm nấm âm đạo, thường dùng dạng acid boric.

Boron không được chỉ định trong trường hợp người bệnh có tiền sử dị ứng với Boron hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Boron

3.1. Cách sử dụng thuốc

Thuốc Boron được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén hoặc dưới dạng hỗn hợp thuốc. Đường dùng tùy thuộc vào chế phẩm và chỉ định mà người bệnh dùng đường uống hoặc đặt âm đạo. Vì vậy, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng thuốc. Tránh tự ý sử dụng thuốc để gây ra hậu quả không mong muốn. Liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin chi tiết về thuốc này.

3.2. Liều sử dụng thuốc

Người lớn (≥ 19 tuổi)

  • Thiếu hụt Boron: Bổ sung Boron uống 20 mg/ngày.
  • Điều trị nấm Candida âm đạo: 600mg acid boric, đặt âm đạo 1 – 2 lần/ngày trong 2 tuần.
  • Ngăn ngừa tái phát Candida âm đạo: 600mg acid boric, đặt âm đạo 2 lần/tuần.

Trẻ em thiếu hụt Boron

  • 1 – 3 tuổi: uống 3mg/ngày.
  • 4 – 8 tuổi: uống 6mg/ngày.
  • 9 – 13 tuổi: uống 11mg/ngày.
  • 14 – 18 tuổi: 17 mg/ngày.
  • < 1 tuổi: Hiện tại chưa xác định được hiệu quả và tính an toàn của thuốc

Liều dùng của Boron có thể thay đổi tùy thuộc vào cân nặng, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Hãy trao đổi với bác sĩ để được sử dụng liều thích hợp.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Boron

Các tác dụng không mong muốn hay gặp của thuốc bao gồm:

  • Hệ tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sự đổi màu của phân ( xanh lam hoặc xanh lục).
  • Trên da: viêm da, mẩn đỏ, ngứa.

Các tác dụng không mong muốn hiếm gặp của Boron bao gồm:

  • Gây suy thận (nếu liều cao).
  • Bỏng rát khi dùng đường âm đạo

Thuốc Boron có thể có những tác dụng không mong muốn khác. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin về thuốc.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Boron

Người bệnh sau đây cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc Boron:

  • Đối với phụ mang thai và cho con bú: Thuốc Boric có thể an toàn khi dùng bằng đường uống trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Tuy nhiên nếu uống quá liều thuốc Boron có thể làm giảm cân của trẻ khi sinh và dị tật bẩm sinh. Bôi axit boric vào âm đạo trong 4 tháng đầu của thai kỳ cũng có có thể gây dị tật bẩm sinh. Phụ nữ đang mang thai và cho con bú nếu cần bổ sung Boron, liên hệ với bác sĩ để được chỉ định liều dùng thích hợp.
  • Đối với người bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung, khi dùng thuốc Boron có thể làm thay đổi hormone nội tiết tố, ảnh hưởng tới quá trình tiến triển bệnh, vì Boron có thể hoạt động giống như estrogen.
  • Đối với người mắc bệnh thận ( suy thận, viêm cầu thận, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư,...): Không bổ sung Boron nếu bạn có vấn đề về thận, vì thuốc Boron đào thải chủ yếu qua thận, có thể làm nặng lên tình trạng bệnh thận.
  • Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc Boron đối với người đang lái xe và vận hành máy móc.

Sử dụng thuốc đúng cách sẽ nhận được lợi ích từ nó. Tuy nhiên hiện nay còn rất ít nghiên cứu chứng minh được tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Boron. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước, trong và sau khi sử dụng thuốc này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan