Công dụng thuốc Atyscine

Thuốc Atyscine được bào chế dưới dạng siro uống, có thành phần chính là Dextromethorphan HBr, Chlorpheniramine maleate và Guaifenesin. Thuốc được sử dụng trong điều trị ho ở các bệnh cảm lạnh, viêm phế quản,...

1. Atyscine là thuốc gì?

Mỗi 5ml dung dịch siro Atyscine có chứa: 5mg Dextromethorphan HBr, 1,33mg Chlorpheniramine maleate, 50mg Guaifenesin và các tá dược khác. Tác dụng của các thành phần chính có trong thuốc như sau:

  • Dextromethorphan HBr: Thể hiện hoạt tính trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não, giúp giảm ho gây ra bởi các yếu tố kích thích như cảm lạnh hoặc các chất kích thích. Dextromethorphan HBr có hiệu quả điều trị tương đương Codein nhưng có độc tính thấp hơn và ít gây phản ứng phụ trên đường tiêu hóa. Thành phần này cũng không có hiệu lực giảm đau và ít an thần;
  • Chlorpheniramine maleate: Là 1 chất kháng histamin ức chế cạnh tranh histamin ở các receptor của nó. Từ đó, thành phần này làm mất tác dụng của histamin ở đường hô hấp, giúp giảm triệu chứng ho và khó thở;
  • Guaifenesin: Kích thích niêm mạc dạ dày, thúc đẩy tiết dịch đường thở, tăng cường thể tích và làm loãng chất nhầy bên trong phổi. Nhờ đó, thành phần này giúp tăng phản xạ ho và bài xuất đờm ra ngoài.

Như vậy, thuốc Atyscine có tác dụng trị ho và long đờm nhưng không gây nghiện.

Chỉ định sử dụng thuốc Atyscine nhằm cắt cơn ho trong các trường hợp sau:

  • Cảm lạnh, lao, viêm họng;
  • Viêm phổi, viêm phế quản, viêm khí phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi - phế quản;
  • Ho gà, màng phổi bị kích thích, ho ở người hút thuốc;
  • Hít phải chất gây kích thích.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Atyscine với các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm, dị ứng với hoạt chất, thành phần của thuốc;
  • Người bệnh đang trong cơn hen cấp;
  • Người bị glocom góc hẹp;
  • Bệnh nhân tắc cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt;
  • Người bệnh loét dạ dày, tắc môn vị - tá tràng;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Phụ nữ đang cho con bú;
  • Người đang sử dụng thuốc ức chế MAO.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Atyscine

Cách dùng: Đường uống, có thể uống trước hay sau ăn đều được. Nên lắc kỹ chai siro trước khi uống.

Liều dùng:

  • Người từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 30mg/lần, tối đa 120mg/ngày;
  • Trẻ em từ 6 - 12 tuổi: Dùng liều 15mg/lần, tối đa 60mg/ngày;
  • Trẻ em từ 2 - 6 tuổi: Dùng liều 1,5mg/lần, tối đa 30mg/ngày;
  • Khoảng cách giữa các liều dùng: Từ 6 - 8 tiếng.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Atyscine, người bệnh nên dùng ngay khi nhớ ra. Nếu quá gần với liều tiếp theo thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên và vẫn dùng liều kế tiếp như bình thường theo đúng kế hoạch ban đầu. Lưu ý, bệnh nhân không nên dùng gấp đôi liều quy định.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Atyscine quá liều, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Quá liều Dextromethorphan HBr: Buồn nôn, ói mửa, ảo giác, buồn ngủ, nhìn mờ, co giật, suy hô hấp, bí tiểu tiện,...;
  • Quá liều Chlorpheniramine maleate: An thần, co giật, động kinh, kích thích hệ thần kinh trung ương, loạn trương lực, ngưng thở, loạn nhịp tim, trụy tim mạch;
  • Quá liều Guaifenesin: Buồn nôn, nôn ói, sỏi thận.

Khi nghi ngờ ngộ độc thuốc Atyscine do quá liều, cần đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả.

3. Tác dụng phụ của thuốc Atyscine

Trong quá trình sử dụng thuốc Atyscine, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Ngủ gà, mệt mỏi, chóng mặt, an thần, da đỏ bừng, nhịp tim nhanh, buồn nôn, khô miệng;
  • Ít gặp: Nổi mề đay;
  • Hiếm gặp: Ngoại ban.

Khi gặp các dấu hiệu cho thấy tác dụng phụ của thuốc Atyscine, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn về hướng xử trí hợp lý.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atyscine

Một số lưu ý người bệnh cần ghi nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Atyscine:

  • Thành phần Clorpheniramin trong thuốc Atyscine có thể ngăn ngừa tiết acetylcholin bên có thể gây chứng khó tiểu, đặc biệt ở bệnh nhân tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, hẹp môn vị, tắc đường niệu. Ngoài ra, thành phần này còn làm tăng nặng tình trạng bệnh nhược cơ nên người dùng thuốc cần phải lưu ý;
  • Rượu và thuốc an thần có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của thành phần Clorpheniramin trong thuốc Atyscine;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Atyscine ở người bệnh phổi mạn tính, thở ngắn và khó thở do thuốc này có nguy cơ gây biến chứng đường thở, suy hô hấp và ngừng thở;
  • Đối với phụ nữ có thai, nếu dùng thuốc Atyscine ở tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ) thì thành phần Clorpheniramin maleat trong thuốc có thể gây động kinh ở trẻ sơ sinh. Do đó, chỉ sử dụng thuốc Atyscine nếu đã xem xét kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ, có chỉ định của bác sĩ;
  • Thuốc Atyscine có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây ra những phản ứng bất lợi đối với trẻ đang bú mẹ. Do đó, không khuyến cáo sử dụng thuốc này ở phụ nữ đang nuôi con bú. Nếu cần thiết phải sử dụng, cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Thuốc Atyscine có thể gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương như gây mất tập trung nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở người lái xe, điều khiển máy móc.

5. Tương tác thuốc Atyscine

Tương tác thuốc có thể gây một số ảnh hưởng tới hoạt động/hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng không mong muốn. Do vậy, người bệnh cần chia sẻ với bác sĩ về danh sách thuốc mình đang dùng/mới dùng và các bệnh lý mình đã/đang mắc phải. Đồng thời, người bệnh không được ngưng thuốc, bắt đầu sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều dùng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Một số tương tác thuốc của Atyscine gồm:

  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO) khi dùng đồng thời với Atyscine có thể làm tăng tỷ lệ mắc hội chứng serotonin, thậm chí gây tử vong. Bên cạnh đó, thuốc làm tăng các tác dụng phụ như buồn ngủ, mờ mắt, chóng mặt, táo bón, khô miệng, đỏ bừng da, bí tiểu, giảm tiết mồ hôi, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực,...;
  • Dùng đồng thời thuốc Atyscine với Ethanol hoặc thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng ức chế trên não bộ;
  • Quinidin có thể ngăn cản chuyển hóa của thành phần Dextromethorphan HBr ở gan, dẫn tới làm tăng độc tính của thuốc;
  • Thành phần Clorpheniramin maleat làm giảm chuyển hóa Phenytoin, có thể làm tăng nồng độ của Phenytoin trong máu và gây ngộ độc;
  • Thận trọng khi sử dụng chung thành phần Guaifenesin chung với Phenylpropanolamin đối với những bệnh nhân bị tiểu đường, cao huyết áp, u xơ tuyến tiền liệt, mắc vấn đề tim mạch hoặc glocom.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Atyscine, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ về những loại thuốc, kể cả thực phẩm chức năng mình đang dùng để được xem xét điều chỉnh một cách hợp lý. Đồng thời, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng và liều dùng thuốc nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị ho tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

217 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan