Công dụng thuốc Acymess

Thuốc Acymess có thành phần chính là Acyclovir, một loại thuốc dùng để kháng lại virus, được sử dụng bằng đường tiêm để điều trị nhiễm virus và dự phòng nguy cơ tái nhiễm virus.

1. Thuốc Acymess là thuốc gì?

Thuốc Acymess là thuốc gì? Acymess thuốc có thành phần chính là Acyclovir 250mg, bào chế dạng bột đông khô pha tiêm. Acyclovir khi vào cơ thể sẽ được phosphoryl hóa thành dạng có hoạt tính là Acyclovir Triphosphate, hoạt chất này có tác dụng ức chế sự tổng hợp ADN và ức chế sự nhân lên của virus bằng cách ức chế enzym ADN polymerase cũng như sự gắn kết vào ADN của virus, mà không ảnh hưởng đến chuyển hóa của tế bào bình thường. Một số tác dụng của thuốc trên các virus như:

  • Hoạt tính kháng lại virus Epstein-Barr của Acyclovir có thể là do ADN polymerase của virus tăng nhạy cảm bị ức chế với nồng độ thấp của Acyclovir triphosphat (được tạo ra do enzym tế bào phosphoryl hóa).
  • Hoạt tính kháng Cytomegalovirus ở người có thể do sự ức chế tổng hợp polypeptide đặc hiệu của virus.
  • Tác dụng của Acyclovir mạnh nhất trên virus Herpes simplex type 1 (HSV-1) và kém hơn ở virus Herpes simplex typ 2 (HSV-2), virus Varicella zoster.
  • Thuốc không cho thấy tác dụng trên các virus tiềm ẩn khác.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Acymess

2.1.Chỉ định

Chỉ định của thuốc Acyclovir trong các trường hợp sau:

  • Điều trị trong những trường hợp nhiễm virus Herpes simplex (HSV) (typ 1 và 2) lần đầu và tái phát ở niêm mạc, da; viêm não - màng não, ở mắt gây viêm giác mạc.
  • Dự phòng nhiễm HSV ở niêm mạc và da, ở mắt hoặc trường hợp phải phẫu thuật ở mắt.
  • Nhiễm virus Varicella Zoster.
  • Điều trị Zona và dự phòng biến chứng mắt do Zona mắt.
  • Thủy đậu ở người mang thai; Thủy đậu sơ sinh; Thủy đậu nặng ở trẻ dưới 1 tuổi; Thủy đậu có biến chứng, đặc biệt trường hợp viêm phổi do thủy đậu.

2.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định dùng thuốc Acymess cho người bệnh mẫn cảm với Acyclovir hay với các thành phần khác của thuốc.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Acymess

3.1 Cách dùng

  • Điều trị bằng thuốc Acyclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi bắt đầu có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
  • Khi pha thuốc cần đảm bảo môi trường vô khuẩn, bởi thuốc không có chất chống nhiễm khuẩn và nếu không dùng hết thuốc sau khi pha loãng nên loại bỏ.
  • Thuốc được dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch, thực hiện bởi nhân viên y tế trong vòng 1 giờ để tránh kết tủa Acyclovir trong thận.

3.2 Liều dùng

Người lớn:

  • Nhiễm HSV ở những người suy giảm miễn dịch, herpes sinh dục khởi đầu nặng hoặc dự phòng nhiễm HSV ở người suy giảm miễn dịch: dùng với liều 5 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần. Điều trị từ 5 - 7 ngày.
  • Viêm não do HSV: Liều dùng bằng đường tiêm 10 mg/kg/lần, cách 8 giờ /lần. Điều trị trong 10 ngày.
  • Nhiễm VZV: Ở những người có hệ miễn dịch bình thường dùng 5 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần; Ở những người suy giảm miễn dịch dùng 10 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần.

Trẻ em:

Trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: Liều thường được tính theo diện tích của cơ thể. Một liệu trình thường kéo dài từ 5 - 10 ngày.

  • Nhiễm HSV (trừ trường hợp viêm não - màng não) và VZV ở trẻ có hệ miễn dịch bình thường: 250mg/m2, cách nhau 8 giờ/lần (tương đương khoảng 10 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần).
  • Viêm não - màng não HSV hoặc nhiễm VZV nặng ở những trẻ suy giảm miễn dịch: Dùng 500 mg/m2, cách 8 giờ/lần (khoảng 20 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần).

Trẻ sơ sinh cho tới 3 tháng tuổi:

  • Nhiễm HSV: 10 mg/kg/lần cách 8 giờ/lần. Điều trị trong 7 - 10 ngày.
  • Nhiễm HSV lan tỏa: 20 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần, cho trong 14 ngày. Nếu có tổn thương thần kinh, kéo dài tới 21 ngày.
  • Nhiễm VZV: Dùng với 20 mg/kg/lần, cách 8 giờ/lần. Điều trị ít nhất 7 ngày.

Đối tượng khác:

  • Người cao tuổi: Cần phải giảm liều ở những bệnh nhân lão khoa có suy thận nhẹ.
  • Suy thận: Liều dùng và số lần uống phải thay đổi tùy theo mức độ tổn thương thận.
  • Người béo phì: Liều tính theo cân nặng lý tưởng để tránh quá liều.
  • Ở phụ nữ mang thai nhiễm VZV: Tiêm với liều 15mg/kg/lần, cách nhau 8 giờ/lần.

3.3 Quá liều và quên liều Acymess

  • Quá liều: Triệu chứng quá liều ở những người bệnh suy thận khi dùng thuốc Acyclovir tiêm tĩnh mạch liều quá cao đã thấy ý thức thay đổi từ lú lẫn, ảo giác đến hôn mê. Tiến triển thường tốt sau khi ngừng thuốc và thẩm tách máu. Cách xử lý khi quá liều bệnh nhân cần được tiến hành thẩm phân máu cho đến khi chức năng thận phục hồi, ngừng dùng thuốc cho truyền nước và điện giải.
  • Quên liều: Thuốc tiêm được dùng tại cơ sở y tế nên có thể hạn chế quên liều.

4. Tác dụng phụ của Acymess

Khi dùng thuốc Acymess có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, ban đỏ đa dạng, phát ban, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Ít gặp: Thường do thuốc tiêm không may bị ra ngoài tĩnh mạch, gây viêm và hoại tử mô. Phản ứng thần kinh hoặc phản ứng về tâm thần như ngủ lịm, run, lú lẫn, ảo giác, cơn động kinh.
  • Hiếm gặp: Chán ăn, rối loạn tiêu hoá; Thiếu máu, gây giảm bạch cầu, viêm hạch bạch huyết, giảm số lượng tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu; hội chứng tán huyết; tăng ure máu, đôi khi có thể dẫn đến tử vong đã từng xảy ra ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch dùng với liều cao Acyclovir, đau đầu, chóng mặt, hành vi kích động; Phát ban, ngứa, mày đay, sốt, đau, men gan tăng, viêm gan, vàng da, đau nhức cơ, phù mạch, rụng tóc. Thuốc có thể gây ra kết tủa ở ống thận khi tiêm tĩnh mạch, dẫn đến suy thận cấp.
  • Không các định tần suất: Bất thường về chức năng thị giác, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Acymess

Trong quá trình sử dụng thuốc Acymess, người bệnh cần lưu ý:

  • Thận trọng khi dùng với những người suy thận, liều dùng phải điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin.
  • Tiêm truyền tĩnh mạch chậm, với thời gian ít nhất 1 giờ để tránh hiện tượng kết tủa Acyclovir trong thận. Tránh tiến hành tiêm nhanh hoặc tiêm với một lượng lớn, cần cho đủ nước để truyền trong thời gian 1 giờ.
  • Nguy cơ suy thận tăng lên, nếu như dùng đồng thời với các thuốc độc với thận. Cho nên thận trọng khi phối hợp, nếu cần phải phối hợp các thuốc này cần đánh giá chức năng thận.
  • Điều trị tiêm truyền tĩnh mạch với liều cao có thể gây ra tăng creatinin huyết thanh có khả năng hồi phục, đặc biệt với những người bệnh mất nước, dễ làm tăng kết tủa Acyclovir trong ống thận.
  • Tiêm tĩnh mạch thuốc Acyclovir cũng có thể gây các biểu hiện bệnh não. Phải thận trọng khi tiêm cho những người có bệnh về hệ thần kinh, bệnh lý về gan, thận, rối loạn điện giải, trạng thái thiếu oxy.
  • Phải thận trọng khi dùng cho người bệnh đã từng có phản ứng thần kinh khi dùng các thuốc độc cho tế bào hoặc đã tiêm methotrexate vào ống tủy hoặc interferon.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Thuốc Acyclovir dùng cho người mang thai khi lợi ích điều trị hơn hẳn rủi ro có thể xảy ra với bào thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Acyclovir được bài tiết qua sữa mẹ, tuy nhiên chưa có ghi nhận về tác dụng có hại cho trẻ bú mẹ khi mẹ đang dùng Acyclovir. Nên thận trọng khi dùng thuốc đối với người cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Tương tác của thuốc Acymess với các thuốc khác bao gồm:

  • Thuốc Probenecid làm tăng nửa đời trong huyết tương của Acyclovir, làm giảm thải trừ qua nước tiểu và độ thanh thải của Acyclovir.
  • Dùng đồng thời zidovudine và Acyclovir có thể gây ra trạng thái ngủ lịm và lơ mơ. Cần theo dõi sát nếu người bệnh phải phối hợp.
  • Interferon làm tăng tác dụng chống virus HSV-1 của acyclovir. Tuy nhiên những tương tác này trên lâm sàng vẫn chưa rõ.
  • Amphotericin B và Ketoconazol có tác dụng làm tăng hiệu lực chống virus của Acyclovir.
  • Dùng Acyclovir đường tiêm như Acymess phải hết sức thận trọng với những người bệnh đã dùng Methotrexat vào ống tủy sống.

Thuốc Acymess là một dạng kháng virus đường tiêm, Người bệnh cần được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Trong suốt quá trình dùng thuốc nếu bạn có triệu chứng bất thường cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

94 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan