Các thuốc kháng histamin H1 thường dùng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Các thuốc kháng histamin H1 có tác dụng làm giảm các trạng thái phát ban, mề đay, dị ứng mũi. Ngoài ra, một số thuốc còn có tác dụng chống say tàu xe do có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, an thần nhẹ, làm giảm các rối loạn tiền đình, chóng mặt và buồn nôn.

1. Thuốc kháng histamin là gì?

Histamin là một trong những chất trung gian trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng. Histamin được tìm thấy ở các mô trong cơ thể nhưng sự phân bố của nó không đồng đều. Histamin được dự trữ nhiều nhất trong các tế bào mast ở các mô và trong các hạt bài tiết của tế bào ưa kiềm. Do vậy, histamin có chủ yếu ở các mô phổi, ruột, da là nơi tế bào mast xuất hiện tương đối nhiều.

Thuốc kháng histamin gắn với các thụ thể histamin trên bề mặt tế bào. Có 4 loại thụ thể histamin trong cơ thể (H1 -H4 ) trong đó H1 và H2 xuất hiện phổ biến nhất. Thụ thể histamin H1 có mặt ở nhiều loại tế bào, bao gồm tế bào cơ trơn trên đường hô hấp và mạch máu, tế bào nội mô, tế bào biểu mô, bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính. Mặc dù các thụ thể này gắn với histamin, các thụ thể này cũng có thể hình thành tín hiệu mà không cần histamin liên kết với bề mặt tế bào. Có sự cân bằng giữa dạng hoạt động và dạng không hoạt động của thụ thể này. Sự có mặt của histamin giúp ổn định dạng hoạt động của thụ thể, trong khi thuốc kháng histamin làm ổn định dạng không hoạt động của thụ thể. Từ đó, có thể thấy các thuốc kháng histamin H1 hoạt động như chất chủ vận ngược. Loratadin được chuyển hóa ở gan, trong khi cetirizin, desloratadin và fexofenadin phần lớn không được chuyển hóa. Cetirizin được thải trừ qua nước tiểu và fexofenadin được bài tiết qua phân. Nên cân nhắc giảm liều thuốc ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan hoặc thận nặng.

Dị ứng
Thuốc kháng histamin sử dụng trong điều trị dị ứng

2. Các thuốc kháng histamin H1

Các thuốc kháng histamin H1 đóng vai trò là đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, histamin không gắn được với thụ thể nên không có tác dụng trên tế bào.

Thuốc kháng histamin H1 có khả năng phân bố khắp các tổ chức của cơ thể kể cả hệ thần kinh trung ương, gây ức chế hệ thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị, làm chậm chạp, mơ màng, giảm sự tỉnh táo.

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 cũng có tác dụng kháng cholinergic ngay ở liều điều trị nên được dùng tốt để chống nôn, chống say tàu xe, nhưng lại gây khô miệng, họng và mũi.

  • Các nhóm thuốc kháng histamine H1
  • Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1

Gồm 5 nhóm:

(1) Ethanolamin: Diphenhydramin; Doxylamin; Dimenhydrinat.

(2) Ethylendiamin: Mepramin; Methapyrilen; Tripelenamin; Thonzylamin.

(3) Alkylamin: Chlopheniramin; Phenyramin; Tolpropamin.

(4) Piperazin: Buclizin; Cyclizin; Oxatomid; Cinarizin.

(5) Phenothiazin: Promethazin; Propiomazin; Dimethothiazin...

Thuốc kháng Histamine H1 thế hệ thứ nhất được phát triển hơn 70 năm trước và hiện vẫn đang được sử dụng rộng rãi. Chúng hoạt động trên các thụ thể Histamine trong não và tủy sống và trong phần còn lại của cơ thể (được gọi là ngoại vi). Chúng cũng tác động lên các thụ thể Muscarinic, Alpha-adrenergic và Serotonin. Điều này có nghĩa chúng có nhiều khả năng gây ra các tác dụng phụ như an thần, khô miệng, chóng mặt, huyết áp thấp và nhịp tim nhanh. Chúng cũng có nhiều khả năng làm giảm khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc hơn so với thế hệ thứ 2. Cùng đó khả năng tương tác với các thuốc khác cao hơn thế hệ 2.

  • Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2

Gồm 3 nhóm:

(1) Alkylamin: Acryvastin.

(2) Piperazin: Cetirizin.

(3) Piperidin: Astemizol, Loratadin.

Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai được phát triển vào những năm 1980 và ít có tác dụng an thần hơn thế hệ đầu tiên. Chúng hoạt động trên các thụ thể H1 ở ngoại vi và không có khả năng thâm nhập vào não, do đó ít có khả năng gây tác dụng phụ hoặc tương tác với thuốc. Hầu hết các thuốc kháng Histamin thế hệ thứ hai không gây buồn ngủ, mặc dù một số (như Cetirizine và Fexofenadine) có nhiều khả năng gây buồn ngủ ở liều cao.

cetirizine
Thuốc kháng histamin H1: Cetirizine

3. Ứng dụng thuốc kháng histamin H1 trong điều trị

3.1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm mũi có nguyên nhân do giải phóng histamin và các chất trung gian khác từ hiện tượng giải phóng hạt của tế bào mast qua trung gian IgE ở mũi. Có thể sử dụng thuốc để điều trị tình trạng này, trong đó các thuốc kháng histamin đường uống là một trong những lựa chọn điều trị chính. Các thuốc này đặc biệt hữu ích trong trường hợp ngứa mũi, hắt hơi và chảy nước mũi, nhưng có hiệu quả thấp hơn đối với nghẹt mũi.

3.2. Viêm kết mạc dị ứng

Tương tự viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng là một loại dị ứng qua trung gian IgE. Bệnh lý này có thể xuất hiện theo mùa do phấn hoa hoặc quanh năm do dị nguyên có mặt trong năm. Viêm kết mạc dị ứng theo mùa điển hình có thể xuất hiện cùng với viêm mũi dị ứng, vì vậy ngăn ngừa tiếp xúc với dị nguyên là bước đầu tiên trong quản lý bệnh. Thuốc kháng histamin đường uống có thể được sử dụng trong viêm kết mạc dị ứng.

3.3. Phản ứng dị ứng cấp tính

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ mới là lựa chọn điều trị chính cho các phản ứng dị ứng mức độ từ nhẹ đến trung bình do tăng giải phóng hạt của tế bào mast đặc thù do tiếp xúc với dị nguyên. Bệnh nhân dị ứng thức ăn nên mang theo thuốc kháng histamin H1 ít có tác dụng an thần để kiểm soát tình trạng dị ứng của mình. Nên tránh sử dụng thuốc kháng histamin có tác dụng an thần, đặc biệt bởi tác dụng an thần của các thuốc này có thể che giấu sự chuyển biến xấu của ý thức bệnh nhân do phản ứng dị ứng nền, là dấu hiệu khởi phát của phản vệ và cần cấp cứu bằng adrenalin

3.4. Cảm lạnh và cúm

Thuốc kháng histamin không có vai trò trong điều trị cảm lạnh và các triệu chứng cúm.

3.5. Phòng ngừa say tàu xe

Cyclizin là thuốc kháng histamin có tác dụng an thần chủ yếu được sử dụng để phòng ngừa say tàu xe. Các thuốc kháng histamin có tác dụng an thần khác như promethazin cũng có thể được dùng để điều trị buồn nôn và nôn do say tàu xe.

Khi sử dụng thuốc kháng histamine H1, cần thiết phải lưu ý các đối tượng cần cân nhắc để lựa chọn thế hệ thuốc phù hợp như Hen suyễn, COPD, phụ nữ có thai,cho con bú ... chức năng gan, thận, các tương tác thuốc để đảm bảo thuốc hiệu quả và không gây các tác động ngoại ý trên bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

329.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan