Công dụng thuốc Arbuntec

Thuốc Arbuntec 4 được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột, có thành phần chính là Lornoxicam và tá dược vừa đủ. Thuốc được chỉ định để điều trị các triệu chứng viêm xương khớp, giúp giảm đau cấp tính ngắn hạn.

1. Thuốc Arbuntec 4 có tác dụng gì?

Trong 1 viên thuốc Arbuntec 4 có chứa hoạt chất Lornoxicam (hàm lượng 4mg). Thuốc thường được dùng để điều trị các triệu chứng viêm xương khớp, giúp giảm đau cấp tính ngắn hạn.

Chống chỉ định dùng thuốc Arbuntec 4 cho các đối tượng sau:

  • Người mẫn cảm với Lornoxicam và bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Người dễ có những phản ứng quá mẫn (viêm mũi, phù mạch, nổi mề đay, co thắt phế quản) với thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) khác, bao gồm cả axit acetylsalicylic.
  • Có xuất huyết dạ dày, ruột chảy máu, xuất huyết mạch máu não.
  • rối loạn chảy máu, rối loạn đông máu.
  • Người bị loét dạ dày hoặc từng có tiền sử tái phát loét dạ dày.
  • Bệnh nhân suy gan nặng.
  • Bệnh nhân suy thận nặng (Creatinin trong huyết thanh > 700 micromol/ L).
  • Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu.
  • Bệnh nhân suy tim nặng.
  • Người lớn tuổi (> 65 tuổi) có trọng lượng < 50kg và phẫu thuật cấp.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Trẻ em, thanh thiếu niên < 18 tuổi.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Arbuntec 4

Cách dùng: Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc Arbuntec 4 trước khi ăn, uống với nhiều nước.

Liều dùng Arbuntec 4 cho người lớn và trẻ em trên 18 tuổi:

  • Để điều trị đau: Uống từ 1 - 2 viên/ lần x 2 lần/ ngày. Tổng liều Arbuntec hàng ngày không nên vượt quá 4 viên.
  • Điều trị viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp: Liều hàng ngày ban đầu: 1 viên/ lần x 3 lần/ ngày. Liều duy trì không vượt quá 4 viên/ngày.

Lưu ý: Giảm liều cho bệnh nhân suy thận hoặc suy gan, cân nhắc giảm liều xuống còn 3 viên/ ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Arbuntec 4

Khi sử dụng thuốc Arbuntec 4 để điều trị viêm xương khớp, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

Rất thường gặp:

  • Nhức đau nhẹ và chóng mặt.
  • Đau bụng, tiêu chảy.
  • Buồn nôn, nôn mửa.

Thường gặp:

  • Trầm cảm, mất ngủ.
  • Rối loạn thị lực, viêm kết mạc.
  • Chóng mặt, ù tai.
  • Suy tim, tim đập nhanh, nhịp tim bất thường, cảm giác đỏ mặt.
  • Đau bụng, đầy hơi khó tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón, khó nuốt, viêm dạ dày, loét miệng, khô miệng.
  • Tăng chỉ số transaminase.
  • Viêm da, đỏ bừng, ngứa, phù mạch, nổi mày đay.
  • Rụng tóc.
  • Đau khớp.

Ít gặp:

  • Viêm họng.
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, cơ thể suy nhược.
  • Phản ứng quá mẫn trên da, sốc phản vệ (khó thở, sưng mặt, đỏ bừng, chóng mặt).
  • Nhầm lẫn, căng thẳng, kích động, mất ngủ, run, rối loạn thị giác, vị giác bất thường.
  • Cao huyết áp.
  • Thường xuyên chảy máu, bầm tím, thời gian chảy máu kéo dài.
  • Khó thở (thở nhanh), co thắt phế quản, ho.
  • Loét, nôn ra máu, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, xuất huyết dạ dày/ ruột, đi ngoài phân đen.
  • Viêm miệng, viêm lưỡi.
  • Chức năng gan bất thường.
  • Đau xương, chuột rút, đau cơ.
  • Tiểu đêm, tăng chỉ số ure và creatinin trong máu.

Hiếm gặp:

  • Tổn thương gan, vàng da, viêm gan ứ mật.
  • Bầm tím, phù nề, rối loạn da nghiêm trọng (hoại tử lớp biểu bì độc, hội chứng Stevens-Johnson).
  • Viêm màng não vô trùng.
  • Tăng bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu bất định, thiếu máu tan huyết, độc tính ở thận.
  • Nguy cơ huyết khối tim mạch.

Nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Arbuntec 4, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Arbuntec 4

Thận trọng khi dùng thuốc Arbuntec 4 cho các đối tượng sau:

  • Có tiền sử loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết mạch máu não trước, viêm loét đại tràng, rối loạn chuyển hóa Porphyrin, bệnh Crohn, rối loạn tạo máu.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng tim từ mức nhẹ đến trung bình. Với nhóm đối tượng này cần chú ý đến nguy cơ giữ nước và suy giảm chức năng thận.
  • Bệnh nhân mắc bệnh gan.

Đôi nét về nguy cơ tạo huyết khối tim mạch của thuốc Arbuntec 4:

  • Các thuốc NSAIDs, không phải Aspirin, dùng đường toàn thân, có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng huyết khối tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.
  • Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm trong vài tuần đầu dùng thuốc (ở liều cao) và có thể tăng lên theo thời gian điều trị.
  • Để phòng tránh, bác sĩ cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện của các biến cố tim mạch kể cả khi bệnh nhân không có triệu chứng. Bệnh nhân cũng cần được cảnh báo về các nguy cơ có thể xảy ra và cần thăm khám ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng.
  • Để giảm bớt nguy cơ xuất hiện các biến cố bất lợi, cần sử dụng thuốc Arbuntec 4 với liều hàng ngày thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian điều trị ngắn (nếu có thể).

5. Tương tác của thuốc Arbuntec 4

Một số tương tác thuốc của Arbuntec 4 bao gồm:

  • Dùng đồng thời Lornoxicam và thuốc chống đông máu, chất ức chế kết tập tiểu cầu có thể làm kéo dài thời gian chảy máu.
  • Sulphonylurea có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết.
  • Các thuốc NSAIDs khác và Aspirin dùng phối hợp với Arbuntec 4 có thể làm tăng nguy cơ phản ứng phụ.
  • Các thuốc NSAIDs có thể làm giảm hiệu quả của thuốc lợi tiểu, thậm chí chống lại tác dụng lợi tiểu của thuốc Furosemid.
  • Các chất ức chế men chuyển ACE có thể bị giảm và tăng nguy cơ suy thận cấp nếu dùng chung với thuốc Arbuntec 4.
  • Arbuntec 4 có thể làm tăng nồng độ Liti trong máu và làm tăng tác dụng phụ, do đó tránh dùng đồng thời.
  • Arbuntec có thể làm tăng nồng độ Methotrexat trong máu nên tránh dùng đồng thời.
  • Giảm độ thanh thải thận của thuốc Digoxin.
  • Dùng phối hợp với Cyclosporin có thể làm tăng độc tính trên thận.

Ngoài ra, thành phần Lornoxicam trong thuốc Arbuntec 4 cũng có tương tác với các thuốc gây cảm ứng và chất ức chế enzyme CYP2C9 như Phenytoin, Miconazol, Tranylcypromin, Amiodaron và Rifampicin.

Khi sử dụng thuốc Arbuntec 4, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị để đảm bảo hiệu quả trị viêm xương khớp tốt nhất, hạn chế các nguy cơ không mong muốn có thể xảy ra.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan