Công dụng của thuốc Caper

Cây thuốc Caper là một loài cây thuộc họ Bạch hoa mang lại nhiều công dụng khác nhau cho sức khỏe. Vậy cây thuốc Caper là gì và có công dụng như thế nào?

1. Cây thuốc Caper là gì?

Cây thuốc Caper là gì? Cây thuốc Caper có tên khoa học là Capparis spinosa L, thuộc họ Capparaceae (bạch hoa). Đây là một loài cây bụi 2 lá mầm sống lâu năm, được tìm thấy ở khắp các quốc gia Địa Trung Hải của châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Khí hậu ưa thích của cây thuốc Caper là nóng khô với ánh nắng mặt trời gay gắt. Loài cây này được sử dụng để chống xói mòn, vì rễ mọc sâu đến 3m trong lòng đất, đồng thời do chịu được mặn nên cây thuốc Caper phát triển dễ dàng dọc theo các bờ biển trong các khu vực ngập mặn.

Từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 9, cây thuốc Caper có thể phát triển với chiều cao 1-1.5m, tán rộng 2-3m, những nụ hoa trắng có chiều ngang lên đến 7.6cm. Nếu không thu hoạch, nụ của cây thuốc Caper sẽ ra hoa và tạo ra một quả mọng tròn (caperberry).

Cây thuốc Caper có một lịch sử lâu đời khi được sử dụng như một loại gia vị dùng trong ẩm thực và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Các phát hiện khảo cổ học ở Trung Quốc cho thấy Caper đã được người dân sử dụng làm thuốc.

Ở Hy Lạp cổ đại, cây thuốc Caper được sử dụng như một chất có công dụng giảm đầy hơi, trong khi các ghi chép của hệ thống y học Hindu cho thấy cây thuốc Caper được sử dụng để cải thiện chức năng gan. Ngoài ra, cây thuốc Caper cũng đã được sử dụng với các mục đích khác như trị bệnh xơ cứng động mạch, lợi tiểu, khử trùng thận, tẩy giun và làm thuốc bổ.

Những nụ hoa chưa nở của cây thuốc Caper được thu hái bằng tay, sau đó đem đi ngâm để tạo ra vị cay nồng đặc trưng. Lá non của cây thuốc Caper cũng được sử dụng như một loại rau hoặc chế biến thành món salad hoặc các món chế biến với cá. Quả Caper được sử dụng để chế biến nước sốt hoặc ngâm chua.

Hương vị đặc trưng của cây thuốc Caper đến thành phần Methyl isothiocyanate. Hạt của cây thuốc Caper theo truyền thống được sử dụng để ngâm rượu và chữa đau răng, trong khi dịch chiết xuất từ vỏ rễ được sử dụng để chữa ho, hen suyễn, viêm khớp, gút, cổ chướng, tê liệt, thiếu máu, rối loạn chức năng lách và da. Rễ cây thuốc Caper được đốt cháy và phần tro sẽ được sử dụng như một loại muối.

2. Thành phần hóa học của thuốc Capers

Chiết xuất của toàn cây thuốc Caper phơi khô có chứa Flavonoid rutin, Kaempferol-3-glucoside, Kaempferol-3-rutinoside và Kaempferol-3-rhamnoside. Các thành phần khác bao gồm Quercetin 3-O-glucoside, Quercetin 3-O-glucoside-7-O-rhamnoside, Quercetin 3-O-(6-alpha-L-rhamnosyl-6-beta-D-glucosyl)-beta-D-glucoside và 2 bán phần 6-S-hydroxy-3-oxo-alpha-ionol glucoside.

Một bài báo báo cáo về hoạt động chống viêm của polyprenol cappa-prenol-13.

Các hợp chất được xác định có trong cây thuốc Caper bao gồm Axit ursolic, axit coumaric, nicotinamide, sitosterol, cadabicine và stachydrine.

Quả trưởng thành của cây thuốc Caper chứa một indole acetonitrile và các glucoside khác nhau. Dầu hạt chứa các axit béo linoleic và axit oleic, sterol và tocopherol.

3. Cây thuốc Caper công dụng là gì?

Kháng khuẩn: Butanolic chiết xuất từ cây thuốc Caper có tác dụng chống lại vi khuẩn cao hơn so với các chất chiết xuất khác trên các thí nghiệm in vitro. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực tế trên lâm sàng không được thực hiện và cũng không có sự so sánh giữa cây thuốc Caper với các chất kháng khuẩn đã được xác định.

Chất chống oxy hóa: Chiết xuất methanol của nụ hoa cây thuốc Caper đã được đánh giá về tác dụng chống oxy hóa. Sự ức chế quá trình oxy hóa lipid đã được chứng minh trong thí nghiệm. Cơ chế của tác dụng này là do sự tương tác hỗ trợ giữa các thành phần hóa học Tocopherol, Flavonoid và Isothiocyanate.

Bảo vệ gan: p-Methoxy-benzoic acid từ chiết xuất cây thuốc Caper có khả năng bảo vệ chống gan khỏi các tác nhân gây độc trên thí nghiệm ở chuột. Tương tự, một thử nghiệm lâm sàng điều tra hiệu quả của một chế phẩm hỗn hợp chứa chiết xuất cây thuốc Caper kết hợp với các chất chiết xuất khác cho thấy sự cải thiện kết quả xét nghiệm chức năng gan.

Hạ đường huyết: Các thí nghiệm trên chuột mắc bệnh đái đường cho kết quả cây thuốc Caper mang lại tác dụng hạ đường huyết. Một thực nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược ở 60 người lớn (Iran) đã nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của chiết xuất từ ​​quả cây thuốc Caper (trung bình 1.200mg/ngày, tương đương với 5g/ngày quả bạch hoa). Những người tham gia là bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã ổn định trong 2 tháng với chế độ dinh dưỡng và thuốc điều trị phù hợp trước khi bắt đầu nghiên cứu. Sau 2 tháng điều trị, người sử dụng chiết xuất cây thuốc Caper cho thấy có sự cải thiện đáng kể về chỉ số đường huyết lúc đói

Hạ lipid máu: Ở chuột bình thường và mắc bệnh đái tháo đường được cho dùng chiết xuất từ quả cây thuốc Caper trong thời gian 2 tuần, cho kết quả giảm nồng độ cholesterol và triglycerid trong huyết tương.

Miễn dịch: Dung dịch methanol 2% chiết xuất từ cây thuốc Caper trong gel rửa tay có khả năng ức chế ban đỏ do histamin gây ra. Tác dụng bảo vệ tế bào chondrocyte của cây thuốc Caper đã được thể hiện trong thí nghiệm và có thể là do kích hoạt phản ứng miễn dịch.

4. Tác dụng phụ của cây thuốc Caper

Việc đắp gạc ướt ngâm trong nước có chứa nụ cây thuốc Caper có liên quan đến sự phát triển của bệnh viêm da tiếp xúc.

Dị ứng với quả và nụ cây thuốc Caper đã được xác nhận bằng các xét nghiệm chích da ở một người đàn ông 22 tuổi sau khi anh ta đến khoa cấp cứu với tình trạng phù mạch ở mặt và tay, nổi mẩn đỏ và áp xe.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu được cơ bản về thành phần, cũng như công dụng của cây thuốc này. Tuy nhiên, việc sử dụng ở thời điểm hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh cụ thể. Do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Không tự ý sử dụng, điều chế để tránh nguy cơ tác dụng phụ, ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: drugs.com, holevn.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

499 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan