Công dụng thuốc Betene

Thuốc Betene được dùng bằng đường tiêm để điều trị các bệnh cần chỉ định corticosteroid. Dưới đây là tất cả thông tin về thuốc Betene mà người bệnh cần nắm rõ để sử dụng thuốc đảm bảo an toàn, đúng cách nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.

1. Betene là thuốc gì?

Betene thuộc nhóm thuốc hormon - nội tiết tố, được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, quy cách đóng gói: Hộp 10 ống 1ml.

Thành phần Betamethasone trong thuốc là một corticosteroid tổng hợp, có tác dụng chống viêm, thấp khớp và dị ứng. Thuốc được dùng bằng đường tiêm để điều trị các bệnh cần chỉ định corticosteroid. Do ít có tác dụng mineralocorticoid, nên hoạt chất Betamethason rất phù hợp trong những trường hợp bệnh lý mà giữ nước là bất lợi. Khi dùng liều cao, Betamethason có tác dụng ức chế miễn dịch.

2. Chỉ định dùng thuốc Betene

Thuốc Betene được chỉ định trong các tình trạng sau:

  • Rối loạn nội tiết tố: Thiểu năng thượng thận nguyên phát hay thứ phát; bị sốc do không đáp ứng với trị liệu thông thường nếu đã bị hoặc nghi ngờ do thiểu năng thượng thận; tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; viêm tuyến giáp không có mủ; tăng canxi máu kết hợp với ung thư.
  • Bệnh về khớp: Thuốc được chỉ định trị liệu hỗ trợ trong thời gian ngắn đối với các bệnh viêm xương khớp sau chấn thương, viêm màng hoạt dịch, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, viêm mỏm lồi cầu, viêm bao gân cấp, viêm khớp do bệnh gút hoặc vảy nến, viêm đốt sống cứng khớp.
  • Các bệnh collagen: Betene được chỉ định trong thời gian bị bệnh nặng hoặc trị liệu duy trì ở người bị lupus ban đỏ toàn thân, viêm tim dạng thấp cấp tính.
  • Bệnh trên da: Pemphigus, hội chứng Stevens-Johnson; viêm da tróc vảy hoặc herpes; viêm da tiết bã nhờn và bệnh vảy nến ở mức độ nặng; nhiễm nấm.
  • Dị ứng: Betene giúp kiểm soát các tình trạng dị ứng nặng hoặc không điều trị được bằng các phương pháp thông thường ở bệnh nhân hen phế quản, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, bệnh huyết thanh, phản ứng tăng cảm với thuốc, nổi mề đay do tiêm truyền, phù thanh quản không nhiễm khuẩn.
  • Bệnh về mắt: Herpes ở mắt, viêm mống mắt thể mi, viêm giác mạc, viêm màng mạch, viêm màng mạch võng mạc, viêm thần kinh thị giác, viêm mắt đồng cảm, viêm kết mạc dị ứng, loét khoé mắt do dị ứng.
  • Bệnh đường tiêu hóa: Thuốc Betenen còn được chỉ định giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn cấp tính trong viêm loét ruột hoặc viêm đoạn ruột hồi.
  • Bệnh hô hấp: Bệnh có triệu chứng sarcoid, nhiễm độc berili, lao phổi, viêm phổi thở rít và hội chứng Loeffler không thể kiểm soát bằng cách khác.
  • Các bệnh huyết học: Điều trị bệnh thiếu máu tự miễn dịch, thiếu máu tiểu cầu thứ phát ở người lớn, thiếu máu hồng cầu to hoặc nhược sản bẩm sinh.
  • Các bệnh ung bướu: Betene dùng để điều trị tạm thời các bệnh bạch cầu và u lympho ở người lớn, bạch cầu cấp tính trẻ em.
  • Phù nề: Thuốc có công dụng lợi tiểu hoặc làm giảm protein niệu trong hội chứng thận hư không bị ure niệu, do tự phát hoặc do lupus ban đỏ.
  • Các bệnh khác như viêm màng não do lao, bệnh giun xoắn có liên quan đến cơ tim hoặc thần kinh.

3. Liều dùng thuốc Betene

Thuốc Betene chỉ dùng theo sự kê đơn của bác sĩ, liều dùng rất khác nhau tùy theo mức độ và đáp ứng của bệnh nhân.

Liều thông thường cho người lớn tính như sau:

  • Dùng tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch: Liều 2 - 12mg/ lần, mỗi 3 - 4 giờ tùy theo triệu chứng;
  • Tiêm truyền dùng liều 2 - 20mg Betamethasone/ lần, 1-2 lần/ ngày, pha trong dung dịch nước muối hoặc glucose;
  • Tiêm trong khớp: Dùng liều 0,4 - 6mg Betamethasone tùy theo kích thước của khớp.

Liều dùng Betene trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng Betene cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến bệnh. Do đó, để có liều Betene phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

4. Chống chỉ định thuốc Betene

Thuốc Betene chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị nhiễm nấm toàn thân, nhiễm trùng hoặc có vùng khớp không ổn định;
  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ hoạt chất nào có trong thuốc Betenen;

5. Quá liều thuốc Betene và cách xử trí

Triệu chứng quá liều thuốc Betene:

  • Giữ natri và nước;
  • Tăng cảm giác thèm ăn;
  • Tăng calci và phospho kèm theo loãng xương, mất nitơ;
  • Tăng đường huyết;
  • Giảm tái tạo mô;
  • Suy thượng thận;
  • Tăng hoạt động vỏ thượng thận;
  • Rối loạn tâm thần và thần kinh;
  • Yếu cơ.

Điều trị quá liều thuốc Betene:

  • Trong trường hợp quá liều Betene, người bệnh cần được theo dõi điện giải đồ huyết thanh và nước tiểu;
  • Cân bằng natri và kali;
  • Nếu xảy ra nhiễm độc mãn, cần ngừng thuốc Betene từ từ.
  • Điều trị các triệu chứng mất cân bằng điện giải nếu cần.

6. Tương tác với các thuốc khác

Có thể xảy ra tương tác nếu dùng Betene đồng thời với các thuốc sau:

  • Rifampicin, Rifabutin, Pheytoin, Primidone, Aminoglutethimide Carbamazepine, Phenobarbitone và Ephedrine có thể làm tăng sự chuyển hóa Corticosteroid và giảm tác dụng điều trị của thuốc Betene;
  • Tác dụng phụ của thuốc hạ đường huyết, Carbenoxolone, huyết áp và lợi tiểu Acetazolamide, Thiazide sẽ tăng lên nếu dùng đồng thời với Betene;
  • Dùng đồng thời với Betene sẽ làm tăng tác dụng phụ của thuốc chống đông máu Coumarin;
  • Sự thanh thải của thuốc Salicylate qua thận tăng lên nếu dùng cùng với Corticosteroid;
  • Xuất hiện tình trạng co giật nếu dùng liều cao Corticosteroid và Cyclosporine với nhau.

7. Tác dụng phụ của thuốc Betene

Thuốc Betene có thể gây ra các tác dụng phụ sau:

  • Nhiễm trùng: Thuốc Betene có thể gây ra nhiễm trùng mới hoặc gia tăng nhiễm trùng sẵn có;
  • Nội tiết: Rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận cấp và mạn tính, chậm phát triển ở trẻ em;
  • Tiêu hóa: Loét dạ dày, tiêu chảy, viêm tụy, buồn nôn/ nôn, đau dạ dày, ăn vô độ;
  • Thần kinh: Suy nhược, tăng hưng cảm, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, co giật;
  • Cơ xương khớp: Đau cơ và khớp, loãng xương, hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi;
  • Rối loạn chuyển hóa: Phù mặt, lưng gù, cân bằng nitơ âm;
  • Rối loạn nước và điện giải: Tăng huyết áp, hạ kali kiềm, giữ nước và natri;
  • Mắt: Tăng áp suất nội nhãn, glôcôm, lồi mắt, nhiễm trùng mắt do nấm hoặc virus;
  • Da: Vết thương chậm lành, da mỏng, xuất huyết và bầm máu, phát ban đỏ, tăng tiết mồ hôi, rậm lông,...;
  • Các tác dụng phụ khác: Mệt mỏi, sốt, các bệnh thần kinh, suy tim, tăng huyết áp, khớp không ổn định, teo mô tại vị trí tiêm.

Trong trường hợp người bệnh gặp phải các tác dụng phụ trên, hãy ngừng thuốc Betene ngay lập tức, tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Betene. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Betene theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan