Mang thai và chuyển dạ - Sản phụ nên đến bệnh viện lúc nào?

Những chỉ dẫn dưới đây từ TS.BS Nguyễn Công Nghĩa - Trưởng khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Vinmec Times City sẽ giúp sản phụ phát hiện, theo dõi các dấu hiệu để có thể tới bệnh viện kịp thời.

Quá trình mang thai 40 tuần cho đến khi sinh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bà mẹ và thai nhi. Chúng có thể xảy ra đột ngột, và thay đổi nhanh chóng ngay cả với các bà mẹ mang thai khỏe mạnh và ít nguy cơ nào trước đó.

1. Sản phụ cần tới bệnh viện ngay nếu thấy các dấu hiệu dưới đây

1.1. Ra máu âm đạo

Ra máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào khi mang thai đều cần có sự thăm khám ngay của bác sĩ. Ra máu âm đạo trong giai đoạn sớm quý I của thai kỳ là thường gặp ở 15-25% bà mẹ mang thai, có thể là dấu hiệu của thai dọa sảy hay chửa ngoài dạ con. Ra máu âm đạo trong giai đoạn muộn quý III của thai kỳ còn nghiêm trọng hơn, có thể là dấu hiệu của các bất thường về rau, hay sinh non. Lượng máu càng nhiều, mức độ nghiêm trọng càng tăng.

1.2. Ra nước ối âm đạo

Bình thường, âm đạo của bà mẹ mang thai luôn có ít dịch tiết (khí hư) màu trắng đục không mùi hoặc có mùi không hôi do sự tăng hormone khi mang thai. Nếu bà mẹ mang thai thấy dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, giống như nước, hoặc ồ ạt, rỉ rả liên tục, có mùi hơi tanh nồng và hơi nhớt; đó có thể là dấu hiệu của rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm. Các trường hợp rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm đều kèm theo nguy cơ sinh non, sa dây rau, và đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi và bà mẹ khi rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm trên 6 giờ.

Cần tới bệnh viện ngay khi phát hiện ra nước ối âm đạo. Bác sĩ sẽ thăm khám, theo dõi, làm xét nghiệm để chắc chắn có rỉ ối/ối vỡ non/ối vỡ sớm, và ra các chỉ định thích hợp tùy theo tình trạng của mẹ và thai như dùng kháng sinh, theo dõi gây chuyển dạ hay tiếp tục giữ thai.

1.3. Đau bất thường vùng tử cung và bụng dưới

Bình thường, bà mẹ mang thai có thể cảm thấy nặng ở vùng bụng dưới và đau lưng khi thai nhi ngày càng lớn lên, và đôi khi có các cơn co tử cung (tử cung gò cứng) nhất là khi thai sắp đến ngày sinh. Tuy nhiên, nếu có cơn đau đột ngột dữ dội, bà mẹ cần đến bệnh viện vì đó có thể là dấu hiệu bất thường tại tử cung. Hoặc nếu thấy cơn co thành chu kỳ, liên tục, và không mất đi sau khi nghỉ ngơi 1 giờ, khi tuổi thai dưới 37 tuần, bà mẹ cần đến bệnh viện vì đó có thể là các dấu hiệu liên quan đến sinh sớm.

Đau bất thường vùng tử cung và bụng dưới, sản phụ cần đến bệnh viện ngay
Đau bất thường vùng tử cung và bụng dưới, sản phụ cần đến bệnh viện ngay.

1.4. Thai không cử động hoặc cử động ít hơn hẳn bình thường

Bình thường, bà mẹ mang thai có thể cảm nhận thấy thai nhi cử động rõ rệt vào khoảng thời điểm trung bình từ 16 tuần đối với con rạ, và 22 tuần đối với con so. Như những “cú đá của con lừa”, đó là cách mà thai nhi báo với bà mẹ mang thai là “con vẫn ổn”. Mỗi ngày, bà mẹ hãy chọn cùng một thời điểm, thường là sau khi ăn, trong lúc nghỉ ngơi và tập trung đếm số cử động thai (đá, đấm, xoay, cuộn) trong vòng 1 giờ, cùng với số thời gian để có được 10 cử động thai, và ghi lại trong 1 biểu đồ. Hãy tránh chu kỳ ngủ của thai (có thể từ 20 đến 75 phút).

Bệnh viện Vinmec sẽ cung cấp cho các bà mẹ biểu đồ này, và bà mẹ bắt đầu đếm cử động thai kể từ khi thai 28 tuần, bởi nguy cơ cao nhất do giảm cử động thai ở vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu số cử động thai dưới 10 trong vòng 2 giờ, đó là dấu hiệu nguy hiểm và cần tới bệnh viện ngay.

1.5. Các dấu hiệu đột ngột của bà mẹ mang thai

Bất kỳ một hoặc nhiều dấu hiệu đến đột ngột và bất thường như sốt trên 38 độ C, ngất xỉu, khó thở, đau đầu dữ dội, đau ngực, nôn mửa, rối loạn thị giác, co giật đều cần được xử trí sớm. Hãy gọi xe cấp cứu và đến viện ngay khi có thể.

Trong quá trình mang thai, sản phụ cần phát hiện, theo dõi các dấu hiệu để có thể tới bệnh viện kịp thời
Trong quá trình mang thai, sản phụ cần phát hiện, theo dõi các dấu hiệu để có thể tới bệnh viện kịp thời.

2. Các dấu hiệu sản phụ chưa chuyển dạ và không nên nhập viện quá sớm

Bà mẹ mang thai bình thường, không có các nguy cơ hay các chỉ dẫn đặc biệt của bác sĩ, cần biết khi nào mình có chuyển dạ thực sự và cần phải nhập viện để sinh. Nhập viện sớm khi chưa có chuyển dạ thực sự không hề có ích, ngược lại gây mệt mỏi về sức khỏe, căng thẳng về tâm lý và gia tăng nguy cơ mổ lấy thai không cần thiết cho bà mẹ. Lý tưởng nhất là hãy tới bệnh viện đúng lúc.

  • Vào khoảng 3-4 tuần cuối của thai kỳ, sản phụ thường thấy các cơn co xuất hiện. Các cơn co này thường bất chợt, không gần nhau, không theo chu kỳ hay nhịp điệu. Đó là các cơn co Braxton Hicks hay còn gọi là chuyển dạ giả. Các cơn co thường nhẹ, và thường ở bụng phía trước, và có thể mất đi khi thay đổi tư thế hay nằm nghỉ. Cho đến khoảng 2 tuần trước khi sinh, tần số cơn co sẽ tăng dần lên và dần có chu kỳ cách nhau từ 10 đến 20 phút, thấy rõ hơn ở các sản phụ con rạ. Cuộc chuyển dạ thực sự chưa bắt đầu.
  • Bà mẹ sẽ thấy cuộc chuyển dạ tới gần khi thấy ngôi thai tụt thấp xuống vùng bụng dưới (sụt bụng), kèm theo ra chất nhày âm đạo đặc và có màu hồng. Dấu hiệu quan trọng nhất đó là các cơn co tử cung. Các cơn co lúc này đến theo từng chu kỳ, và càng lúc càng gần nhau. Cơn co thường đến từ lưng và ra phía trước. Trong cơn đau, sản phụ thường không cảm thấy được cử động thai. Trong cơn đau, sản phụ cũng thường không thể nói.
  • Khi cơn co tử cung tới cách nhau mỗi 4-5 phút, và mỗi cơn co kéo dài từ 30 giây đến 1 phút, đó là những dấu hiệu chuyển dạ thực sự và là lúc sản phụ tới bệnh viện. Nếu không chắc chắn mình đã có chuyển dạ thực sự chưa, sản phụ hãy liên lạc tới phòng sinh của Bệnh viện Vinmec để được tư vấn. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám độ xóa và mở cổ tử cung để cho sản phụ nhập viện thời điểm thích hợp nhất.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sản phụ phải tới bệnh viện, sản phụ cần tới bệnh viện ngay cho dù ở thời điểm nào của thai kỳ.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sản phụ phải tới bệnh viện, sản phụ cần tới bệnh viện ngay cho dù ở thời điểm nào của thai kỳ
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sản phụ phải tới bệnh viện, sản phụ cần tới bệnh viện ngay cho dù ở thời điểm nào của thai kỳ

Làm mẹ là thiên chức tuyệt vời mà tạo hóa đã ban cho người phụ nữ. Nhưng ấp ủ và nuôi dưỡng một sinh linh bé bỏng trong cơ thể mình là việc không hề đơn giản. Hy vọng các chia sẻ trên đây sẽ là những lời khuyên hữu ích để bắt đầu những điều ngọt ngào cùng con yêu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

64.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan