Công dụng thuốc Amnesteem

Thuốc Amnesteem là một dạng của vitamin A được dùng điều trị bệnh trứng cá nặng. Để quá trình điều trị mang đến kết quả tốt, việc sử dụng thuốc Amnesteem cần hết sức thận trọng, vì có thể gây ra một số phản ứng phụ nghiêm trọng đối với cơ thể.

1. Thuốc Amnesteem có công dụng gì?

Amnesteem thuốc biệt dược của hoạt chất isotretinoin, nghĩa là isotretinoin là thành phần hoạt chất có tác dụng chính trong thuốc, còn Amnesteem là một tên của biệt dược. Thuốc Amnesteem được bào chế dưới dạng uống với hàm lượng 40 mg.

Isotretinoin là một dạng của vitamin A được sử dụng để điều trị mụn trứng cá dạng bọc nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, kể cả việc thuốc kháng sinh, dạng bôi tại chỗ hay dạng uống. Hoạt chất Isotretinoin hoạt động điều trị bằng cách giảm sản xuất dầu, bởi khi cơ thể chúng ta sản xuất một lượng lớn chất nhờn sẽ làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá nặng.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Amnesteem

2.1 Cách dùng thuốc Amnesteem

Một số lưu ý về cách sử dụng thuốc đúng nhất, đó là:

  • Khi uống Amnesteem bạn nên uống thuốc với một cốc nước đầy. Không nhai hoặc ngậm viên nang và cần nuốt toàn bộ. Nên uống cùng thức ăn sẽ làm tăng hấp thu thuốc.
  • Sử dụng đầy đủ Amnesteem trong khoảng thời gian chỉ định. Lúc đầu, mụn trứng cá có thể trở nên tồi tệ hơn, nhưng sau đó sẽ bắt đầu cải thiện, thường thì cần phải mất 1 đến 2 tháng mụn trứng cá mới cải thiện.
  • Nếu cần phải sử dụng lại thuốc này, nên đảm bảo thời gian nghỉ ít nhất 2 tháng trước khi quay lại dùng thuốc.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng tránh ẩm, tránh nóng và ánh sáng trực tiếp. Tránh xa tầm tay của trẻ em. Không dùng nếu như thuốc đã có dấu hiệu hư hỏng và quá hạn sử dụng.

2.2 Liều dùng thuốc Amnesteem

Thường thì bạn sẽ được chỉ định dùng từ 1 đến 2 viên mỗi ngày, tùy tình trạng bệnh và khả năng dung nạp thuốc.

2.3 Quá liều và quên liều

  • Quá liều thuốc có thể gây ra các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn, đau dạ dày, nóng hoặc ngứa ran ở mặt, sưng ở môi hoặc khô nứt môi và mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp. Nên thông báo ngay với bác sĩ hay tới cơ sở y tế khi nghĩ rằng mình đã dùng quá liều thuốc.
  • Nếu quên liều thuốc: Bạn có thể bỏ qua liều thuốc đã quên và dùng thuốc vào thời điểm tiếp theo. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

3. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Amnesteem

Amnesteem có thể gây ra các tác dụng phụ ở một số người dùng thuốc từ nhẹ tới nặng. Dưới đây là một số tác dụng phụ, có thể gặp khi dùng thuốc Amnesteem:

  • Phản ứng phụ rất nghiêm trọng có thể xảy ra: Bạn cần nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu khi dùng thuốc có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng nặng như phát ban, khó thở, đau bụng dữ dội...
  • Ngừng sử dụng thuốc Amnesteem ngay và thông báo cho bác sĩ ngay nếu có xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng như: Có các vấn đề với thị lực như giảm tầm nhìn, đau mắt, đau tai, ù tai, đau cơ hoặc đau khớp, đau nhức xương, đau lưng, tăng cảm giác khát...
  • Tác dụng phụ trên da: Khô da, da sần sùi, khô môi, môi nứt nẻ, khô mắt hoặc mũi có thể gây chảy máu cam...

Nên báo với bác sĩ về các tác dụng phụ để có thể được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4. Một số điều cần tránh khi dùng thuốc Amnesteem

Một số điều mà bạn cần phải tránh khi dùng thuốc Amnesteem gồm:

  • Không sử dụng bất kỳ chất bổ sung vitamin nào hoặc khoáng chất có chứa vitamin A, trừ khi bác sĩ chỉ định dùng, bởi vì điều này gây ra ngộ độc vitamin A.
  • Không được hiến máu khi đang dùng thuốc Amnesteem và trong vòng ít nhất 30 ngày sau khi ngừng dùng thuốc, vì máu của bạn sau khi được hiến tặng có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai, điều này rất có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho con của họ.
  • Khi đang dùng Amnesteem và ít nhất 6 tháng sau liều cuối cùng thì không nên sử dụng chất tẩy lông dạng sáp hoặc phương pháp điều trị da bằng tia laser hay phương pháp mài da.
  • Amnesteem có thể khiến da dễ bị ảnh hưởng bởi ánh nắng, do đó cần phải tránh ánh nắng mặt trời, mặc quần áo bảo vệ da và sử dụng kem chống nắng (sử dụng loại kem chống nắng có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn) khi bạn ở ngoài trời;.
  • Nên tránh lái xe hoặc thực hiện các hoạt động nguy hiểm cho đến khi bạn biết chắc chắn Amnesteem không gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng tới việc hoạt động này, vì nhiều người khi dùng thuốc Amnesteem có thể làm giảm thị lực đặc biệt là giảm vào ban đêm.

5. Tương tác thuốc Amnesteem

Tương tác thuốc có thể xảy ra khi bạn dùng thuốc Amnesteem với các thuốc khác. Bạn cần thông báo khi dùng với các thuốc khác bao gồm các thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và khoáng chất, thực phẩm chức năng để bác sĩ biết tránh tương tác thuốc.

Một số thuốc có thể gây ra tương tác với thuốc Amnesteen như:

  • Phenytoin,
  • Các dạng bổ sung vitamin hoặc khoáng chất;
  • Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, vì có thể không hoạt động tốt khi dùng chung với Amnesteem làm giảm hiệu quả tránh thai.
  • Thuốc kháng viêm steroid
  • Các thuốc khác như kháng sinh tetracycline, doxycycline hoặc minocycline cũng gây ra tương tác với thuốc này.

Trên đây là những thông tin về thuốc Amnesteem, việc dùng thuốc này chỉ được diễn ra khi có chỉ định của các bác sĩ có chuyên môn và hiểu rõ được nguy cơ, lợi ích của thuốc. Nếu bạn còn bất kỳ điều gì thắc mắc hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

156 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan