Bẻ cổ nhiều có gây nguy hiểm không?

vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ

Hỏi

Chào bác sĩ,

Cháu có thói quen bẻ cổ kêu rắc rắc trong 4 năm, bây giờ cháu bỏ được 3 tháng rồi. Bây giờ, cháu thấy cổ mình bị cứng (không đau), khó vận động vùng cổ. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của cháu. Lúc trước, cháu lướt thì thấy thói quen bẻ cổ có thể gây ra các triệu chứng xấu và nó rất đúng với cháu. Sau đây, cháu xin được liệt kê: Đau đầu, trí nhớ giảm, mất tập trung, khó ngủ, dáng đi không vững, xiên xẹo, thị lực giảm, hay ngáp ngủ nhưng không ngủ được, khó cầm nắm, EQ giảm. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi bẻ cổ nhiều có gây nguy hiểm không? Các triệu chứng trên của cháu là do đâu? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Lê Văn Nam (2004)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Bẻ cổ nhiều có gây nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Bẻ cổ là hành động phổ biến của rất nhiều người nhằm giải phóng áp lực ở cổ do giữ nguyên một tư thế quá lâu hoặc đôi khi chỉ là phản ứng nhỏ với căng thẳng hoặc đơn thuần do thói quen. Cổ bao gồm 7 đốt sống cổ, bó cơ và hệ thống dây thần kinh, thực hiện nhiệm vụ nâng đỡ đầu và thân. Ngoài ra, chúng còn thực hiện một số chức năng như: Nâng đỡ vùng đầu; duy trì chức năng vận động, giúp bạn dễ dàng xoay 180 độ; bảo vệ tủy sống; bảo vệ mạch máu và hệ thần kinh; hỗ trợ mạch đốt sống.

Khi bạn vặn cổ, lắc cổ hay bất kỳ khớp nào trong cơ thể, các bao khớp sẽ bị kéo căng ra. Những bao khớp chứa chất lỏng, việc kéo căng cổ sẽ cho phép chất lỏng tạo ra áp lực lên khớp, hình thành nên khí oxi, nitơ và carbon dioxide. Các khí này sẽ tạo ra những bong bóng khí nhỏ và bị vỡ, bạn sẽ nghe thấy tiếng lách tách, răng rắc mỗi khi bẻ khớp. Ngoài ra, việc có tiếng kêu khi xoay vặn cổ còn do: Các cử động của khớp, gân và dây chằng. Khi cử động khớp cổ, vị trí của gân sẽ thay đổi và hơi lệch ra ngoài. Từ đó, có thể nghe thấy tiếng tách tách khi gân trở lại vị trí ban đầu. Các khớp mất đi lớp sụn bao bọc cũng dễ nghe được những âm thanh tại đây.

Đã có nghiên cứu việc bẻ cổ được chuyên gia xương khớp can thiệp có thể tác động tích cực đến tinh thần bởi nhiều người cảm thấy khi nghe được những tiếng răng rắc trong cổ sẽ giải phóng áp lực và điều chỉnh được khớp.

Ngoài ra, việc nắn chỉnh cổ có chuyên môn, vặn cổ ở mức độ vừa phải có thể mang lại một số lợi ích như: Hỗ trợ cải thiện đau nửa đầu; cải thiện và hỗ trợ điều trị tình trạng đau cứng cổ; thư giãn cột sống, giảm đau mỏi tạm thời; cải thiện các bệnh lý về cột sống.

Bẻ khớp cổ hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy làm tăng nguy cơ tổn thương cột sống. Trong hầu hết trường hợp, hành động này không gây hại cho sức khỏe nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ. Song song với sự thoải mái khi xoay vặn cổ thì việc bẻ cổ quá mạnh có thể dẫn đến một số vấn đề nguy hiểm như: Chèn ép dây thần kinh cổ khiến khó hoặc không thể vận động; căng cơ xung quanh khớp và bản thân các khớp; kéo giãn dây chằng trong khớp, mất đi sự ổn định, có nguy cơ bị thoái hóa khớp; cổ tập trung nhiều mạch máu quan trọng, bẻ cổ quá mạnh dẫn đến thủng mạch máu, hoặc cũng có thể gây ra đông máu, dẫn đến đột quỵ.

Trường hợp của bạn đã có hiện tượng cứng vùng cổ, khả năng có thoái hóa sớm cột sống cổ. Do vậy trường hợp của bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa cơ xương khớp để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chỉ định chụp MRI cột sống cổ để đánh giá mức độ tổn thương. Từ đó bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn cho hướng điều trị cụ thể.

Nếu bạn còn thắc mắc về bẻ cổ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan