Trẻ sơ sinh hay nôn trớ là do đâu?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé nhà em sinh được 15 ngày, bé nôn trớ nhiều dù em đã bế hoặc cho bé nằm gối chống nôn trớ nhưng không được cải thiện. Em đã giảm lượng sữa mỗi cữ cho bé ăn nhưng bé chưa ăn xong đã nôn trớ rất nhiều. Gần đây, bé đi vệ sinh nặng són ít một, không đi dứt điểm 1 lần. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ sơ sinh hay nôn trớ là do đâu? Liệu đây là biểu hiện bình thường của trẻ sơ sinh do dạ dày nằm ngang hay do bé có vấn đề gì không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ sơ sinh hay nôn trớ là do đâu?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nôn trớ là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Do đó, khi trẻ ăn no thường dễ dẫn tới hiện tượng nôn trớ. Ngoài ra, có thể do cách chăm sóc của bà mẹ chưa đúng.

Trẻ nôn trớ nhiều có thể dẫn tới mất nước, suy dinh dưỡng, một số trường hợp có thể bị sặc chất nôn gây nguy hiểm cho trẻ. Do đó, các bà mẹ cần lưu ý và biết cách xử trí khi trẻ nôn trớ. Một số biện pháp xử trí bao gồm:

  • Cho trẻ bú đúng cách: Dựa vào cấu tạo, vị trí giải phẫu của dạ dày, nên cho trẻ bú bên trái trước vì lúc này lượng dịch dạ dày còn ít. Sau đó, khi dạ dày chứa nhiều sữa cần chuyển cho trẻ bú phải vì bé cần nằm nghiêng trái. Như vậy sữa sẽ dễ dàng xuống và lưu lại trong dạ dày mà không trào ngược lại. Ngoài ra, khi đang bú, trẻ có quấy khóc nên dừng ngay việc bú lại để tránh sặc. Không nên cho trẻ bú quá nhiều, cần chia làm nhiều bữa ăn, mỗi bữa cách nhau 2-4 giờ.
  • Giữ đúng tư thế sau khi bú: Sau khi bú xong, bà mẹ cần bế trẻ cao đầu trong khoảng 15 - 20 phút, không cho trẻ nằm. Vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt.
  • Nới lỏng quần áo: Quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên nới lỏng quần áo của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.
  • Ngoài ra, nếu trẻ nôn trớ sau khi bú, bà mẹ cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh sặc chất nôn. Làm sạch chất nôn trong mũi, miệng và họng trẻ bằng cách hút hoặc lấy khăn gạc thấm. Khi hết cơn nôn, cho trẻ uống nước ấm, oresol từ từ. Cuối cùng đánh giá chất nôn, và tiếp tục theo dõi trẻ. Nôn trớ sau khi bú ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần theo dõi tăng cân của bé, nếu bé nôn trớ xong bé vẫn vui vẻ, bú tốt, lên cân tốt, bạn có thể tiếp tục chăm sóc như trên. Nếu bé có biểu hiện sốt, lừ đừ, bú kém, bỏ bú hay chậm tăng cân, bạn nên đưa bé đến bác sĩ Nhi khoa để thăm khám và điều trị cho bé.

Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ sơ sinh hay nôn trớ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

31 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan