Bị tiểu đường thai kỳ có chế độ ăn uống tập luyện như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Hôm vừa rồi e có đi kiểm tra nghiệm dung nạp Glucose, kết quả như sau: Glucose máu trước khi uống: 5,7mmol/L, Glucose máu (sau 1h uống đường): 9,1 mmol/L, Glucose ( sau 2h uống đường). Bác sĩ kết luận tiểu đường thai kỳ? Bác sĩ cho em hỏi bị tiểu đường thai kỳ có chế độ ăn uống tập luyện như thế nào? Rất mong nhận được tư vấn của bác sĩ. Em cảm ơn ạ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi: “Bị tiểu đường thai kỳ có chế độ ăn uống tập luyện như thế nào?” bác sĩ xin được giải đáp như sau:

Đái tháo đường trong thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể lúc mang thai. Nó thường được phát hiện sớm nhất từ tháng thứ 4 trong thai kỳ và thường khỏi sau sinh 6 tháng.

Đái tháo đường thai kỳ có thể được điều chỉnh bằng chế độ ăn. Một số lời khuyên sau đây dành cho thai phụ có đái tháo đường thai kỳ hoặc rối loạn đường huyết:

Thực phẩm thai phụ nên ăn:

  • Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn không ăn quá no, để không làm tăng đường huyết quá nhiều sau khi ăn và hạ đường huyết quá nhanh lúc xa bữa ăn. Ăn 3 bữa chính kèm 1-2 bữa phụ.
  • Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa chua, sữa không béo, sữa không đường.
  • Nên ăn thực phẩm ít gây tăng đường huyết như: gạo lứt, đậu đỗ, rau củ (rau cải, cà chua, cà tím, cà rốt...), trái cây ít ngọt (bưởi, đào, táo, cam, lê, xoài...). Ưu tiên chế biến thức ăn bằng hấp, luộc.

Thực phẩm thai phụ không nên ăn:

  • Giảm ăn các thực phẩm gây tăng đường huyết như: bánh kẹo, trái cây ngọt (mít,sầu riêng..), kem, chè ...
  • Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: đồ ăn nhanh, đồ khô, thịt nguội, các loại mắm, mì gói, đồ hộp ...
  • Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: da, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, đồ ăn chiên xào.
  • Giảm uống rượu bia, nước ngọt, cà phê, nước chè, nước ép trái cây ngọt. Không hút thuốc lá.
  • Không bỏ bữa: Bỏ bữa ăn, cơ thể sẽ không tiếp thu đường để chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể. Mà dùng lượng đường có sẵn trong máu, gây hạ đường huyết, mệt mỏi. Bỏ bữa ăn còn làm gia tăng tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau khi nạp một lượng thực phẩm sau đó.

Bạn có thể tham khảo một số bữa ăn dành cho thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ như sau:

  • Bữa sáng: Phở bò, miến gà, bún cá, khoai lang, bắp luộc, cháo thịt heo, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nấu + trứng.
  • Bữa trưa và tối: cơm gạo lức, canh bí thịt heo, canh củ quả, canh rau, Thịt kho trứng, đậu hũ dồn thịt, gà hầm, các loại cá hấp,...
  • Bữa phụ và tráng miệng: bột yến mạch + sữa không đường, các loại hạt, đậu, sữa chua, hạt điều, bánh quy hạt chia, salad, trái cây ít đường (lê, thanh long ruột đỏ, bơ, kiwi, ổi, táo, dâu tây ...)

Ngoài ra vận động thường xuyên sẽ hỗ trợ ổn định đường huyết. Bà bầu tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ, xem cơ thể mình phù hợp với loại vận động nào: như đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, Yoga ...

Nếu bạn còn thắc mắc về việc điều trị bị tiểu đường thai kỳ , bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn. Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

924 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan