Công dụng của thuốc Zelapar

Thuốc Zelapar thường được dùng phối hợp với thuốc Levodopa/ Carbidopa để điều trị các rối loạn vận động do bệnh Parkinson. Dù không chữa khỏi bệnh Parkinson nhưng thuốc Zelapar có thể cải thiện các triệu chứng run, cứng cơ, mở rộng phạm vi chuyển động và khả năng đi lại, thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh.

1. Thuốc Zelapar là thuốc gì?

Thuốc Zelapar có thành phần chính là Selegiline, hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn sự phân hủy của Dopamine, một chất hóa học có trong não bộ. Chính nồng độ thấp của dopamine có liên quan đến bệnh Parkinson.

Thuốc Zelapar thường được dùng phối hợp với 2 thuốc điều trị bệnh Parkinson là: Carbidopa và Levodopa. Hoạt động bằng cách hỗ trợ 2 thuốc trên hoạt động hiệu quả hơn, chống lại bệnh Parkinson trong một thời gian dài hơn.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Zelapar

Thuốc Zelapar thường được hấp thụ qua niêm mạc miệng. Người dùng rửa sạch tay, đặt viên thuốc trên đầu lưỡi, để thuốc từ từ tan ra. Dùng thuốc 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ (Uống thuốc này vào cuối ngày có thể gây khó ngủ).

Lưu ý:

  • Không được nhai, nghiền nát và cũng không được nuốt toàn bộ viên thuốc. Chỉ được đợi viên thuốc tan từ từ trong khoang miệng;
  • Để tránh vô tình nuốt phải thuốc, tránh ăn hoặc uống ít nhất 5 phút trước hoặc sau khi dùng sản phẩm này;
  • Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn giảm liều Levodopa nếu gặp nhiều tác dụng phụ hơn khi sử dụng Selegiline. Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chặt chẽ, không tự ý ngừng hoặc thay đổi liều dùng của bất kỳ loại thuốc nào mà không tham khảo trước ý kiến bác sĩ;
  • Nếu bạn đang dùng Zelapar hoặc 14 ngày kể từ khi ngừng thuốc, để tránh bị tăng huyết áp đến ngưỡng nguy hiểm (có thể đe dọa tính mạng) bạn không nên ăn các sản phẩm có nhiều Tyramine. Cụ thể:
    • Thịt sấy khô, thịt hun khói, thịt lên men (bao gồm các loại xúc xích, thịt chua...);
    • Bất kỳ thịt bò, thịt gia cầm, cá hoặc gan bị hư hỏng tự nhiên hoặc do bảo quản không đúng cách;
    • Bia chưa tiệt trùng;
    • Các loại pho mát lâu năm (ví dụ: pho mát xanh, Cheddar, Parmesan, Romano, pho mát Thụy Sĩ...);
    • Dưa cải muối chua, đậu nành, nước tương, đậu phụ....;
    • Các loại thuốc bổ sung không kê đơn, thuốc ho, thuốc cảm lạnh có chứa Tyramine.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zelapar

Trong một số trường hợp, thuốc Zelapar có thể gây ra một số vấn đề thường gặp như:

  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn, đau đầu;
  • Đau dạ dày, táo bón;
  • Phát ban da hoặc có kích ứng trên da;
  • Có các vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ);
  • Lở miệng, loét miệng, đau khi nuốt.

Nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu thấy có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào như:

  • Ngất xỉu;
  • Mất thăng bằng;
  • Thay đổi tâm thần/tâm trạng (kích động, lú lẫn, ảo giác, trầm cảm);
  • Có những thôi thúc mạnh mẽ bất thường (Tăng cờ bạc, ham muốn tình dục);
  • Tình trạng cứng, co giật cơ nghiêm trọng hơn;
  • Tăng chứng run, chuyển động cơ mất kiểm soát;
  • Sưng mắt cá chân, chân;
  • Đi tiểu khó;
  • Tăng cân bất thường;
  • Dễ chảy máu, bầm tím;
  • Đi ngoài phân đen (màu hắc ín);
  • Chất nôn giống như bã cà phê.

Một số lưu ý quan trọng khác:

  • Thuốc Zelapar có thể làm tăng serotonin và trong trường hợp hiếm có thể gây ra một tình trạng rất nghiêm trọng là hội chứng serotonin. Nguy cơ tăng lên nếu bạn cũng đang dùng các loại thuốc khác có công dụng làm tăng serotonin. Do vậy, hãy nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng và lưu ý đặc biệt khi xuất hiện những triệu chứng sau: Ảo giác, bồn chồn bất thường, mất phối hợp, chóng mặt nghiêm trọng, nhịp tim nhanh, sốt không rõ nguyên nhân, buồn nôn và nôn, tiêu chảy nghiêm trọng, co giật cơ;
  • Trong trường hợp hiếm khác, thuốc Zelapar cũng có thể gây ra cơn tăng huyết áp nghiêm trọng (Khủng hoảng tăng huyết áp), có thể gây tử vong. Một số tương tác thuốc và dùng thực phẩm không theo quy định có thể làm tăng nguy cơ này. Liên hệ cấp cứu ngay lập tức nếu thấy các dấu hiệu hư: Nhức đầu thường xuyên, nhịp tim nhanh (hoặc chậm) bất thường, đau ngực, cứng cổ, đau nhức, buồn nôn và nôn, đổ mồ hôi (đôi khi kèm theo sốt), đồng tử mở rộng, thay đổi thị lực (song thị, nhìn mờ), nhạy cảm đột ngột với ánh sáng (sợ ánh sáng);
  • Một số người dùng Selegiline đã báo lại cảm giác đột ngột buồn ngủ khi đang thực hiện các hoạt động thường ngày (ví dụ: lái xe, nói chuyện điện thoại). Để đảm bảo an toàn, không lái xe hoặc tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ trong thời gian dùng thuốc. Nguy cơ ảnh hưởng đến giấc ngủ tăng lên khi bạn dùng thuốc Zelapar với rượu hoặc các loại thuốc cũng có tác dụng gây ngủ khác.

4. Chống chỉ định dùng thuốc Zelapar

Không nên dùng thuốc Zelapar cho các đối tượng sau:

  • Người bị dị ứng với Selegiline và các thành phần khác của thuốc;
  • Người đã dùng thuốc Fluoxetine (Prozac, Sarafem và những loại khác) trong 5 tuần qua.

Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc nguy hiểm khi dùng đồng thời với Zelapar. Bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi kế hoạch điều trị của bạn nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào dưới đây:

  • Thuốc ho có chứa Dextromethorphan;
  • Thuốc Cyclobenzaprine (Flexeril);
  • Thuốc Meperidine (Demerol) hoặc thuốc giảm đau gây mê Opioid khác;
  • Thuốc Methadone;
  • St. John's wort;
  • Thuốc Tramadol (Ultram, Ultracet);
  • Thuốc chống trầm cảm (Citalopram, Escitalopram, Desvenlafaxine, Duloxetine, Fluvoxamine, Levomilnacipran, Nefazodone, Milnacipran, Mirtazapine, Paroxetine, Vortioxetine, Venlafaxine, Vilazodone và một số loại khác);
  • Chất ức chế MAO (Isocarboxazid, Linezolid, Xanh methylen, Phenelzine, Rasagiline, Selegiline, Tranylcypromine và một số thuốc khác);

Sau khi ngừng dùng thuốc Zelapar, bạn phải đợi ít nhất 14 ngày trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào liệt kê ở trên.

Để đảm bảo thuốc Zelapar an toàn cho bạn, hãy chủ động cho bác sĩ biết nếu bạn có:

  • Bệnh lý gan hoặc thận;
  • Huyết áp cao;
  • Phenylceton niệu (viên nén Zelapar có thể chứa phenylalanine).

Bệnh nhân Parkinson có thể có nguy cơ cao bị ung thư da (u ác tính), nên trao đổi với bác sĩ xem bạn có cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán định kỳ không.

Hiện vẫn chưa rõ thuốc Zelapar có gây hại cho thai nhi hay trẻ đang bú mẹ hay không. Do vậy thai phụ và phụ nữ đang cho con bú nên trao đổi và hỏi ý kiến bác sĩ về định hướng dùng thuốc.

Tốt nhất trước khi dùng thuốc Zelapar, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn và thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn để có kết quả điều trị hiệu quả nhất.

142 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan