Công dụng thuốc Bomitis

Thuốc Bomitis được bào chế dưới dạng viên nang mềm, có thành phần chính là Isotretinoin. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh trứng cá nặng.

1. Thuốc Bomitis công dụng là gì?

1 viên thuốc Bomitis có chứa 20mg Isotretinoin và các tá dược khác. Isotretinoin là đồng phân của tretinoin. Theo các nghiên cứu trên bệnh trứng cá, Isotretinoin có tác dụng làm giảm hoạt động của tuyến bã nhờn, làm giảm kích thước của tuyến bã nhờn. Vì bã nhờn là chất chủ yếu tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes nên việc giảm tạo bã nhờn cũng giúp ức chế vi khuẩn này trong nang lông.

Chỉ định sử dụng thuốc Bomitis:

  • Điều trị bệnh trứng cá nặng (mụn bọc, mụn nang, mụn trứng cá to có nguy cơ để lại sẹo tại chỗ), đã kháng với liệu trình chuẩn bằng kháng sinh đường uống và thuốc bôi da.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Bomitis:

  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú;
  • Người bệnh suy gan;
  • Bệnh nhân lipid máu cao;
  • Người bị dư vitamin A;
  • Người bị mẫn cảm với Isotretinoin hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Dùng đồng thời với kháng sinh nhóm tetracyclin.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Bomitis

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên dùng thuốc Bomitis với 1 ly nước vừa đủ, uống vào bữa ăn, 1 - 2 lần/ngày.

Liều dùng:

  • Người trưởng thành, thiếu niên và người cao tuổi: Bắt đầu với liều 0,5mg/kg/ngày. Nên điều chỉnh liều dùng và thời gian dùng thuốc theo từng bệnh nhân. Đa số người bệnh dùng thuốc ở liều 0,5 - 1mg/kg/ngày;
  • Bệnh nhân suy thận nặng: Nên bắt đầu dùng thuốc ở liều thấp hơn, tổng vào khoảng 10mg/ngày. Có thể tăng liều tới 1mg/kg/ngày hoặc tới liều tối đa bệnh nhân dung nạp được;
  • Trẻ em: Không dùng thuốc Bomitis ở trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Người bệnh không dung nạp thuốc: Với bệnh nhân không dung nạp thuốc ở liều khuyến nghị, nên bắt đầu với liều thấp hơn. Tuy nhiên, thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn và nguy cơ tái phát bệnh cũng cao hơn.

Quá liều: Thuốc Isotretinoin có triệu chứng quá liều giống với quá liều vitamin A. Đó là nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, ngủ gà, ngứa da và kích ứng. Các triệu chứng này sẽ tự giảm dần mà không cần điều trị. Nếu lỡ dùng quá liều và xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời.

Quên liều: Nếu quên không dùng 1 liều thuốc Bomitis, người bệnh nên uống liều đó càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Trường hợp đã gần đến liều tiếp theo, bệnh nhân bỏ qua liều đó, uống liều tiếp theo như lịch trình cũ. Người bệnh không được uống gấp đôi liều quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Bomitis

Khi sử dụng thuốc Bomitis, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Rất thường gặp: Khô môi, viêm môi, viêm niêm mạc mũi, viêm kết mạc mắt, khô da, chảy máu cam;
  • Thường gặp: Thiếu máu, thiếu tiểu cầu, tăng tốc độ lắng hồng cầu, thiếu bạch cầu trung tính, viêm mí mắt, nhức đầu, kích ứng mắt, viêm da, da tróc vảy, đau khớp, tăng transaminase, tăng triglycerid máu, tăng cholesterol máu, tăng lipid máu, tiểu ra protein, tiểu ra máu, tăng glucose máu;
  • Ít gặp: Phản ứng dị ứng da, nổi ban đỏ, phản vệ, suy nhược cơ thể, thay đổi tính tình;
  • Rất ít gặp: Hen phế quản, viêm ruột, bệnh hạch bạch huyết, tiểu đường, tăng uric máu, tăng huyết áp nội sọ lành tính, co giật, rối loạn tâm thần, có ý muốn tự tử, nhìn mờ, đục thủy tinh thể, mù màu, không dung nạp kính áp tròng, sợ ánh sáng, giảm thị lực ban đêm, giảm thính lực, viêm mạch máu, khô miệng, buồn nôn, viêm tuyến tụy, xuất huyết tiêu hóa, rụng tóc, tăng sắc tố da, viêm gan, bộc phát trứng cá, tăng mồ hôi, viêm cầu thận, tăng creatine phosphokinase.

Một số tác dụng phụ của thuốc Bomitis liên quan tới liều dùng thuốc. Các tác dụng phụ này thường hết khi người bệnh giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp tác dụng phụ vẫn kéo dài sau khi đã ngưng dùng thuốc.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Bomitis, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ để có phương án can thiệp hiệu quả nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Bomitis

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Bomitis:

  • Thuốc có thể gây quái thai. Nên thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ này và áp dụng các biện pháp ngừa thai trong quá trình sử dụng thuốc Bomitis. Nên thử thai trước, trong và sau khi điều trị với Isotretinoin;
  • Người bệnh không nên hiến máu trong thời gian dùng thuốc và sau khi kết thúc điều trị 1 tháng. Nguyên nhân vì Isotretinoin có thể gây nguy hiểm cho thai phụ nhận máu;
  • Khi mới bắt đầu điều trị với Isotretinoin, mụn trứng cá có thể tăng lên. Tuy nhiên, mụn sẽ giảm đi khi tiếp tục điều trị, thường là trong vòng 7 - 10 ngày;
  • Khi dùng thuốc Bomitis, người bệnh nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia UV. Bệnh nhân nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 15;
  • Người bệnh dùng thuốc nên tránh điều trị da bằng laser hoặc hóa chất làm mòn da trong suốt 5 - 6 tháng sau khi điều trị bằng Isotretinoin. Điều này giúp tránh được nguy cơ gây sẹo lồi, tăng/giảm sắc tố da trên vùng da điều trị;
  • Tránh tẩy lông bằng sáp trong vòng 6 tháng sau khi dùng thuốc Isotretinoin vì có nguy cơ bị lột da;
  • Không nên sử dụng Isotretinoin cùng với các thuốc bôi trên da có tác dụng tiêu keratin và làm tróc vảy vì có thể làm tăng kích ứng trên da;
  • Người bệnh nên dùng kem hoặc thuốc mỡ dưỡng ẩm cho da và môi từ khi bắt đầu điều trị với Isotretinoin. Nguyên nhân vì Isotretinoin thường làm khô da và môi;
  • Bệnh nhân dùng thuốc Bomitis có thể bị khô mắt. Do đó, người bệnh có thể dùng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc mỡ làm trơn mắt;
  • Người bệnh dùng thuốc Isotretinoin có thể bị khó chịu khi dùng kính áp tròng. Nên đeo kính có gọng thông thường;
  • Bệnh nhân nên kiểm tra enzyme gan trước khi dùng thuốc Isotretinoin, 1 tháng sau khi dùng thuốc và mỗi 3 tháng trong suốt thời gian sử dụng thuốc. Trong nhiều trường hợp, các chỉ số enzyme gan trở lại bình thường trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng tăng enzyme gan đi kèm với các dấu hiệu lâm sàng thì nên cân nhắc tới việc giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc Isotretinoin;
  • Bệnh nhân nên kiểm tra máu trước khi dùng thuốc Isotretinoin, 1 tháng sau khi dùng thuốc và mỗi 3 tháng trong suốt thời gian sử dụng thuốc. Lipid máu có thể trở về mức bình thường nếu giảm liều dùng thuốc hoặc khi bệnh nhân ăn kiêng. Nếu mức triglycerid máu cao quá mức bình thường hoặc khi có triệu chứng viêm tuyến tụy thì người bệnh phải ngưng dùng thuốc Isotretinoin;
  • Khi có triệu chứng tiêu chảy nặng, người bệnh phải ngừng dùng thuốc Isotretinoin ngay;
  • Người bệnh có vấn đề di truyền không dung nạp đường fructose không nên sử dụng thuốc Bomitis;
  • Bệnh nhân tiểu đường, nghiện rượu, béo phì, rối loạn lipid máu đều cần phải xét nghiệm trước khi dùng thuốc Isotretinoin;
  • Không dùng thuốc Isotretinoin cho phụ nữ đang nuôi con bú;
  • Không nên lái xe hoặc vận hành máy móc hoặc làm việc trên cao trong thời gian dùng thuốc Bomitis. Nguyên nhân vì thuốc có thể gây giảm thị lực ban đêm, buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn thị giác,...

5. Tương tác thuốc Bomitis

Một số tương tác thuốc của Bomitis là:

  • Sử dụng đồng thời thuốc Bomitis với vitamin A có thể gây ra các triệu chứng giống như khi dùng vitamin A quá liều. Do đó, để tránh ngộ độc, người bệnh không nên bổ sung vitamin A trong quá trình dùng thuốc;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Bomitis với tetracycline có thể làm tăng áp lực nội sọ. Do vậy, cần tránh sử dụng phối hợp 2 thuốc này;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Bomitis với thuốc tiêu sừng hoặc thuốc trị mụn bôi ngoài ra có thể làm tăng kích ứng tại chỗ. Do đó, không nên phối hợp các thuốc này.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Bomitis, người bệnh hãy báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, dược phẩm mình đang dùng và các bệnh khác đang mắc phải. Đồng thời, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ nếu muốn điều trị dứt điểm mụn trứng cá, hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan