Lo lắng, sợ hãi kèm rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Đợt này, em bị sụt cân, rối loạn giấc ngủ và đau bụng, mệt mỏi. Em cảm thấy lo lắng và thấy không thể tha thứ cho lỗi lầm của bản thân. Em sợ lỗi lầm của bản thân bị bố mẹ, gia đình phát hiện, sợ mọi người nhìn em bằng ánh mắt khác. Em cảm thấy bế tắc và không muốn làm gì. Em không muốn bố mẹ và mọi người thất vọng vì em. Em cũng không hiểu sao mình lại mắc được sai lầm như vậy. Vậy bác sĩ cho em hỏi lo lắng, sợ hãi kèm rối loạn giấc ngủ là bệnh gì? Đây có phải triệu chứng của trầm cảm hay stress không thưa bác sĩ? Mong bác sĩ tư vấn, em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Lo lắng, sợ hãi kèm rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là tình trạng bệnh khiến cho con người luôn cảm thấy lo lắng, bất an, hoảng sợ đối với những sự việc, hiện tượng hết sức bình thường. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ đến những người cao tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hay còn được nhắc đến với tên gọi khác là rối loạn ám ảnh sợ hãi, đây là một bệnh lý gây nên những cảm giác hoảng sợ, lo lắng một cách quá mức, mặc dù sự việc xảy ra không mang tính chất nguy hiểm. Nếu tình trạng lo sợ, bất an diễn ra trong một thời gian dài và không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bệnh lý này là một hiện tượng khá đặc trưng của chứng rối loạn tâm thần, nó có mối quan hệ mật thiết với trạng thái lo âu, hoảng sợ. Người bệnh thường xuyên xuất hiện những nỗi sợ không rõ nguyên nhân hoặc đối với các hiện tượng xảy ra một cách bình thường trong cuộc sống.

Những đối tượng bệnh thường muốn tự tạo cho mình một vỏ bọc an toàn để có thể tránh được các rủi ro và thoải mái thực hiện những hành vi mà mình cho là an toàn. Căn bệnh này nếu không được kiểm soát đúng cách thì sẽ có nguy cơ biến chứng thành trầm cảm hoặc nguy hiểm hơn là cướp lấy tính mạng của con người. Một số hội chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi mà bạn có thể gặp là:

  • Sợ người lạ.
  • Sợ chỗ đông người.
  • Sợ những vật có hình tròn.
  • Sợ ở một mình.
  • Sợ không gian kín.
  • Sợ bóng tối.
  • Sợ thang máy.

Khoa học hiện nay vẫn chưa thể nhận định cụ thể về các nguyên nhân gây ra căn bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Tuy nhiên, dựa trên các đối tượng bệnh, chuyên gia tâm lý cũng đưa ra được một số giả thuyết về lý do có thể dẫn đến căn bệnh này như sau:

  • Do di truyền: Cũng như các căn bệnh về rối loạn tâm thần khác, ADN cũng được xem là yếu tố chiếm tỷ lệ cao có khả năng gây ra tình trạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Các nhà khoa học tại Mỹ cho biết rằng, những đối tượng được sinh ra trong gia đình có người thân mắc phải chứng bệnh rối loạn lo âu thì sẽ có nguy cơ cao gặp phải các chứng bệnh tương tự. Các chuyên gia cũng đã tiến hành nghiên cứu dựa trên hai trẻ sinh đôi có mẹ đang bị bệnh rối loạn lo âu. Kết quả cho thấy rằng, cả hai bé đều có những vấn đề về tâm lý, cảm giác sợ hãi, hoảng sợ cũng thường xuyên xuất hiện hơn những bé khác.
  • Ảnh hưởng từ sang chấn tâm lý: Các đối tượng đã từng chứng kiến hoặc trải qua những tổn thương, mất mát, đau buồn trong quá khứ sẽ có nguy cơ rất cao mắc phải căn bệnh quái ác này. Khi trưởng thành hoặc tình cờ gặp lại những tình huống tương tự lúc xưa sẽ làm cho con người dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ một cách mất kiểm soát. Những trường hợp này thường sẽ kèm theo một số triệu chứng về cơ thể như nhịp tim tăng nhanh, chân tay run rẩy mất kiểm soát, dễ nổi giận, kích động, ra nhiều mồ hôi,...Một số trường hợp ám ảnh như sợ xe máy, sợ động vật cắn, sợ độ cao, sợ những vật nhọn như kim tiêm,...
  • Yếu tố xã hội, tâm lý: Theo nghiên cứu và sự tìm hiểu của các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, những đối tượng đã từng rơi vào tình trạng mất tài sản lớn, thất nghiệp, mất đi người thân trong gia đình, chia tay người yêu, cha mẹ ly hôn,...sẽ dễ dẫn đến những hoảng loạn về tinh thần, gây ra căn bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.
  • Rối loạn cơ chế sinh học: Khi cơ thể bị thiếu hụt hormone serotonin và norepinephrine sẽ làm cho bộ não bị ảnh hưởng, dần xuất hiện các tình trạng bất an, lo lắng, hoảng sợ. Nếu các hormone hạnh phúc trong cơ thể bị giảm nhanh sẽ làm cho các triệu chứng tâm lý càng gia tăng, nguy cơ mắc bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi càng cao.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một trong các chứng bệnh tâm thần thuộc nhóm rối loạn lo âu với rất nhiều biểu hiện khác nhau. Để có thể nhận biết tình trạng bệnh, bạn có thể xem qua các triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này như sau:

  • Cảm giác lo lắng, căng thẳng, bất an luôn thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là khi phải đối diện với sự việc hoặc tình huống gây ám ảnh nào đó. Đôi lúc chỉ cần suy nghĩ đến việc gì đó, người bệnh cũng sẽ cảm thấy hoảng sợ, lo âu.
  • Người bệnh thường tự tạo cho mình một vỏ bọc để tách biệt với thế giới xung quanh, nhầm lẫn tránh những tình huống gây lo lắng, ám ảnh. Mặt khác, khi phải đối diện với những tình huống gây sợ hãi, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái đấu tranh tâm lý mạnh mẽ, cơ thể bắt đầu đổ nhiều mồ hôi, chân tay run rẩy, tim đập nhanh,...
  • Bệnh nhân thường có xu hướng muốn lảng tránh, không muốn đối diện với hiện thực.
  • Những người có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.

Tình trạng rối loạn lo âu sẽ xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Tuy nhiên cũng có một số đối tượng sẽ dễ gặp phải chứng bệnh này hơn.

  • Tuổi tác: Bệnh lý này sẽ dễ gặp phải ở những người trẻ, từ khoảng 10 tuổi là bệnh đã có thể xuất hiện và kéo dài về sau, thông thường sẽ biểu hiện trước tuổi 35.
  • Giới tính: Theo thống kê cho thấy, phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.
  • Tính cách cá nhân: Các đối tượng có tính cách nhút nhát, rụt rè, suy nghĩ tiêu cực.
  • Tiền sử gia đình: Theo thông tin được nêu như trên, gia đình cũng là một trong các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi người thân trong gia đình có tiền sử gặp phải các chứng rối loạn tâm lý thì khả năng cao các thế hệ sau sẽ gặp những bệnh tương tự.
  • Môi trường sống: Theo thống kê thì những đối tượng được sinh ra và lớn lên trong môi trường lành mạnh, nếp sống văn minh, đúng mực thì khả năng mắc bệnh khá thấp. Ngược lại những trường hợp được sinh sống trong môi trường thường xuyên cãi nhau, tranh chấp, xung đột,...sẽ dễ bị bệnh hơn.

Khi nhận thấy những biểu hiện của căn bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, bạn phải nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa hoặc trung tâm tâm lý để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất. Thông thường, các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ tiến hành khai thác về tiền sử, nguyên nhân gây bệnh, đưa ra một số vấn đề, câu hỏi để nắm được mức độ biểu hiện bệnh của mỗi đối tượng.

Căn bệnh này hiện vẫn chưa có các hình thức chẩn đoán cụ thể và chính xác nhất. Các chuyên gia thường sẽ dựa vào những triệu chứng của bệnh nhân để thăm khám lâm sàng, từ đó đưa ra nhận định khách quan nhất và tình trạng bệnh lý của đối tượng.

Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, các chuyên gia y khoa sẽ tiến hành tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Đối với căn bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi thường được áp dụng một số phương pháp điều trị khác nhau kết hợp với sử dụng thuốc. Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các chuyên gia có thể áp dụng một hoặc đồng thời cả hai biện pháp.

  • Tâm lý trị liệu: Hầu hết, các bệnh do vấn đề tâm lý gây ra như rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đều được ưu tiên áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu để hỗ trợ điều trị và giúp người bệnh phục hồi một cách nhanh và tự nhiên nhất. Tâm lý trị liệu là phương pháp khoa học được các chuyên gia tâm lý nghiên cứu và ứng dụng nhằm tháo gỡ được những nỗi sợ hãi, lo lắng trong lòng của người bệnh mà không cần dùng đến thuốc hay biện pháp xâm lấn cơ thể. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho người bệnh nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc cạnh khác nhau, truy tìm nguyên nhân gây bệnh, kiểm soát cảm xúc và học cách đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực. Thông qua những lộ trình trị liệu cụ thể, người bệnh mắc chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi sẽ được phục hồi sức khỏe một cách an toàn mà không cần đến sự can thiệp của thuốc. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu nhất khi sử dụng phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải tin tưởng và thật kiên trì với những bài tập thực hành mà chuyên gia tâm lý đưa ra. Người bệnh nên tìm hiểu và lựa chọn các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng để đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho quá trình điều trị của bản thân.
  • Sử dụng thuốc: Cũng giống như một số loại bệnh về tâm lý khác, đối với những bệnh nhân rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng kèm theo một số triệu chứng cơ thể dữ dội thì cần được kiểm soát nhanh bằng các loại thuốc Tây. Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc cho phù hợp. Tuy nhiên, những loại thuốc như thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, an thần, chống rối loạn lo âu,... sẽ không có tác dụng thay thế hoàn toàn cho các phương pháp điều trị khác. Các loại thuốc Tây có khả năng hỗ trợ ngăn chặn và kiểm soát các triệu chứng lo lắng, sợ hãi,... của người bệnh trong một khoảng thời gian nhất định.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một dạng bệnh hiện đang khá phổ biến, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Lời khuyên tốt nhất dành cho người bệnh đó chính là nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa để giúp kiểm soát tình trạng bệnh kịp thời, hạn chế các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Nếu bạn còn thắc mắc về lo lắng, sợ hãi kèm rối loạn giấc ngủ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan