Thủy đậu có thể biến chứng nguy hiểm, bố mẹ không thể chủ quan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Thủy đậu là bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7- 10 ngày, nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... hoặc để lại di chứng về sau này.

1. Triệu chứng của thủy đậu

Thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra, thường gặp nhất vào mùa xuân, nhưng cũng có thể xảy ra quanh năm. Bệnh sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, thường khởi phát đột ngột với triệu chứng:

  • Nổi mụn nước: Mụn nước có đường kính 1 - 3 mm, chứa dịch trong, xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Người bị nhiễm bệnh có thể chỉ nổi từ vài mụn, nhưng cũng có thể nổi tới hơn 500 nốt trên khắp người. Tuy nhiên, những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn; hoặc khi nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
  • Sốt, đau đầu, đau cơ
  • Biếng ăn, nôn ói
  • Cảm giác ngứa ngáy ở nơi nổi các mụn nước

Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày. Các nốt mụn sẽ khô dần, bong vảy, thâm da ở nơi nổi mụn nước. Trong trường hợp bị nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước có thể để lại sẹo.

2. Thủy đậu lây theo đường nào?

  • Giọt bắn (nước mũi, nước bọt...) theo đường không khí hoặc do đụng chạm vào ban ngứa của người bị thủy đậu
  • Tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường có dính chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng, mũi của người bị bệnh

Ở người bị thủy đậu, bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu sẽ mắc bệnh, nếu tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh.

Thủy đậu có thể biến chứng nguy hiểm, bố mẹ không thể chủ quan
(Ảnh minh họa)

3. Biến chứng của thủy đậu có nguy hiểm không?

  • Nhiễm trùng da nơi mụn nước: Đây là biến chứng nhẹ, không gây nguy hiểm, nhưng có thể để lại sẹo
  • Vi trùng xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết
  • Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não...: Đây là các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại di chứng về sau này.
  • Zona: Ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). 10, 20, hay 30 năm sau đó, khi gặp được các điều kiện thuận tiện (sức đề kháng cơ thể yếu đi, mắc một số bệnh nhất định...), siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là giời leo).
  • Thuỷ đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus thủy đậu trong cơ thể mẹ sẽ gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Ở những ngày cuối của thai kỳ hoặc sau sinh, bệnh thủy đậu ở mẹ có thể lây sang bé, khiến bé bị nổi mụn nước rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp...

4. Cách phòng ngừa thủy đậu

Tiêm vaccine phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. Vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Khoảng 90% người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng.

Cách tiêm vaccine với từng độ tuổi khác nhau, cụ thể:

  • Trẻ em từ 12-18 tháng tuổi: Tiêm 1 mũi.
  • Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào: Tiêm 1 mũi.
  • Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào: Tiên 2 mũi, cách nhau từ 4-8 tuần.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan