Công dụng thuốc Asafetida

Thuốc Asafetida là nhựa từ 1 loài thực vật bản địa ở miền đông Iran và miền tây Afghanistan. Thuốc được sử dụng để long đờm, trị ho, trị giun sán,... Cùng tìm hiểu về thuốc Asafetida qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Asafetida là thuốc gì?

Asafetida (tên tiếng Việt: A Ngùy) có tên khoa học là Ferula assa-foetida L, thuộc họ hoa tán (Umbelliferae).

Thuốc Asafetida là thành phẩm nhựa thu được từ rễ và thân rễ của cây Asafetida. Ở Afghanistan, loài cây này mọc hoang trên các vùng đồng bằng khô cằn vào mùa đông - nơi có rất ít loài thực vật khác sinh trưởng được. Cây có thể đạt chiều cao tới 2m, mang những cụm hoa màu vàng lục nhạt, quả cây hình bầu dục. Tất cả các bộ phận của cây thuốc này đều có mùi hôi đặc trưng.

Việc chiết xuất nhựa cây sẽ được thực hiện ngay trước khi cây Asafetida ra hoa. Cụ thể, người ta sẽ cắt thân cây sát đất, lộ phần rễ ra, rạch ra một đường để thu lấy nhựa cây (phần chất lỏng màu trắng đục chảy ra). Sau đó, chất lỏng khô lại thành dạng giống như kẹo cao su. Tiếp theo, người ta lại cắt thêm 1 vết cắt mới. Quá trình này tiếp tục được lặp lại trong khoảng 3 tháng kể từ khi rạch vết đầu tiên. 1 cây Asafetida có thể tạo ra tới 1kg nhựa trước khi nó khô đi và chết hoàn toàn.

2. Thuốc Asafetida có tác dụng gì?

2.1. Theo y học cổ truyền

Thuốc Asafetida có tốt không? Theo Y Học Cổ Truyền, thuốc Asafetida (cây a ngùy) được dùng dưới dạng cồn thuốc trong điều trị bệnh. Cụ thể, trộn thảo dược này với một lượng dầu trung tính hoặc rượu để tạo ra cồn thuốc.

Một số tác dụng của cây Asafetida theo đông y:

  • Chữa đầy hơi và chướng bụng;
  • Chữa trị các bệnh lý hô hấp như ho gà, hen suyễnviêm phế quản;
  • Điều trị các vấn đề ở hệ tiêu hóa như: Khó tiêu, hội chứng ruột kích thích;
  • Cải thiện sản xuất progesterone, điều trị các rối loạn sinh sản như vô sinh, đau bụng kinh, rong huyết,...;
  • Giảm đau răng bằng cách trộn 1 lượng nhỏ Asafetida với nước cốt chanh, đun hỗn hợp tới khi ấm thì nhúng 1 miếng bông gòn nhỏ vào chất lỏng này, đặt lên chỗ đau răng;
  • Thuốc Asafetida có đặc tính an thần, giúp điều trị chứng lo âu, trầm cảm, từ đó thay đổi tâm trạng và cải thiện tình trạng rối loạn thần kinh ở trẻ em;
  • Tác dụng khác: Tiêu độc, long đờm, chống co thắt, lợi tiểu, tẩy giun sán, trị ho, kích thích tình dục,...

2.2. Theo Y Học Hiện Đại

Một số tác dụng của thuốc Asafetida theo y học hiện đại:

  • Một số nghiên cứu cho thấy các chất trong thuốc Asafetida có thể điều trị hội chứng ruột kích thích và bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng tăng lipid máu;
  • Hoạt tính kháng virus của thuốc Asafetida đã được chứng minh trong nghiên cứu: Chống lại virus cúm A H1N1 (chưa có bằng chứng lâm sàng);
  • Điều trị bệnh khác: Tiêu diệt khối u ở bụng, hỗ trợ phá thai, lợi tiểu, an thần, kích thích tình dục, điều trị bệnh hen suyễn, viêm phế quản và ho gà.

Ngoài ra, Asafetida còn được sử dụng như 1 thành phần tạo mùi thơm trong nước hoa, dùng trong các món ăn chay của người châu Á, dùng làm gia vị và chất bảo quản thực phẩm (trong bánh kẹo, đồ uống, nước sốt,...).

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Asafetida

Cách dùng: Đường uống/ nhai.

Liều dùng: Hiện chưa có bằng chứng lâm sàng về liều dùng thuốc Asafetida. Theo cách dùng truyền thống, liều lượng hằng ngày để trị bệnh của nhựa Asafetida là 200 - 500mg.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Asafetida

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Asafetida:

  • Thuốc Asafetida có thể gây methemoglobin huyết ở trẻ em;
  • Tránh sử dụng Asafetida ở phụ nữ mang thai vì thành phần này từng được sử dụng để phá thai (theo kinh nghiệm dân gian);
  • Thuốc Asafetida có thể làm tăng hoạt tính dược lý của thuốc chống đông máu như warfarin (hiện vẫn đang được nghiên cứu thêm về đặc tính này);
  • Thuốc Asafetida có mùi hôi mạnh, có thể ảnh hưởng tới các loại thực phẩm khác nếu không được bảo quản đúng cách;
  • Sử dụng quá liều Asafetida có thể dẫn tới buồn nôn, nôn ói, kích ứng cổ họng, cảm giác nóng rát khi đi tiểu,... Ăn quá nhiều Asafetida trong thời gian dài có thể gây bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ;
  • Trước khi sử dụng Asafetida, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu: Dị ứng với thuốc hoặc các loại thuốc, thảo mộc, thức ăn khác; có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào; đang dùng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào,...

Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc Asafetida. Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bệnh nhân nên sớm thông báo cho bác sĩ để được can thiệp xử trí thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

243 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan