Nồng độ amylase 182,9 U/L có sao không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Kết quả khám amylase của em là 182,9 U/L. Bác sĩ cho em hỏi nồng độ amylase 182,9 U/L có sao không? Em cảm ơn bác sĩ.

Tran Thong (1998)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nồng độ amylase 182,9 U/L có sao không?“”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Như kết quả xét nghiệm của bạn cung cấp, nồng độ amylase máu của bạn là 182,9 U/L. Khoảng tham chiếu của xét nghiệm này trên người bình thường là 22 - 80 U/L, như vậy bạn đã có bất thường về nồng độ amylase trong máu.

Xét nghiệm amylase là một xét nghiệm khá phổ biến và quan trọng trong các bệnh viêm tụy cấp, viêm tuyến nước bọt và một số các tình trạng sức khỏe khác. Amylase có vai trò chuyển hóa carbohydrate phức tạp thành các chất đơn giản và dễ hấp thu hơn. Amylase thường được tìm thấy trong máu, nước tiểu, các dịch cơ thể như dịch cổ trướng, dịch màng phổi, nước bọt. Xét nghiệm amylase là xét nghiệm để đo hoạt độ enzyme amylase có trong mẫu máu, nước tiểu, các dịch.

Xét nghiệm amylase tăng trong những trường hợp sau:

  • Viêm tụy cấp tính hay mạn tính: Trong viêm tụy cấp, amylase huyết thanh thường bắt đầu tăng lên từ 3 - 6 giờ sau khi xảy ra tình trạng viêm, đạt giá trị đỉnh vào khoảng giờ thứ 24 và trở về giá trị bình thường sau đó 2 - 3 ngày. Amylase thường tăng song song đi kèm với lipase.
  • Bệnh lý tắc nghẽn ống tụy và ung thư tuyến tụy.
  • Các bệnh lý về tuyến nước bọt như: Quai bị, viêm tuyến nước bọt, tắc nghẽn ống dẫn nước bọt,...
  • Trong các trường hợp rối loạn tắc nghẽn ruột, thủng ổ loét dạ dày tá tràng,... amylase trong các dịch cơ thể cũng sẽ tăng.
  • Người bị ngộ độc rượu cấp tính.
  • Các bệnh lý về đường mật như viêm túi mật, sỏi mật.
  • Amylase cũng có thể tăng trong các trường hợp sử dụng thuốc như corticosteroid, dexamethasone, furosemid, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid,...
  • Người nhiễm toan ceton do đái tháo đường, cường giáp, có thai, chửa ngoài tử cung vỡ.

Tuy nhiên trong thực tế, hàm lượng amylase tăng cao thường mang nhiều ý nghĩa bệnh lý quan trọng hơn. Đặc biệt là trong chẩn đoán viêm tụy cấp tính và viêm tuyến nước bọt. Trong bệnh lý viêm tụy cấp, thường bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, mức độ tăng nhanh và không thuyên giảm. Khi đó xét nghiệm hoạt độ amylase và lipase sẽ tăng cao đột biến gấp khoảng 3 lần giá trị bình thường. Điều này rất có giá trị trong việc gợi ý bác sĩ chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị nhanh chóng kịp thời. Bạn nên đặt hẹn khám với bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa để được thăm khám tư vấn và chỉ định các xét nghiệm khác nếu cần để chẩn đoán chính xác.

Nếu bạn còn thắc mắc về nồng độ amylase, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

779 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan