Viêm khớp nhiễm trùng: Đặc điểm và điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng .

Viêm khớp nhiễm trùng là một bệnh nhiễm trùng gây đau khớp một cách trầm trọng. Tình trạng nhiễm trùng khớp có thể xuất hiện thứ phát sau một nhiễm trùng từ các bộ phận khác của cơ thể lan đến khớp hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn nguyên phát từ chất lỏng xung quanh khớp. Vi sinh vật gây viêm khớp nhiễm trùng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể khi phẫu thuật, qua vết thương hở hoặc qua vết tiêm. Hầu hết các trường hợp viêm khớp nhiễm trùng là do vi khuẩn, phổ biến nhất trong số này là Staphylococcus aureus (tụ cầu), một loại vi khuẩn sống trên da lành. Ngoài ra, viêm khớp nhiễm trùng cũng có thể do vi rút hoặc nấm gây ra.

1. Nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm trùng

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp nhiễm trùng khá đa dạng, bao gồm: nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc nấm. Trong đó, nhiễm khuẩn staphylococcus aureus (tụ cầu) - một loại vi khuẩn thường sống trên da khỏe mạnh là nguyên nhân phổ biến nhất.

Viêm khớp nhiễm trùng có thể phát triển thứ phát sau một tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan khác, chẳng hạn như nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng đường tiểu, theo đường máu đến khớp và gây nhiễm trùng tại đó. Ít phổ biến hơn, nhiễm trùng khớp có thể xuất hiện sau một vết thương xuyên thấu, tiêm thuốc hoặc phẫu thuật trong khớp hoặc cạnh khớp, bao gồm cả phẫu thuật thay khớp do vi khuẩn xâm nhập vào khoang khớp trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Lớp niêm mạc của khớp có rất ít khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng. Phản ứng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng, bao gồm cả tình trạng viêm có thể làm tăng áp lực và giảm lưu lượng máu trong khớp - góp phần gây ra nhiều tổn thương hơn tại khớp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng bao gồm:

  • Các bệnh lý về khớp hiện có. Các bệnh khớp mãn tính, chẳng hạn như viêm xương khớp, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm trùng. Phẫu thuật tại khớp, cạnh khớp và các loại chấn thương trước đó cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp.
  • Có khớp nhân tạo: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp nếu trong quá trình phẫu thuật thay khớp không đảm bảo vô trùng. Khớp nhân tạo vẫn có thể bị nhiễm trùng nếu vi khuẩn di chuyển đến khớp từ một khu vực khác của cơ thể qua đường máu.
  • Bệnh nhân đang điều trị bệnh lý viêm khớp dạng thấp. Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ gia tăng tình trạng nhiễm trùng khớp do các loại thuốc sử dụng để điều trị có thể ức chế hệ thống miễn dịch, làm cho tình trạng nhiễm trùng dễ xảy ra hơn. Chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng ở những người bị viêm khớp dạng thấp rất khó vì nhiều dấu hiệu và triệu chứng tương tự, chồng lắp nhau.
  • Da mỏng: Khi đó, da dễ bị tổn thương và chậm lành, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các bệnh về da như bệnh vẩy nến và bệnh chàm cũng được xem là yếu tố nguy cơ của viêm khớp nhiễm trùng. Với cơ chế tương tự, những người thường xuyên tiêm chích ma túy cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng tại chỗ tiêm cao hơn.
  • Suy giảm hoạt động hệ miễn dịch. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng khớp cao hơn. Điều này bao gồm những người mắc bệnh đái tháo đường, các vấn đề về thận, gan và những người dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch trong thời gian dài.
  • Chấn thương khớp: Các vết thương và chấn thương tại khớp do động vật cắn, vật nhọn đâm thủng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng.
viêm khớp nhiễm trùng
Nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm trùng khá đa dạng

2. Biểu hiện của viêm khớp nhiễm trùng

Viêm khớp nhiễm trùng thường đem lại nhiều sự khó chịu cho người bệnh, giới hạn việc sử dụng các khớp bị nhiễm trùng. Các khớp bị nhiễm trùng thường có biểu hiện sưng, đỏ, nóng, đau, hạn chế vận động và bạn có thể bị sốt. Ngoài ra, người bệnh viêm khớp nhiễm trùng cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Đau khớp tăng lên khi cử động
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Thể trạng yếu
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Cáu gắt

Nếu viêm khớp nhiễm trùng xảy ra ở khớp nhân tạo, các dấu hiệu và triệu chứng như đau và sưng nhẹ có thể xuất hiện vài tháng hoặc vài năm sau khi thay khớp. Ngoài ra, dấu hiệu lỏng khớp, đau khi cử động khớp hoặc khi đè nặng lên khớp cũng xuất hiện tương tự như khi nhiễm trùng khớp khác. Thông thường, cơn đau sẽ biến mất khi nghỉ ngơi. Trong trường hợp nghiêm trọng, các khớp viêm lỏng lẻo có thể bị trật .

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu bị đau dữ dội, khởi phát một cách đột ngột. Việc điều trị kịp thời có thể giúp giảm thiểu tổn thương khớp vĩnh viễn.

3. Chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng

Để chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng, bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Xét nghiệm phân tích dịch khớp: Nhiễm trùng có thể làm thay đổi màu sắc, độ đặc, thể tích và thành phần của dịch khớp. Một mẫu chất lỏng này có thể được rút ra khỏi khớp bị viêm bằng kim chọc hút. Các xét nghiệm có thể xác định được vi sinh vật nào đang là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng khớp. Từ đó, bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị với các loại thuốc kháng sinh phù hợp.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu có thể giúp xác định xem có dấu hiệu nhiễm trùng trong máu hay không. Tổng tế bào bạch cầu và số lượng bạch cầu trung tính là hai thông số mà bác sĩ thường quan tâm.
  • Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang và siêu âm khớp là hai phương tiện thường được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương khớp hoặc sự lỏng lẻo của khớp nhân tạo.
viêm khớp nhiễm trùng
Siêu âm khớp chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng

4. Điều trị viêm khớp nhiễm trùng

Dẫn lưu khớp và thuốc kháng sinh là hai phương tiện cơ bản để điều trị viêm khớp nhiễm trùng.

  • Dẫn lưu khớp: việc loại bỏ dịch khớp bị nhiễm trùng thông qua dẫn lưu khớp là việc làm rất quan trọng. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim vô khuẩn để chích trực tiếp vào khớp bị nhiễm trùng, rút bỏ dịch khớp vừa để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh vừa có tác dụng điều trị giảm áp lực tại ổ khớp. Trong nội soi ổ khớp, một ống mềm với máy quay video ở đầu của nó được đặt vào bên trong khớp thông qua một vết rạch nhỏ ở da. Sau đó, ống hút và ống dẫn lưu được đưa vào qua các vết rạch nhỏ xung quanh khớp để dẫn lưu khớp ra ngoài. Phương pháp này có độ chính xác cao hơn, tuy nhiên mức độ xâm lấn lớn hơn. Ngoài ra, đối với một số khớp, chẳng hạn như khớp háng, khó dẫn lưu bằng kim hoặc nội soi khớp, bác sĩ có thể cần phải tiến hành phẫu thuật mở mới có thể dẫn lưu khớp an toàn và hiệu quả.
  • Thuốc kháng sinh: Để chọn loại thuốc hiệu quả nhất, bác sĩ phải xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng cho khớp. Lúc đầu, thuốc kháng sinh thường được tiêm qua tĩnh mạch. Nếu đáp ứng tốt, người bệnh có thể chuyển sang dùng thuốc kháng sinh dạng uống. Một liệu trình điều trị thường phải kéo dài từ hai đến sáu tuần. Thuốc kháng sinh có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Phản ứng dị ứng cũng có thể xảy ra. Vì vậy, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn về những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Nếu khớp nhân tạo bị nhiễm trùng, việc điều trị thường bao gồm việc tháo bỏ khớp nhân tạo và thay thế tạm thời bằng miếng đệm khớp - một thiết bị được làm bằng xi măng kháng sinh. Vài tháng sau, một khớp nhân tạo mới sẽ được cấy ghép.

Trong trường hợp không thể tháo khớp nhân tạo, bác sĩ có thể làm sạch khớp và loại bỏ mô bị tổn thương nhưng vẫn giữ khớp nhân tạo tại chỗ. Kháng sinh đường tĩnh mạch trong giai đoạn nhiễm trùng khớp cấp tính và kháng sinh uống trong vài tháng sau đó để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát là cần thiết. Ngoài ra, người bệnh còn có thể được giới thiệu đến một nhà vật lý trị liệu để giúp tập vận động khớp trở lại. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng cứng khớp vĩnh viễn.

Tóm lại, viêm khớp nhiễm trùng là một tình trạng có thể điều trị khỏi nếu được điều trị sớm và tích cực. Một số người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng của mình được cải thiện trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Viêm khớp nhiễm trùng không được điều trị có thể gây ra tổn thương khớp vĩnh viễn. Vì vậy, cần đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị đau hoặc sưng khớp, đặc biệt ở nhóm những người có khớp nhân tạo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • tenadroxil
    Công dụng thuốc Tenadroxil

    Thuốc Tenadroxil có thành phần chính là Cefadroxil dưới dạng Cefadroxil monohydrat 500mg. Tenadroxil có công dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Dưới đây là một số thông tin hữu ích của thuốc Tenadroxil giúp người bệnh tìm hiểu ...

    Đọc thêm
  • Drafez
    Công dụng thuốc Drafez

    Thuốc Drafez là kháng sinh được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da và mô mềm... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý ...

    Đọc thêm
  • ceftriale
    Công dụng thuốc Ceftriale

    Ceftriale là thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin, chứa thành phần chính Ceftriaxone, hàm lượng 1gam, đóng gói hộp 10 lọ bột pha dung dịch tiêm. Thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh lý nhiễm trùng ở đường hô hấp, ...

    Đọc thêm
  • Novadril
    Công dụng thuốc Novadril

    Thuốc Novadril được bào chế dưới dạng viên nang với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Cefadroxil 500mg. Vậy thuốc Novadril là thuốc gì và cách sử dụng thuốc như thế nào?

    Đọc thêm
  • thuốc Dadroxil
    Công dụng thuốc Dadroxil

    Dadroxil thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trình, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Dadroxil sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng ...

    Đọc thêm