Các thuốc đặc biệt nên uống lúc đói

Do có nguy cơ tương tác thuốc giữa thực phẩm với thuốc nên nhiều loại thuốc được bác sĩ chỉ định chỉ sử dụng lúc đói. Vậy có những loại thuốc uống lúc đói nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng các loại thuốc đặc biệt này?

1. Tình trạng tương tác giữa thuốc và thức ăn là gì?

Từ lâu, các bác sĩ khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân thường lựa chọn thời điểm dùng thuốc thích hợp dựa vào các bữa ăn. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc ngay trong bữa ăn, gần hoặc xa bữa ăn tùy theo sự tương tác thuốc và thức ăn, đồ uống.

Thực phẩm nếu dùng chung với thuốc có thể làm thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc. Do đó, nó làm thay đổi tác dụng, độc tính đối với thuốc. Tức là nếu dùng thuốc không đúng lúc thì có thể gây ra một số tương tác thuốc bất lợi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại thuốc không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm, muốn uống lúc nào cũng được.

Cụ thể, thức ăn và đồ uống có thể làm thay đổi mức độ hấp thu của thuốc, dẫn tới tác dụng nhanh hoặc chậm. Với một số loại thuốc uống lúc đói thì thời gian lưu thuốc tại dạ dày chỉ trong vài chục phút rồi được tống xuống ruột, giúp thuốc được hấp thu khá nhanh. Trái lại, với các thuốc được ngay sau bữa ăn thì thời gian lưu thuốc tại dạ dày sẽ lâu hơn, thường vào khoảng 1 - 4 giờ. Thuốc sẽ được hấp thu chậm hơn, cho tác dụng chậm hơn.

2. Một số loại thuốc đặc biệt nên uống vào lúc đói

Việc bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về thời điểm uống thuốc là vô cùng cần thiết. Đa phần những trường hợp thức ăn làm tăng hấp thu thuốc đều sẽ được tận dụng để tăng nồng độ của thuốc trong máu. Với những loại thuốc có nồng độ trong máu quá cao có thể gây độc thì nên tránh dùng vào bữa ăn. Các thuốc bị thức ăn làm giảm hấp thu cần uống xa bữa ăn (thuốc uống lúc đói). Những trường hợp còn lại nên uống thuốc trong bữa ăn để làm giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Uống thuốc lúc đói có sao không? Có một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định nên uống vào lúc đói. Sau đây là một số loại thuốc đặc biệt nên uống vào lúc đói (1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn) hoặc uống trước bữa ăn (30 phút - 1 giờ):

Nhóm thuốc kháng sinh:

  • Tetracyclin: Với biệt dược như Doxycycline 100mg: Nên dùng vào lúc đói, tránh uống thuốc này cùng với sữa;
  • Macrolide:
    • Erythromycin 250/500mg: Nên uống trước khi ăn 1 giờ. Nếu bị kích ứng tiêu hóa thì có thể uống thuốc cùng bữa ăn;
    • Roxithromycin với biệt dược Ruxict 150mg, Dorolid 150mg: Nên uống trước khi ăn 1 giờ. Nếu bị kích ứng tiêu hóa thì có thể uống thuốc cùng bữa ăn;
    • Azithromycin với biệt dược Aziefti 500mg hoặc PymeAZI 100: Nên dùng thuốc vào lúc đói, uống 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi sử dụng các thuốc kháng acid.

Nhóm thuốc tiêu hóa:

  • Thuốc ức chế bơm Proton với các loại thuốc sau: Esomeprazole (biệt dược Colaezole 20mg, Esomeprazol Stada 20mg, SaVi Esomeprazole 40mg, Nexium Mups tab 40mg), Lansoprazole (biệt dược Scolanzo 30mg), Omeprazole (biệt dược Omeprazol 20mg, Prazav 20mg), Rabeprazole (biệt dược Barole 10mg, Pariet 10mg, Acilesol 20mg, Arpizol 20mg) và Pantoprazole (biệt dược Bio-panto 40mg): Nên uống trước khi ăn 30 phút. Bệnh nhân lưu ý không được nghiền hoặc bẻ viên thuốc;
  • Sucralfat với biệt dược Eftisucral 1g, Sucrate gel 1g/5ml, Fudophos 1g gel: Nên uống trước khi ăn 30 phút;
  • Thuốc chống nôn với biệt dược Domperidone gsk 10mg: Nên uống trước khi ăn 30 phút;
  • Men vi sinh với các biệt dược Bidisubtilis, Normagut 250mg: Nên uống trước khi ăn 30 phút;
  • Thuốc nhuận tràng với biệt dược Sorbitol 3,3%: Nên uống trước khi ăn 10 phút.

Nhóm thuốc tim mạch:

  • Thuốc ức chế men chuyển:
    • Captopril với các biệt dược Captopril 25mg, Taguar 25mg: Nên uống trước khi ăn sáng 1 giờ. Tránh dùng kèm với những thực phẩm chứa kali như chuối, phomai, thịt bò hay thuốc chứa kali;
    • Perindopril với các biệt dược Coversyl, Perindopril Erbumine:Nên uống trước khi ăn sáng 15 phút. Tránh dùng kèm với những thực phẩm chứa kali như chuối, phomai, thịt bò hay thuốc chứa kali;
    • Imidapril với các biệt dược Tanatril 5mg và Imidagi 5mg: Nên uống trước khi ăn sáng 15 phút. Tránh dùng kèm với những thực phẩm chứa kali như chuối, phomai, thịt bò hay thuốc chứa kali;
  • Glycosid với biệt dược Digoxin 0,25mg: Là loại thuốc uống lúc đói. Tránh uống thuốc cùng những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ hoặc cam thảo.

Thuốc hormone:

Thuốc Thyroid với biệt dược Tamidan: Nên uống thuốc trước khi ăn sáng 30 phút. Thận trọng khi sử dụng thuốc cùng những loại thực phẩm như đậu tương, quả óc chó hay đồ ăn giàu chất xơ.

Thuốc chống thiếu máu

Thuốc Ion Fe(++) với các biệt dược Bidiferon, Tardyferon B9 và Pymeferon B9: Nên uống trước khi ăn 1 giờ. Nếu có kích ứng tiêu hóa thì có thể uống thuốc sau khi ăn 2 giờ.

Thuốc miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch Mycophenolate với biệt dược Cellcept 250/500mg: Nên uống thuốc khi đói. Lưu ý không được nghiền hoặc bẻ đôi viên thuốc, không dùng thuốc cùng với thuốc kháng acid có chứa magie và nhôm.

Các loại thuốc uống lúc đói đã được đề cập chi tiết ở trên. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh đều cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng và thời gian dùng thuốc. Điều đó đảm bảo cho thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, tránh nguy cơ tương tác thuốc với thức ăn gây ra những phản ứng bất lợi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

475 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan