Công dụng thuốc Amdipress

Thuốc Amdipress là thuốc kê đơn, được chỉ định để điều trị tăng huyết áp, dự phòng cơn đau thắt ngực. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Amdipress, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Amdipress trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Amdipress là gì?

1.1. Thuốc Amdipress là thuốc gì?

Thuốc Amdipress thuộc nhóm thuốc tim mạch được bào chế dưới dạng viên nang cứng hàm lượng 5mg, vỉ 10 viên, hộp 3 vỉ. Với các thành phần:

  • Amlodipine (dưới dạng muối Amlodipin Besilat) hàm lượng 5mg
  • Tá dược: Tinh bột, PVP, magnesi stearat, cellulose vi tinh thể.

Thuốc Amdipress khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.

1.2. Thuốc Amdipress có tác dụng gì?

Hoạt chất chính Amlodipin trong Amdipress có tác dụng chống tăng huyết áp bằng cách trực tiếp tác động làm giãn cơ trơn quanh động mạch ngoại biên và ít tác dụng hơn lên kênh calci của cơ tim.

Ngoài ra, Amlodipin còn có một số tác dụng khác như:

  • Giảm sức cản mạch máu thận, do đó khiến cho lưu lượng máu ở thận tăng lên và cũng cải thiện chức năng thận. Do vậy Amlodipin cũng có thể dùng để điều trị người bệnh suy tim còn bù.
  • Không gây ảnh hưởng xấu tới nồng độ lipid trong huyết tương hay chuyển hóa glucose, do đó các bác sĩ vẫn dùng amlodipin để điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường.
  • Thêm một ưu điểm nữa, Amlodipin có tác dụng hạ huyết áp tốt cả khi đứng, nằm cũng như ngồi và trong khi làm việc. Và vì amlodipin duy trì tác dụng chậm, nên ít có nguy cơ gây hạ huyết áp cấp hoặc tạo nhịp nhanh phản xạ.

Thuốc Amdipress được kê đơn chỉ định trong những trường hợp:

  • Điều trị tăng huyết áp (đặc biệt ở người có biến chứng chuyển hóa như bệnh đái tháo đường).
  • Dự phòng và điều trị bệnh nhân bị đau thắt ngực đã ổn định.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Amlodipine, dihydropyridine hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Amdipress.
  • Bệnh nhân suy tim chưa được điều trị ổn định.

2. Cách sử dụng của thuốc Amdipress

2.1. Cách dùng thuốc Amdipress

  • Thuốc Amdipress dùng đường uống, uống thuốc vào lúc no hay lúc đói đều được. Người bệnh có thể uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên nên uống vào buổi sáng.
  • Uống nguyên viên thuốc với một lượng nước lọc vừa đủ, không bẻ đôi, nghiền nát, hay trộn với bất cứ dụng dịch hoặc hỗn hợp nào khác.
  • Sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian chỉ định của bác sĩ. Người bệnh ên uống thuốc vào cùng một thời điểm để nồng độ thuốc luôn được duy trì trong máu.

2.2. Liều dùng của thuốc Amdipress

Amdipress được dùng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc khác. Liều uống thông thường được bắt đầu từ liều thấp rồi tăng dần liều để thu được đáp ứng thích hợp cho mỗi bệnh nhân:

  • Khởi đầu: bắt đầu bằng liều 1 viên mỗi lần trong một ngày đối với cả điều trị tăng huyết áp lẫn cơn đau thắt ngực. Có thể tăng lên đến 2 viên/lần/ngày tùy thuộc vào đáp ứng của từng người bệnh.
  • Với người cao tuổi và bệnh nhân suy gan: cần phải hiệu chỉnh liều, thường dùng với liều thấp hơn so với bình thường.
  • Khi sử dụng phối hợp thuốc với các thuốc khác như: lợi tiểu Thiazid, ức chế thụ thể Beta, ức chế men chuyển,...không cần tiến hành hiệu chỉnh liều

Xử lý khi quên liều: Để thuốc phát huy hết tác dụng hạ huyết áp hay điều trị cơn đau thắt ngực thì người bệnh cố gắng để không quên uống thuốc. Nên uống Amdipress vào một giờ hay một thời điểm cố định trong ngày nhưng nếu bạn lỡ quên liều thì uống ngay khi nhớ ra, nếu đã quá xa thời gian uống liều đã quên và gần với thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo đúng như lịch trình. Không uống gấp đôi liều hay uống hai liều quá gần nhau.

Xử trí khi quá liều:

Dùng 30 mg amlodipin cho trẻ em 1 tuổi rưỡi chỉ gây nhiễm độc mức “trung bình”. Trong trường hợp quá liều với thuốc chẹn calci, cách xử trí chung như sau:

  • Theo dõi tim mạch bằng máy điện tâm đ và điều trị triệu chứng các tác dụng lên tim mạch cùng với rửa dạ dày và cho uống than hoạt. Nếu cần, phải điều chỉnh các chất điện giải. Trường hợp nhịp tim chậm và có block tim, phải tiêm atropin 0,5 – 1mg đường tĩnh mạch cho người lớn (với trẻ em, tiêm tĩnh mạch 20 – 50 microgram/kg cân nặng). Có thể tiêm nhắc lại nếu cần thiết. Tiêm nhỏ giọt tĩnh mạch 20 ml dung dịch calci gluconat (9 mg/ml) trong 5 phút cho người lớn; thêm isoprenalin 0,05 – 0,1 microgam/kg/phút hoặc adrenalin 0,05 – 0,3 microgam/kg/phút hoặc dopamin 4 – 5 microgam/kg/phút.
  • Với người bệnh bị giảm thể tích tuần hoàn cần thiết lập đường truyền dung dịch natri clorid 0,9%. Khi cần, phải đặt máy tạo nhịp tim. Trong trường hợp bị hạ huyết áp nghiêm trọng, phải tiêm tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9% và adrenalin. Nếu không tác dụng thì dùng isoprenalin phối hợp với amrinon.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Amdipress

Lưu ý khi dùng thuốc Amdipress trong quá trình sử dụng như sau:

  • Không dùng thuốc Alkasodin khi đã quá hạn sử dụng, thuốc đổi màu, chảy nước, có mùi lạ, vỉ thuốc hở niêm phong.
  • Không nên dùng Amdipress cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim, sốc do tim trong vòng 2 – 4 tuần trước hay bệnh nhân bị đau thắt ngực không ổn định cấp.
  • Không nên dùng Amdipress để điều trị triệu chứng của cơn đau thắt ngực trong đau thắt ngực ổn định mạn tính.
  • Sử dụng Amdipress có thể làm tăng nguy cơ tiến triển của suy tim ở bệnh nhân bị hẹp động mạch chủ.
  • Ngừng sử dụng Amdipress đột ngột có thể làm trầm trọng thêm bệnh đau thắt ngực.
  • Thận trọng khi sử dụng Amdipress cho bệnh nhân có nguy cơ tiến triển suy tim do thuốc có thể gây hẹp động mạch chủ.
  • Cần giảm liều ở những bệnh nhân có suy giảm chức năng gan.
  • Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Nên ăn thường xuyên nhiều rau xanh để tăng bổ sung chất xơ, hạn chế bớt đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ cũng như tăng cường các hoạt động tập thể dục, thể thao.
  • Cũng giống như các thuốc điều trị tăng huyết áp khác, Amdipress có thể gây tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Nên hạn chế lại xe hoặc vận hành máy móc nếu bạn nhận thấy mình gặp phải những tác dụng phụ này.
  • Không nên dùng Amdipress cho phụ nữ có thai hay đang cho con bú, vì tính an toàn khi uống thuốc trong các giai đoạn này chưa được thiết lập.

4. Tác dụng phụ của thuốc Amdipress

  • Thường gặp: nhức đầu, chóng mặt, phù cổ chân, có cảm giác bốc hoả, mệt mỏi, suy nhược, chuột rút, khó thở, đánh trống ngực, buồn nôn, khó tiêu.
  • Ít gặp: hạ huyết áp quá mức, đau ngực, tim đập nhanh, ban ngứa, đau cơ, đau khớp, rối loạn giấc ngủ.
  • Hiếm gặp: tăng sản lợi, ngoại tâm thu, nổi mề đay, tăng men gan, tăng glucose huyết, lú lẫn, hồng ban.

5. Tương tác thuốc Amdipress

  • Khi dùng chung với các thuốc gây mê làm tăng tác dụng chống tăng huyết áp của Amdipress và có thể khiến cho huyết áp giảm mạnh hơn.
  • Lithi: Khi dùng cùng với Amdipress, có thể gây độc cho thần kinh, buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
  • Các thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Amdipress do ức chế tổng hợp prostaglandin và/hoặc giữ natri và dịch.
  • Các thuốc liên kết cao với protein (như hydantoin, dẫn chất coumarin,...): khi dùng cùng với Amdipress, khiến cho nồng độ của các thuốc nói trên ở dạng tự do (không liên kết) trong huyết thanh có thể thay đổi, vì hoạt chất amlodipin cũng liên kết cao với protein.

Thời gian bảo quản thuốc Amdipress là 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Bảo quản Amdipress ở nhiệt độ phòng phù hợp từ 15 đến 30 độ C, trong bao bì gốc thuốc thuốc, không để ánh sáng mặt trời tiếp xúc trực tiếp vào thuốc. Tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt hay gần các nguồn nhiệt, nên để thuốc trên cao khỏi tầm với của trẻ nhỏ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan