Công dụng thuốc Baclev

Baclav là thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus. Thuốc thường được dùng để chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và đường sinh dục...Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Baclav sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Baclev là thuốc gì?

Baclev là sản phẩm dược được sản xuất và đăng ký bởi XL Laboratories Pvt., Ltd, Ấn Độ

Thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm với thành phần chính là hoạt chất Cefalexin monohydrate hàm lượng 500mg. Thuốc được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn tai mũi họng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đường sinh dục và da và mô mềm.

Thuốc Baclev được bào chế dạng viên nang cứng và đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên, mỗi viên có chứa 500mg cefalexin và các thành phần tá dược khác vừa đủ.

2. Tác dụng thuốc Baclev

2.1. Công dụng thành phần thuốc

Cefalexin là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 1, có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn ưa khí gram âm, gram dương bằng cách ức chế tổng hợp của thành tế bào vi khuẩn.

Cefalexin bền vững với penicilinase của Staphylococcus, vì thế có tác dụng đối với cả các chủng Staphylococcus aureus tiết penicilinase kháng penicillin. Cefalexin cũng có tác dụng trên chủng E.coli kháng Ampicillin.

Hầu hết, các chủng Enterococcus và một số ít chủng Staphylococcus kháng cefalexin, Proteus indol dương tính và một số Enterobacter spp cũng thấy có kháng thuốc.

2.2. Chỉ định dùng thuốc Baclev

Thuốc Baclev được dùng để chỉ định một trong các trường hợp sau đây:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm xoang, viêm tai giữa và viêm họng.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu: viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm niệu đạo và viêm thận...
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm, các xương và khớp nối.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường sinh dục, lậu và giang mai.

2.3. Chống chỉ định

Thuốc Baclev chống chỉ định đối với các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Cefalexin hoặc các thành phần tá dược khác có trong công thức của thuốc.
  • Người quá mẫn với kháng sinh nhóm Beta-lactam.

3. Cách dùng và liều lượng thuốc

Để công dụng Baclev phát huy hiệu quả thì người bệnh cần dùng thuốc đúng cách và đúng liều lượng theo đúng chỉ định và kê đơn của bác sĩ có chuyên môn.

3.1. Cách dùng

Thuốc được dùng theo đường uống trực tiếp với một lượng nước lọc đã được đun sôi hoặc đã được tinh khiết trước bữa ăn khoảng 1 giờ.

Người bệnh nên nuốt nguyên viên thuốc, không được bẻ nhỏ, nghiền nát, phân tán hay nhai viên vì có thể sẽ làm biến đổi thành phần trong thuốc làm ảnh hưởng đến tác dụng điều trị.

Lưu ý không được uống thuốc Baclev cùng với bia, rượu, nước trà hay các đồ uống có gas, có cồn, nước ngọt đóng chai... sẽ ảnh hưởng đến tác dụng và hiệu quả của thuốc.

3.2. Liều dùng

Liều dùng thuốc tùy vào từng bệnh lý, diễn tiến của bệnh và tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp.

  • Người lớn: Uống 2-4 viên thuốc mỗi ngày. Liều thông thường là uống 1 viên (500mg) mỗi lần và uống cách khoảng 6 giờ. Trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng thì phải dùng liều cao hơn.
  • Trẻ em: Uống từ 25 - 50mg/ kg/ ngày chia thành 4 liều nhỏ, uống cách nhau khoảng 6 giờ. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng thì phải tăng gấp đôi liều dùng.
  • Trong điều trị viêm bàng quang cấp tính, viêm họng do nhiễm khuẩn thì liều dùng hằng ngày có thể chia làm 2 lần uống và uống cách khoảng 12 giờ.
  • Trong điều trị viêm tai giữa, phải dùng liều từ 75mg-100mg/kg/ngày và chia thành 4 liều nhỏ. Trong trường hợp nhiễm khuẩn beta-tan huyết thì liều điều trị phải được chỉ định ít nhất trong 10 ngày.

Liều dùng trên chỉ mang tính tham khảo, còn liều dùng cụ thể do bác sĩ chỉ định. Vì thế, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên môn để được tư vấn về liều dùng tốt nhất. Tuyệt đối không được mua thuốc về dùng hay tự ý điều chỉnh, thay đổi liều lượng dùng thuốc khi chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ.

4. Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Baclev, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ ở các cơ quan, bộ phận trên cơ thể như là:

  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, chán ăn và khó chịu ở vùng thượng vị.
  • Quá mẫn: Ban da và nổi mày đay.
  • Hệ thần kinh trung ương: Đau đầu.
  • Hệ sinh dục - tiết niệu: Viêm âm đạo, ngứa âm hộ và, candida sinh dục.
  • Ðã có xảy ra ù tai, điếc tai, chóng mặt và thay đổi hành vi ở trẻ nhỏ khi dùng cefalexin.

Chú ý: Khi gặp phải các tác dụng phụ trên hoặc các tác dụng bất thường khác chưa được đề cập thì người bệnh hãy gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn cách xử trí an toàn. Trong trường hợp nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng thì đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần đó để được kiểm tra, cấp cứu và xử trí kịp thời.

5. Tương tác thuốc

Baclev có thể tương tác với một số loại thuốc khác có thể là hiệp đồng hoặc đối kháng nhưng đều làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc đang dùng hoặc làm gia tăng thêm tác dụng phụ.

Để tránh tương tác thuốc thì người bệnh hãy báo cho bác sĩ được biết về các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng. Để bác sĩ có sự tư vấn, điều chỉnh liều lượng phù hợp hoặc kê đơn thuốc thay thế nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Một số tương tác thuốc của Baclev bao gồm:

  • Bệnh nhân điều trị với nhóm Cephalosporin, kể cả Cefalexin thì nghiệm pháp Coomb cho phản ứng dương trực tiếp.
  • Khi dùng cefalexin có thể xảy ra phản ứng dương tính sai khi tìm glucose trong nước tiểu bằng các dung dịch Benedict hoặc với viên Clinitest tablets, nhưng không xảy ra đối với Test - Tape.

6. Lưu ý và thận trọng

Khi sử dụng thuốc Baclev thì người bệnh cũng cần lưu ý và thận trọng một số việc sau đây:

  • Cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn, chỉ định và kê đơn của bác sĩ có chuyên môn, không được tự ý thay đổi hay điều chỉnh liều lượng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu xảy ra phản ứng dị ứng khi dùng thuốc thì cần phải ngừng thuốc ngay và tư vấn ý kiến của bác sĩ, chuyên viên y tế.
  • Sử dụng thuốc dài ngày có thể gây nên sự tăng trưởng quá mức của các khuẩn không cảm thụ.
  • Cần giảm liều ở bệnh nhân bị suy thận và cần theo dõi chặt bệnh nhân.
  • Khi điều trị dài ngày với cefalexin thì cần phải thực hiện kiểm tra định kỳ chức năng huyết, gan và thận.
  • Thận trọng khi dùng thuốc này cho các bệnh nhân có tiền sử bị bệnh dạ dày - ruột, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng.
  • Tính an toàn của Cefalexin chưa được thiết lập trên đối tượng là phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Vì thế những đối tượng này tốt nhất là không nên dùng thuốc và cần tham vấn ý kiến của bác sĩ trong trường hợp cần thiết, bắt buộc dùng thuốc để được bác sĩ tư vấn an toàn nhất.

7. Quên liều, quá liều

Quên liều: Thông thường thuốc Baclev có thể uống trong 1- giờ so với quy định, nên nếu quên uống 1 liều thì hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với thời gian uống liều kế tiếp thì dùng liều kế tiếp theo đúng kế hoạch mà bỏ qua liều quên. Tuyệt đối không được uống gộp 2 liều cùng lúc để tránh làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc.

Quá liều: Khi uống quá liều Cefalexin sẽ xảy ra buồn nôn, nôn, khó chịu ở thượng vị, tiêu chảy và huyết niệu.

Cách xử trí quá liều: Khi có dấu hiệu quá liều thì cần ngưng thuốc và gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn cách xử trí. Còn trong trường hợp nguy hiểm thì đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời.

8. Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Baclev ở nơi khô ráo có nhiệt độ từ 15-30 độc C, tránh ánh nắng mặt trời và tránh ẩm.
  • Để thuốc Baclev ở nơi trẻ không nhìn thấy, với tới và tránh xa các vật nuôi trong nhà.
  • Hãy thu gom và xử lý Baclev hết hạn sử dụng, thuốc không dùng nữa theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất hay công ty xử lý rác thải. Không nên vứt thuốc Baclev vào trong bồn cầu hay xả ở dưới vòi nước sinh hoạt.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Baclev, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Baclev điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

30 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan