Công dụng thuốc Amichipsin

Amichipsin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Amichipsin thường được bác sĩ chỉ định sử dụng để điều trị một số bệnh như viêm tai giữa cấp tính, viêm họng, viêm xoang và bệnh lậu.

1. Thuốc Amichipsin có tác dụng gì?

Amichipsin có thành phần chính là Cefpodoxim (dưới dạng Cefpodoxim proxetil) với hàm lượng 200mg, là một loại kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ ba. Amichipsin sử dụng trong các trường hợp như sau:

  • Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Chẳng hạn như bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng nguyên nhân do vi khuẩn S. pneumoniae hoặc H. influenzae. Bệnh viêm phế quản mãn do S.pneumoniae, H.influenzae.
  • Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên: Chẳng hạn như bệnh viêm xoang hàm trên cấp tính do Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae.
  • Điều trị viêm tai giữa cấp tính do Streptococcuss pneumoniae, Haemophilus influenzae hoặc Moraxella catarrhalis.
  • Điều trị viêm họng, viêm amiđan nguyên nhân do Streptococcus pyogenes.
  • Điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, cổ tử cung và niệu đạo không biến chứng, cấp tính do Neisseria gonorrhoeae. Nhiễm Neisseria gonorrhoeae ở hậu môn - trực tràng không biến chứng.
  • Điều trị bệnh nhiễm trùng da và cấu trúc da: Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng do Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes.
  • Điều trị bệnh nhiễm trùng đường niệu: Nhiễm khuẩn đường niệu không biến chứng nguyên nhân do vi khuẩn Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis hoặc Staphylococcus saprophyticus.

Cơ chế tác động:

Cefpodoxime là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Cefpodoxime thuộc nhóm thuốc kháng sinh cephalosporin. Nó có khả năng chống lại hầu hết các vi khuẩn gây bệnh Gram dương và Gram âm, đáng chú ý bao gồm cả các dòng Pseudomonas aeruginosa, Enterococcus và Bacteroides fragilis. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Lưu ý:

Cefpodoxime chỉ điều trị các bệnh nhiễm trùng nguyên nhân do vi khuẩn gây ra. Thuốc sẽ không có hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng nguyên nhân do virus, chẳng hạn như các bệnh cảm lạnh thông thường, bệnh cúm. Việc sử dụng Amichipsin không cần thiết hoặc lạm dụng bất kỳ loại kháng sinh nào có thể dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc.

2. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng: Thuốc Amichipsin được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống, đóng gói hộp 14 gói x 1.5g và sử dụng để uống.

Liều lượng

  • Liều lượng sử dụng trong điều trị viêm phế quản cấp tính và các đợt cấp của viêm phế quản mãn tính là 200mg uống mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
  • Liều lượng sử dụng trong điều trị viêm phổi cộng đồng cấp tính dùng 200mg uống mỗi 12 giờ trong 14 ngày.
  • Liều lượng sử dụng trong điều trị viêm xoang hàm trên cấp tính:
    • Với người lớn là 200mg uống mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
    • Trẻ sơ sinh 2 tháng - Trẻ 12 tuổi: Uống 5mg/ kg cứ 12 giờ một lần trong 10 ngày; liều sử dụng không quá 200mg.
    • Trẻ em trên 12 tuổi: uống 200mg cứ 12 giờ một lần trong 10 ngày.
  • Liều lượng sử dụng trong điều viêm họng,viêm amidan:
    • Với người lớn dùng 100mg uống mỗi 12 giờ trong 5 - 10 ngày.
    • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả.
    • Trẻ sơ sinh 2 tháng - Trẻ 12 tuổi: uống 5mg/ kg cứ 12 giờ một lần trong 5 - 10 ngày; liều cá nhân không vượt quá 100mg.
    • Trẻ em trên 12 tuổi: Uống 100mg cứ 12 giờ một lần trong 5 - 10 ngày.
  • Liều lượng sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm trùng da, cấu trúc da dùng liều 400mg uống mỗi 12 giờ trong 7 - 14 ngày.
  • Liều lượng sử dụng trong điều trị bệnh lậu không biến chứng, nhiễm lậu cầu trực tràng dùng liều 200mg uống một lần.
  • Điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng dùng liều 100mg uống mỗi 12 giờ trong 7-14 ngày.
  • Viêm tai giữa cấp tính:
    • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng: chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả
    • Trẻ sơ sinh 2 tháng - Trẻ 12 tuổi: uống 5mg / kg cứ 12 giờ một lần trong 5 ngày; liều cá nhân không quá 200mg
    • Trẻ em trên 12 tuổi: uống 200mg cứ 12 giờ một lần trong 5 ngày
  • Với trường hợp bệnh nhân bị suy thận, điều chỉnh liều lượng thuốc dựa trên mức độ thanh thải creatinin. Cụ thể dưới 30 ml / phút thì nên tăng khoảng cách giữa các liều dùng lên 24 giờ.
  • Thẩm tách máu khoảng cách liều dùng là 3 lần/tuần, uống sau khi thẩm tách.
  • Với trường hợp bệnh nhân bị suy gan: Điều chỉnh liều lượng là không cần thiết

Chống chỉ định: Không dùng Cefpodoxime proxetil cho bệnh nhân có tiền sử bị dị ứng với cefpodoxime hoặc với các kháng sinh nhóm cephalosporin khác.

3. Quá liều và cách xử lý

Triệu chứng do dùng thuốc quá liều có thể xuất hiện các phản ứng như buồn nôn, nôn, đau thượng vị và đi tiêu chảy.

Cách xử lý: Điều trị theo các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Trong trường hợp có phản ứng nhiễm độc nghiêm trọng do dùng thuốc quá liều, bác sĩ có thể chỉ định thẩm phân máu hay thẩm phân phúc mạc nhằm giúp loại bỏ cefpodoxime ra khỏi cơ thể, đặc biệt với những bệnh nhân chức năng thận bị suy giảm.

4. Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ thường gặp của cefpodoxime bao gồm: Đau bụng, đau lưng, đầy hơi, nhức mỏi cơ thể, tức ngực, ớn lạnh, táo bón, ho, nước tiểu sẫm màu, phát ban tã ở trẻ sơ sinh dùng cefpodoxime lỏng, bệnh tiêu chảy, chóng mặt, khô miệng, nhịp tim nhanh, cảm thấy bồn chồn hoặc hiếu động, khó thở (ngay cả khi gắng sức nhẹ), sốt, các triệu chứng cúm, nấm da, đau đầu, nhức đầu với phồng rộp nghiêm trọng, bong tróc da hoặc phát ban đỏ, cơn khát tăng dần, ăn không ngon miệng, ngứa nhẹ, đau cơ, buồn nôn, lo lắng, cảm giác tê hoặc ngứa ran, nóng hoặc đỏ dưới da, da nhợt nhạt hoặc vàng, tăng cân nhanh chóng, phát ban, co giật, viêm họng, cứng hoặc căng cơ.

5. Thận trọng

  • Trước khi bắt đầu điều trị với Cefpodoxime proxetil, cẩn thận xem xét người bệnh có tiền sử bị dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với các thuốc Cefpodoxim, penicillin, các thuốc nhóm cephalosporin.
  • Với bệnh nhân bị giảm niệu tạm thời hoặc kéo dài nguyên nhân do rối loạn chức năng thận, cần điều chỉnh tổng liều lượng thuốc dùng hàng ngày vì có thể gây ra phản ứng dẫn đến nồng độ thuốc Amichipsin cao và kéo dài trong huyết thanh.
  • Giống như với các thuốc kháng sinh khác, dùng Cefpodoxime proxetil trong thời gian quá dài có thể gây ra sự tăng trưởng quá mức của các vi khuẩn không nhạy cảm.
  • Với phụ nữ có thai: Hiện nay vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ chứng minh thành phần Cefpodoxime proxetil an toàn cho phụ nữ có thai. Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc này trong thai kỳ nếu thật sự cần thiết và có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Với bà mẹ cho con bú: Do khả năng gây phản ứng nguy hiểm lên trẻ bú sữa mẹ, vậy nên khi mẹ cho con bú dùng thuốc cần ngưng cho trẻ bú mẹ.

6. Tương tác thuốc

  • Các thuốc kháng acid: Khi dùng đồng thời liều cao với các thuốc kháng acid (chứa thành phần natri bicarbonat và nhôm hydroxit) sẽ làm giảm nồng độ của thuốc trong huyết tương và làm giảm mức độ hấp thu của thuốc.
  • Dùng đồng thời liều cao các thuốc chẹn H2: Làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương lên đến 42% và làm giảm mức độ hấp thu của thuốc còn 32%. Khi dùng đồng thời các thuốc này tốc độ hấp thu không thay đổi.
  • Probenecid: Giống như với các thuốc kháng sinh nhóm β-lactam khác, quá trình đào thải của Cefpodoxim qua thận bị ức chế bởi probenecid và dẫn đến diện tích dưới đường cong AUC của Cefpodoxim tăng khoảng 31%, nồng độ cao nhất trong huyết tương tăng 20%.
  • Kết hợp với các thuốc gây ảnh hưởng đến chức năng thận: Mặc dù chưa ghi nhận độc tính trên thận khi dùng Cefpodoxime proxetil riêng lẻ. Nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ chức năng thận khi dùng Cefpodoxime proxetil đồng thời với các thuốc gây độc cho thận.
  • Abacavir: Cefpodoxime có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Abacavir, điều này có thể dẫn đến nồng độ trong huyết thanh cao hơn.
  • Abciximab: Hiệu quả điều trị của Abciximab có thể bị giảm khi dùng kết hợp với Cefpodoxime.
  • Aceclofenac, Acemetacin: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của độc tính trên thận có thể tăng lên khi Cefpodoxime được kết hợp với hai loại thuốc trên.
  • Acenocoumarol: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của chảy máu có thể tăng lên khi Cefpodoxime được kết hợp với Acenocoumarol.
  • Alteplase: Hiệu quả điều trị của Alteplase có thể giảm khi dùng kết hợp với Cefpodoxime.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

70 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan