Công dụng thuốc Aladka

Aladka là loại thuốc xịt, được sử dụng trong điều trị các bệnh về viêm xoang, viêm mũi và ngạt mũi.... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Aladka, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Aladka trong bài viết sau đây.

1. Công dụng thuốc Aladka là gì?

1.1. Aladka là thuốc gì?

Aladka thuộc nhóm thuốc chống sung huyết mũi và các chế phẩm khác dùng cho mũi, có số đăng ký VD-26633-17, do Công ty Cổ phần Dược Khoa sản xuất.

Thuốc Aladka bao gồm các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Neomycin (dưới dạng Neomycin sulfate) hàm lượng 52.500IU; Betamethason Natri phosphat hàm lượng 15mg và Xylometazoline hàm lượng 7.5 mg.
  • Tá dược gồm: Natri hydroxyd, Acid Citric, Natri Chloride, Thimerosal và nước tinh khiết.

Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch xịt mũi trong suốt, không màu đến vàng nhạt, mùi thơm, độ pH 5.5-7.5; dung tích 15ml, hộp 1 lọ.

Thuốc Aladka khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Aladka có tác dụng gì?

  • Hoạt chất Xylometazoline hydrochloride tác dụng lên các thụ thể ở các tiểu động mạch của niêm mạc mũi làm co mạch, dẫn đến giảm lưu lượng máu và giảm xung huyết mũi.
  • Neomycin là kháng sinh có cơ chế diệt khuẩn bao gồm các vi khuẩn hiếu khí gram âm và các tụ cầu khuẩn, kể cả các chủng tạo penicillinase và kháng methicillin.
  • Dexamethasone có tác dụng chính là kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.

Thuốc Aladka bao gồm cả 3 thành phần trên nên chọn lọc được hết cả 3 tác dụng của các hoạt chất chính, được kê đơn điều trị trong các trường hợp: Ðiều trị các bệnh viêm xoang, viêm mũi, viêm mũi dị ứng, triệu chứng ngạt mũi và sổ mũi.

Chống chỉ định dùng thuốc Aladka trong trường hợp:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần chính hoạt chất Xylometazolin, Neomycin, Dexamethason hoặc bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Người có tiền sử mẫn cảm với nhóm thuốc adrenergic.
  • Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang điều trị glaucoma góc đóng.
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc trầm cảm 3 vòng.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Những người đang bị các tình trạng nhiễm khuẩn như: Nhiễm nấm toàn thân, mắc lao hoặc nhiễm virus tại chỗ, bệnh lậu nhưng chưa kiểm soát được bằng các loại thuốc kháng khuẩn, sốt rét thể não, trong nhãn khoa do nhiễm virus (Herpes Simplex mắt thể hoạt động), khớp bị hủy hoại nặng, nhiễm nấm ở mắt.
  • Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị tắc ruột, viêm hoặc đã bị loét đường tiêu hóa.

2. Cách sử dụng của Aladka

2.1. Cách dùng thuốc Aladka

  • Thuốc Aladka dùng đường xịt mũi;
  • Người bệnh ắc mạnh lọ thuốc vài lần, mở nắp bảo vệ. Tiếp theo là cầm lọ thuốc theo hướng đứng và xịt thử vào không khí vài nhát. Dùng tay giữ nắp lọ, đưa vào vị trí lỗ mũi và xịt vào mũi đồng thời hít nhẹ để thuốc có thể đi sâu vào trong khoang mũi. Đậy nắp bảo vệ lọ thuốc sau mỗi lần sử dụng;
  • Mỗi lọ Aladka chỉ dùng cho 1 người;
  • Không xịt hơn số lần khuyến cáo hoặc chỉ định của bác sĩ.

2.2. Liều dùng của thuốc Aladka

  • Liều dùng cho người lớn và trẻ trên 2 tuổi: Mỗi lần xịt 2 - 3 nhát, ngày xịt 2 đến 3 lần, cách nhau mỗi 3 - 4 giờ. Thời gian sử dụng Aladka không quá 7 đến 10 ngày.

Xử lý khi quên liều:

  • Xịt thuốc Aladka ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến lần xịt tiếp theo thì bỏ qua lần dùng thuốc đã quên và tiếp tục dùng liều tiếp theo.
  • Không xịt gấp đôi để bù liều Aladka đã quên, có thể gây nguy hiểm cho bạn.

Xử trí khi quá liều:

Sử dụng Aladka lâu dài có thể dẫn đến các tác động toàn thân. Điều trị với liều cao hơn liều khuyên dùng có thể dẫn đến ức chế thượng thận đáng kể về mặt lâm sàng. Các triệu chứng quá liều Aladka gồm: Tác dụng giữ natri và nước, huy động calci và phospho kèm theo loãng xương, tăng chứng thèm ăn, mất nito, tăng glucose huyết, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm thứ phát, giảm tái tạo mô, suy thượng thận, tăng hoạt động vỏ thượng thận, yếu cơ, rối loạn tâm thần và thần kinh. Cùng với đó, có thể gây độc cho thận và mất thính giác.

Xử trí:

Trong trường hợp quá liều cấp xảy ra, cần theo dõi điện giải đồ nước tiểu và huyết thanh của người bệnh. Đặc biệt chú ý đến cân bằng kali và natri. Trong trường hợp nhiễm độc mãn tính, ngừng thuốc từ từ. Nếu cần thiết tiến hành điều trị mất cân bằng điện giải. Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng gây độc với thận hoặc thính giác phải ngừng thuốc ngay. Theo dõi chức năng của thận và thính giác chặt chẽ. Nếu những chức năng này bị suy giảm, tiến hành thẩm tách máu. Nếu cần thiết có thể cho hỗ trợ hô hấp kéo dài.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Aladka

  • Bệnh nhân bị bệnh huyết áp cao, bệnh tim, bệnh cường tuyến giáp cần thận trọng trước quyết định sử dụng thuốc Aladka. Tốt hơn hết là chỉ nên sử dụng thuốc khi có yêu cầu và được hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần cân nhắc những lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra.
  • Người bệnh không nên lạm dụng dùng thuốc Aladka quá nhiều lần trong ngày hơn liều khuyến cáo. Bởi lượng tá dược trong thuốc có thể gây tác dụng phụ nóng bừng dẫn đến việc chảy nước mũi và hắt hơi nhiều hơn.
  • Bệnh nhân cũng không nên sử dụng thuốc Aladka kéo dài. Nếu cần dùng thuốc lâu dài, thì phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
  • Đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng thuốc này vì chưa có nhiều nghiên cứu việc sử dụng Aladka cho nhóm đối tượng này.

4. Tác dụng phụ của thuốc Aladka

Ở liều điều trị, thuốc Aladka được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Aladka, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

Thường gặp:

  • Miễn dịch: Phản ứng tăng mẫn cảm như ngứa, viêm da, sốt do thuốc hay nặng hơn là phản vệ.
  • Rối loạn điện giải: Giữ muối và nước gây tăng huyết áp, phù nề và hạ kali huyết.
  • Nội tiết và chuyển hoá: Giảm bài tiết ACTH, hội chứng dạng Cushing, teo tuyến thượng thận, giảm dung nạp glucose và rối loạn kinh nguyệt;
  • Cơ xương: Loãng xương, nứt đốt sống, gãy xương bệnh lý, hoại tử xương vô khuẩn và teo cơ hồi phục.
  • Tiêu hóa: Viêm tụy cấp, loét dạ dày tá tràng, cảm giác bỏng rát, khô hoặc loét niêm mạc;
  • Da: Ban đỏ, bầm máu, teo da và rậm lông;
  • Thần kinh: Mất ngủ.
  • Mũi: Sung huyết trở lại với biểu hiện đỏ, hắt hơi, sưng và viêm mũi khi dùng thường xuyên dài ngày;

Ít gặp:

  • Gan: Tăng bilirubin và enzym gan.
  • Máu: Rối loạn tạo máu, tăng bạch cầu, thiếu máu tán huyết và huyết khối tắc mạch;
  • Thần kinh: Dị cảm, lú lẫn và mất phương hướng;
  • Mắt: Rung giật nhãn cầu;
  • Tiêu hoá: Viêm miệng, tăng tiết nước bọt, tăng cân, ăn ngon miệng và buồn nôn;
  • Áp xe vô khuẩn.

Hiếm gặp:

  • Tim mạch: Mạch chậm, loạn nhịp và đánh trống ngực;
  • Dùng thuốc kéo dài có thể dẫn tới rung giật nhãn cầu, chóng mặt và điếc, ngay cả khi đã ngừng thuốc.
  • Việc giảm quá nhanh liều thuốc sau khi đã điều trị kéo dài có thể dẫn tới suy thượng thận cấp, hạ huyết áp và thậm chí chết. Triệu chứng ngừng thuốc đôi khi có giống như tái phát bệnh.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Aladka và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Aladka

  • Với Xylometazoline: Không nên phối hợp thuốc có thành phần Xylometazoline với các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) vì có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát. Do IMAO có tác dụng kéo dài nên tương tác này vẫn có thể xảy ra sau khi ngưng dùng IMAO đến 15 ngày.
  • Với Neomycin: Hoạt chất Neomycin có thể gây giảm hấp thu các thuốc khác như digoxin, phenoxymethylpenicillin. Thuốc có chứa Neomycin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai dùng đường uống. Dùng đồng thời thuốc có chứa Neomycin với các thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid, acid ethacrynic làm tăng khả năng gây độc với thận và thính giác.
  • Với Dexamethason: Các phenytoin, rifampicin, barbiturate, rifabutin, carbamazepine, ephedrine, aminoglutethimide có thể làm tăng độ thanh thải của Dexamethason nên làm giảm tác dụng điều trị. Hoạt chất Dexamethason tác dụng với thuốc hạ huyết áp, các tác nhân gây hạ đường huyết (kể cả insulin) và thuốc lợi tiểu. Corticosteroid làm tăng tác dụng hạ kali huyết của các thiazide, acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, carbenoxolone nên tránh sư dụng chung. Các thuốc lợi tiểu làm giảm kali huyết (ví dụ: furosemide, thiazide) và amphotericin B có thể làm tăng tác dụng giảm kali huyết của các glucocorticoid.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Aladka thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Aladka phù hợp.

6. Cách bảo quản thuốc Aladka

  • Thời gian bảo quản Aladka là 24 tháng từ ngày sản xuất.
  • Thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tại nơi khô ráo và thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Vì nhiệt độ cao có thể sẽ làm hư, hỏng hay biến đổi các thành phần trong thuốc.
  • Cất thuốc Aladka tránh xa tầm tay với của trẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Aladka, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Aladka điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan