Chỉ định dùng thuốc giải độc chì

Ngộ độc chì là 1 trong những tình trạng nhiễm kim loại nặng xảy ra khá phổ biến. Ngộ độc chì không chỉ gây ảnh hưởng sức khoẻ mà có nguy cơ đe doạ tính mạng của người bệnh. Ngộ độc chì có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc giải độc chì nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

1. Ngộ độc chì

Ngộ độc chì là tình trạng xảy ra do cơ thể bị tích tụ quá nhiều chì gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hiện tượng ngộ độc chì thường kéo dài trong vài tháng đến vài năm. Ngộ độc chì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ em.

Hiện nay, có 1 vấn đề khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đó là nhiễm độc chì do lạm dụng mỹ phẩm. Chì trong mỹ phẩm có tác dụng làm tăng độ bám của sản phẩm lên da, đồng thời làm mịn da hơn khi dùng. Do đó nhiều hãng mỹ phẩm đã cho chì vào mỹ phẩm để làm tăng hiệu quả sử dụng đồng thời để lấy niềm tin của khách hàng về sản phẩm. Việc sử dụng lâu dài các mỹ phẩm này khiến lượng chì dần dần tích tụ trong cơ thể, vượt quá liều lượng cho phép sẽ dẫn đến ngộ độc.

Triệu chứng của ngộ độc chì ở mỗi lứa tuổi đều có những đặc điểm khác nhau. Cụ thể:

Với trẻ sơ sinh:

Nhiễm độc chì ở trẻ sơ sinh chủ yếu do trẻ có yếu tố tiếp xúc với chì trước khi chào đời dẫn đến tình trạng:

  • Sinh non, trẻ thiếu tháng.
  • Khi sinh ra bị nhẹ cân.
  • Quá trình phát triển và tốc độ tăng trưởng bị chậm hơn so với những trẻ cùng độ tuổi.

Với trẻ em, những dấu hiệu nhiễm độc chì có thể gặp như:

  • Trẻ hay cáu gắt, lờ đờ, ăn uống kém, cảm giác không ngon miệng, bị sụt cân.
  • Buồn nôn, nôn kèm theo đau bụng, táo bón.
  • Trẻ tăng trưởng chậm hơn bình thường, đôi khi hay bị gặp khó khăn trong vấn đề học tập.
  • Mất hay giảm thính lực, co giật.
  • Có thể bị hội chứng Pica gây thèm ăn kim loại, đất đá...

Nhiễm kim loại nặng (chì) ở người lớn:

  • Tăng huyết áp, giảm khả năng tập trung.
  • Đau đầu, đau cơ và khớp.
  • Một số bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm xúc.
  • Đặc biệt, ở người lớn, nhiễm độc chì có thể gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động sinh dục của cả 2 giới. Bệnh làm giảm số lượng tinh trùng ở nam, tăng tỉ lệ tinh trùng dị dạng. Đối với nữ giới, ngộ độc chì là một trong những nguyên nhân gây sảy thai, thai chết lưu hay sinh non.

2. Thuốc giải độc chì

Ngộ độc chì là một trong những tình trạng nhiễm kim loại nặng gây nguy hiểm cho sức khoẻ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Trong điều trị nhiễm độc chì, điều quan trọng đầu tiên cần phải làm là tìm ra nguồn nhiễm và loại bỏ nguồn nhiễm kim loại nặng càng sớm càng tốt.

Tuỳ theo mức độ nhiễm kim loại nặng và chỉ số nồng độ chì trong máu mà lựa chọn phương pháp điều trị có hay không sử dụng thuốc giải nhiễm độc chì.

Nếu nồng độ chì trong máu thấp, chỉ cần lưu ý tránh tiếp xúc với chì, bệnh sẽ ổn định.

Với trường hợp nhiễm độc chì nặng, cần chỉ định thuốc giải độc chì để nhanh chóng phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân.

Một số liệu pháp giúp giải độc chì:

Liệu pháp chelation:

  • Đây là phương pháp sử dụng thuốc uống để tăng đào thải chì qua nước tiểu.
  • Liệu pháp được chỉ định cho những bệnh nhân bị ngộ độc chì, trẻ em có chỉ số chì trong máu trên 45 mcg/dL.

Liệu pháp chelation EDTA:

  • Chỉ định với bệnh nhân ngộ độc chì, thuỷ ngân mà không đáp ứng liệu pháp chelation thông thường.
  • Trong liệu pháp này, bác sĩ sẽ tiêm vào tĩnh mạch cho bệnh nhân một hoạt chất có tên là EDTA (Ethylenediaminetetraacetic acid). Khi vào cơ thể, EDTA sẽ tìm rồi liên kết với các khoáng chất trong cơ thể tạo thành một phức hợp đào thải ra bên ngoài qua đường nước tiểu. Từ đó giúp loại bỏ độc tố, kim loại nặng ra khỏi cơ thể. EDTA không chỉ giúp làm giảm lượng kim loại độc hại cho cơ thể, loại bỏ canxi thừa mà còn làm chậm quá trình xơ vữa động mạch giảm nguy cơ tắc mạch.

Một số thuốc giải độc nhiễm chì khác:

Dinatri calci edetat:

  • Thuốc giải độc chì dạng tiêm, có cả dạng kem bôi ngoài da nồng độ 10%.
  • Khi tiêm vào cơ thể, thuốc tạo phức hợp với chì rồi đào thải qua nước tiểu. Từ đó làm giảm nồng độ chì trong máu, đồng thời có khả năng làm bất hoạt hoạt tính ion của chì, khiến chì mất hoàn toàn độc tính.
  • Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tiêm 1g thuốc vào tĩnh mạch sẽ đào thải được 3 đến 5mg chì. Bệnh nhân hết đau bụng sau 2 giờ điều trị.
  • Chỉ định dùng thuốc với các trường hợp nhiễm chì.
  • Chống chỉ định trên bệnh nhân mắc bệnh thận, tiểu ít, khó tiểu và người bị viêm gan.

Dimercaprol:

  • Là thuốc hỗ trợ dinatri calci edetat trong giải độc chì. Thuốc cần được sử dụng càng sớm càng tốt.
  • Cơ chế giải độc dựa trên tác dụng tạo phức hợp với chì, giải phóng nhóm SH rồi đào thải qua đường nước tiểu.
  • Chỉ định thuốc cho những bệnh nhân bị ngộ độc chì, thuỷ ngân, vàng và asen.
  • Chống chỉ định: Bệnh nhân bị suy gan, thiếu hụt men gluco-6-phosphat dehydrogen.

Penicilamin:

  • Penicilamin cũng là thuốc giải độc chì thông qua cơ chế tạo phức hợp hoà tan với chì rồi đào thải qua nước tiểu dưới dạng disulfit.
  • Thuốc hấp thụ tốt ở đường tiêu hoá nên hay dùng dạng uống. Thời điểm tốt nhất là uống thuốc khi đói.
  • Chỉ định điều trị ngộ độc chì.
  • Chống chỉ định với phụ nữ có thai, người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc và bệnh nhân lupus ban đỏ.

Nói chung, không nên xem nhẹ ngộ độc chì vì ngộ độc chì cũng có thể là một nguyên nhân gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách, đúng thời điểm. Thuốc giải độc chì cũng có nhiều loại khác nhau, trên đây là đề cập đến một số loại thuốc được sử dụng phổ biến. Hãy liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên khoa nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm kim loại nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan