Công dụng thuốc Acebis

Cefoperazon là một kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3 với phổ tác dụng rộng, đặc biệt khi kết hợp với Sulbactam. Sự kết hợp Cefoperazon/Sulbactam có trong thuốc Acebis. Vậy thuốc Acebis có tác dụng gì?

1. Thuốc Acebis có tác dụng gì?

Thuốc Acebis có thành phần bao gồm kháng sinh Cefoperazon (dưới dạng Cefoperazon natri) hàm lượng 1g và Sulbactam (dưới dạng Sulbactam natri) hàm lượng 1g.

Cefoperazon trong Acebis là một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3. Cefoperazon có tác dụng diệt khuẩn thông qua việc ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn đang phát triển và phân chia. Cefoperazon trong thuốc Acebis là kháng sinh dùng theo bằng đường tiêm với phổ kháng khuẩn tương tự Ceftazidime. Kháng sinh này có độ bền vững cao với các enzym beta-lactamase do hầu hết vi khuẩn gram âm tiết ra. Do đó, Cefoperazon có phổ tác dụng rộng với hoạt tính mạnh đối với nhiều chủng vi khuẩn gram âm, bao gồm Neisseria Gonorrhoeae tiết penicillinase, hầu hết các chủng Enterobacter, Citrobacter, Proteus, Morganella, Providencia, Salmonella, Shigella và Serratia.

Tuy nhiên, tác dụng chống Enterobacteriaceae của Cefoperazon lại yếu hơn các kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3 khác, nhưng lại hiệu quả với chủng vi khuẩn đã kháng với các beta-lactam khác.

Hoạt chất còn lại trong thuốc Acebis là Sulbactam, có cấu trúc hóa học tương tự beta-lactam nhưng hoạt tính kháng khuẩn rất yếu nên không thể dùng đơn độc trên lâm sàng. Khi liên kết với men beta-lactamase, Sulbactam có tác dụng làm mất hoạt tính của enzym này nên giúp bảo vệ các kháng sinh beta-lactam. Do đó Sulbactam khi dùng kết hợp với kháng sinh Cefoperazon sẽ giúp mở rộng phổ tác dụng của Acebis với các vi khuẩn bài tiết enzym beta-lactamase.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Acebis

Thuốc Acebis được chỉ định để điều trị các bệnh gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp (trên và dưới);
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, cả trên và dưới;
  • Nhiễm trùng ổ bụng, viêm túi mật và/hoặc đường mật;
  • Acebis còn được chỉ định trong nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não mủ;
  • Nhiễm trùng da và mô mềm;
  • Nhiễm trùng xương, khớp;
  • Nhiễm trùng khung chậu, viêm màng trong tử cung;
  • Lậu và các bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh dục khác.

Do phổ kháng khuẩn rộng nên thuốc Acebis có thể dùng riêng lẻ. Tuy nhiên, Acebis hoàn toàn có thể kết hợp với các thuốc kháng sinh khác khi có chỉ định, tuy nhiên khi dùng đồng thời với nhóm Aminoglycosid cần chú ý theo dõi chức năng thận trong suốt thời gian điều trị.

Chống chỉ định của thuốc Acebis:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Cefoperazon, các kháng sinh Cephalosporin hay các Penicillin khác;
  • Bệnh nhân dị ứng với Sulbactam và các thành phần khác có trong Acebis.

3. Liều dùng của thuốc Acebis

Sản phẩm Acebis có thể dùng theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch với liều lượng khuyến cáo như sau:

  • Người trưởng thành:
    • Nhiễm trùng mức độ nhẹ và trung bình: Liều khuyến cáo là 1-2g/lần (tính theo Cefoperazon) cách mỗi 12 giờ;
    • Nhiễm trùng nặng: Khuyến cáo dùng 2-4g Cefoperazone mỗi lần, cách mỗi 12 giờ;
  • Ở trẻ em: Liều khuyến cáo (tính theo Cefoperazone) là 25-100mg/kg cách mỗi 12 giờ;
  • Bệnh nhân có chức năng thận suy giảm không cần giảm liều thuốc Acebis;
  • Liều dùng của Acebis cho bệnh nhân suy gan hoặc tắc mật không được quá 4g Cefoperazon mỗi 24giờ.

Đã có một số báo cáo về các tác dụng không mong muốn xảy ra khi dùng quá liều Acebis. Nồng độ cao các kháng sinh beta-lactam trong dịch não tủy có thể dẫn đến triệu chứng bất thường trên hệ thần kinh (như động kinh), do đó nên theo dõi thận trọng. Trường hợp quá liều Acebis xảy ra do bệnh nhân suy thận, liệu pháp thẩm phân máu có thể loại bỏ Cefoperazon và Sulbactam ra khỏi cơ thể.

4. Tác dụng phụ của thuốc Acebis

Nhìn chung thuốc Acebis có khả năng dung nạp tốt và hầu hết các tác dụng phụ nếu xảy ra cũng ở mức độ nhẹ và trung bình.

  • Hệ tiêu hóa: Tương tự các kháng sinh khác, các tác dụng phụ xảy ra trên hệ tiêu hóa của Acebis bao gồm tiêu chảy (3.9%), buồn nôn và nôn ói (0.6%);
  • Tác dụng phụ trên da: Acebis cũng giống các kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin có thể gây dị ứng da với biểu hiện ban đỏ (0.6%) và nổi mày đay (0.8%);
  • Hệ tạo máu: Thuốc Acebis dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến mất bạch cầu có hồi phục, test Coomb dương tính ở vài trường hợp, giảm Hemoglobin và hồng cầu, giảm thoáng qua bạch cầu ưa acid, tiểu cầu và giảm thời gian prothrombin máu.

5. Tương tác thuốc của Acebis

  • Uống rượu hoặc các chế phẩm chứa cồn gây ức chế Aldehyde dehydrogenase, dẫn đến hiện tượng tích lũy Acebis trong máu và gây phản ứng giống Disulfiram với những biểu hiện đặc trưng như cơn nóng bừng, vã mồ hôi, đau đầu, nhịp tim nhanh... Tình trạng trên đã được báo cáo khi uống rượu trong quá trình điều trị hoặc sau 5 ngày dùng thuốc Acebis.
  • Đồng thời phản ứng tương tự cũng xảy ra khi dùng các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác, do đó nên thận trọng ở bệnh nhân sử dụng rượu bia hay các sản phẩm có chứa cồn.
  • Kháng sinh nhóm Aminoglycosid: Không nên trộn lẫn thuốc Acebis với các kháng sinh Aminoglycosid với nhau do có thể làm giảm hoạt tính của thuốc vì tồn tại tương kỵ về mặt vật lý. Khi dùng kết hợp Acebis với các Aminoglycosid, người bệnh cần được tiêm truyền thuốc gián đoạn và phải tráng rửa dây truyền dịch giữa hai lần dùng thuốc hoặc dùng thuốc Acebis cách xa thời gian dùng Aminoglycosides.
  • Lidocain: Không nên tạo dung dịch hoàn nguyên lúc đầu với dung dịch 2% Lidocain HCl vì hỗn dịch này tương kỵ nhau. Nước cất vô trùng được dùng để tạo dung dịch hoàn nguyên lúc đầu của Acebis, sau đó mới pha loãng với Lidocain 2% để tạo dung dịch tương hợp nhau.
  • Cẩn thận khi kết hợp Acebis với các thuốc kháng đông, thuốc ly giải huyết khối hoặc các thuốc kháng viêm không steroid do làm tăng nguy cơ gây chảy máu.
  • Không nên trộn lẫn thuốc Acebis với Doxycyclin, Meclofenoxat, Ajmaline, Diphenhydramine, Kali Magnesium aspartate để tránh tạo kết tủa. Khi trộn lẫn Acebis với Hydroxylin Dihydroclorid, Procainamide, Aminophylin, Proclorperazin, Cytochrome C, Pentazocin, Aprotinin sau 6 giờ có sự thay đổi tính chất của thuốc.
  • Acebis có thể gây dương tính giả xét nghiệm glucose trong nước tiểu với dung dịch Benedict hoặc Fehling. Đồng thời tình trạng dương tính với các xét nghiệm kháng globulin (Coomb) đã báo cáo, đặc biệt ở trẻ sơ sinh mà người mẹ dùng thuốc lúc sắp sinh. Đôi khi Acebis làm tăng ALP, AST, ALT, BUN huyết thanh và creatinin huyết thanh của người bệnh.

6. Một số thận trọng khi dùng thuốc Acebis

  • Thận trọng khi dùng thuốc Acebis cho bệnh nhân dị ứng với penicillin.
  • Viêm đại tràng giả mạc đã được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng Cefoperazon và các kháng sinh phổ kháng khuẩn rộng khác, do đó nên thận trọng ở bệnh nhân dùng Acebis.
  • Phản ứng giống disulfiram đã được báo các ở bệnh nhân uống rượu trong vòng 72 tiếng sau khi dùng Cefoperazon, do đó bác sĩ cần khuyên bệnh nhân không uống rượu trong thời gian dùng thuốc Acebis.
  • Cefoperazon và Sulbactam có thể qua được hàng rào nhau thai. Tuy nhiên chưa có đủ các nghiên cứu có kiểm soát tốt khi dùng Acebis ở bệnh nhân mang thai. Do các nghiên cứu trên hệ sinh sản của động vật không thể tiên đoán trên người, do đó chỉ nên dùng thuốc Acebis cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
  • Chỉ một lượng nhỏ Cefoperazon và Sulbactam được tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi sử dụng Acebis trong thời gian đang cho con bú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

98 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan