Hồi hộp, tim đập nhanh khi lái xe là bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Năm ngoái, em bị té xe máy. Mặc dù không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý. Em không thể chạy xe như trước, luôn cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, chóng mặt và mất thăng bằng khi phải chạy xe. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công việc và cuộc sống của em. Bác sĩ cho em hỏi hồi hộp, tim đập nhanh khi lái xe là bệnh gì? Hướng điều trị bệnh như thế nào thưa bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ.

Vũ Thúy Ngân (1991)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Hồi hộp, tim đập nhanh khi lái xe là bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Tim đập nhanh, hồi hộp, run tay không chỉ là những biểu hiện cảm xúc nhất thời, đó có thể là dấu hiệu cho biết bạn đang gặp phải một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, cường giáp, rối loạn thần kinh thực vật,...

Nếu bạn gặp phải tình trạng tim đập nhanh, run tay thì rất có thể bạn đang gặp phải một trong những vấn đề sau:

  • Bệnh huyết áp thấp: Những người bị huyết áp thấp là người có trị số huyết áp dưới 90/60mmHg. Nếu bạn là người thường xuyên bị tụt huyết áp hoặc huyết áp thấp thì sẽ thấy được những triệu chứng thường gặp như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, cơ thể không có chút sức lực, trí óc không thể tập trung, rất dễ nổi cáu tức giận, tim đập nhanh, chân tay bủn rủn,...
  • Rối loạn thần kinh tim, nhịp xoang nhanh: Rối loạn thần kinh tim là tình trạng khiến người bệnh thường hay lo lắng quá mức làm tim đập nhanh, đánh trống ngực, run tay chân,... Nhịp xoang nhanh là khi thần kinh tim kích thích quá mức có thể làm nút xoang phát nhịp tim nhanh hơn.
  • Hạ đường huyết: Hạ đường huyết là một tình trạng đặc trưng bởi mức đường huyết thấp bất thường. Các dấu hiệu của hạ đường huyết thường gặp như: Mệt đột ngột, đau đầu, chóng mặt lả đi; cảm giác đói cồn cào; vã mồ hôi; tê buồn chân tay; run tay; chân có cảm giác nặng; hồi hộp, tim đập nhanh; có khi có cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Cường giáp: Cường giáp là bệnh lý khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon tuyến giáp là thyroxin và triiodothyronin. Trong bệnh cường giáp, lượng thyroxin của tuyến giáp quá nhiều trong cơ thể thúc đẩy sự trao đổi chất được tăng cao đến mức độ bất thường. Bệnh gây ra các triệu chứng: Sụt cân trầm trọng, căng thẳng, nhịp tim nhanh, vận động kém, thân nhiệt cao, run tay, ra nhiều mồ hôi, song thị, tuyến giáp to,...
  • Đói: Khi bạn bị đói, cũng có biểu hiện là tim đập nhanh, chân tay bủn rủn, đó là những phản xạ bình thường của cơ thể để báo hiệu cho chúng ta biết cơ thể cần được cung cấp năng lượng. Đối với hiện tượng này, bạn chỉ cần nhanh chóng nạp năng lượng cho cơ thể bằng việc ăn uống đầy đủ là cơ thể sẽ bình thường trở lại.

Khi tự nhiên tim đập nhanh hồi hộp mà không liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc tình trạng mất nước như: Tiêu chảy, nôn ói,.... Trong trường hợp của bạn có thể nghi ngờ do rối loạn nhịp tim, bạn hãy thả lỏng cơ thể, đầu óc thư giãn, không nghĩ ngợi nhiều và thử kết hợp cùng một số biện pháp như:

  • Ho mạnh: Động tác này giúp tạo áp lực lên lồng ngực khiến tim đập chậm lại.
  • Rửa mặt hoặc uống một chút nước lạnh.
  • Tập hít sâu thở chậm: Hít thật chậm và giữ trong lồng ngực từ 3-5 giây và sau đó thở ra từ từ.
  • Nghiệm pháp Valsalva: Thực hiện bằng cách bịt mũi, ngậm miệng, sau đó ép hơi thở ra thật mạnh, nhưng không cho hơi ra trong ít nhất khoảng 15 giây. Phương pháp này giúp tăng áp lực lên lồng ngực, giúp thiết lập lại nhịp tim bình thường. Tuy nhiên, với những người có tiền sử nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành thì không nên tự ý thực hiện nghiệm pháp Valsalva mà chỉ nên thực hiện khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Với những trường hợp tim đập nhanh kéo dài hoặc tái đi tái lại thì tốt nhất hãy đi khám bác sĩ để biết chính xác bệnh lý mình đang mắc phải và có hướng điều trị hợp lý. Bên cạnh đó, hãy giữ cho mình một lối sống khoa học với chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện hợp lý, hạn chế căng thẳng.

Nếu bạn còn thắc mắc về tim đập nhanh khi lái xe, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan