Công dụng thuốc Antricar

Thuốc Antricar có thành phần chính là Trimetazidine hydrochloride 20mg, thuốc được dùng trong điều trị dự phòng đau thắt ngực. Cùng tìm hiểu thêm về công dụng thuốc Antricar trong bài viết dưới đây.

1. Antricar là thuốc gì?

Antricar có thành phần chính là Trimetazidine hydrochloride 20mg, được sử dụng để điều trị triệu chứng đau thắt ngực ổn định (đau ngực). Cơn đau thắt ngực là biểu hiện triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim. Thiếu máu cục bộ cơ tim có một số hậu quả chuyển hóa: Sản xuất và lưu giữ các chất chuyển hóa axit, dẫn đến nhiễm toan nội bào, giảm hàm lượng nội bào của adenosine triphosphate (ATP) và phosphocreatine, tích tụ các axit béo tự do và tạo ra các gốc tự do oxy. Điều này có thể dẫn đến mất tế bào và cuối cùng là tiên lượng xấu. Các tác nhân thông thường có tác dụng huyết động để phục hồi sự mất cân bằng giữa cung và cầu oxy của cơ tim. Antricar (2,3,4 trimethoxybenzyl-piperazine dihydrochloride) là một hợp chất chống thiếu máu cục bộ mới thuộc nhóm thuốc bảo vệ tế bào. Nó đại diện cho một cách tiếp cận tế bào đối với chứng thiếu máu cục bộ bằng cách chống lại trực tiếp tất cả các bất thường chuyển hóa chính xảy ra trong tế bào thiếu máu cục bộ.

2. Chỉ định của thuốc Antricar

Thuốc Antricar được chỉ định trong điều trị:

  • Dự phòng cơn đau thắt ngực.
  • Điều trị thương tổn mạch máu ở võng mạc, chứng chóng mặt do vận mạch, hội chứng Ménière, ù tai.

3. Cách dùng thuốc Antricar

  • Liều khuyến cáo của Antricar trong dự phòng đau thắt ngực: 20mg x 3 lần mỗi ngày trong bữa ăn. Antricar có thể được kết hợp với thuốc chẹn kênh canxi hoặc thuốc chẹn β.
  • Suy giảm chức năng gan và thận: Không cần điều chỉnh liều lượng ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan và thận.

4. Chống chỉ định của thuốc Antricar

Thuốc Antricar chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Quá mẫn với bất kỳ hoạt chất nào của thuốc.
  • Bệnh nhân Parkinson, bệnh nhân có triệu chứng Parkinson, hội chứng chân không nghỉ run và các rối loạn vận động có liên quan khác.
  • Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút).

5. Tác dụng phụ của thuốc của thuốc Antricar

Nói chung, thuốc Antricar được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nhức đầu và chóng mặt. Thông thường, các tác dụng ngoại ý thường nhẹ và có thể hồi phục khi ngừng điều trị.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Antricar

Tránh dùng thuốc Antricar cho phụ nữ có thai và cho con bú do các số liệu nghiên cứu lâm sàng của trimetazidin còn hạn chế.

Thuốc Antricar có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng Parkinson (run, vận động chậm, khó khăn, tăng trương lực cơ). Do đó bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi cần được theo dõi thường xuyên.

Nếu bệnh nhân gặp các rối loạn vận động như triệu chứng Parkinson, run, hội chứng chân không nghỉ cần ngay lập tức ngừng thuốc. Các trường hợp này thường hồi phục sau khi ngừng thuốc khoảng 4 tháng. Nếu các triệu chứng Parkinson tiếp tục xảy ra quá 4 tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc, người bệnh cần đi khám chuyên khoa thần kinh.

Bệnh nhân dùng thuốc Antricar có thể có biểu hiện ngã, dáng đi không vững hoặc tụt huyết áp, đặc biệt ở những người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Cần thận trọng khi dùng thuốc Antricar cho bệnh nhân có mức độ nhạy cảm cao như:

  • Người bị suy thận mức độ trung bình.
  • Người cao tuổi trên 75 tuổi.

7. Tương tác thuốc

Không có tương tác thuốc nào được báo cáo giữa Antricar và thuốc chẹn βeta, thuốc đối kháng canxi, nitrat, heparin, thuốc giảm chứng đái tháo đường hoặc chế phẩm digitalis.

Thuốc Antricar có thành phần chính là Trimetazidine hydrochloride 20mg, thuốc được dùng trong điều trị dự phòng đau thắt ngực. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

70 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan