Vì sao xương dễ gãy?

Gãy xương là tình trạng xương bị phá vỡ cấu trúc bên trong dẫn đến các tổn thương và làm mất tính liên tục của xương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương, có thể là do chấn thương hoặc do các bệnh lý như loãng xương, xương giòn và xốp...

1. Tổng quan về gãy xương

Gãy xương là tình trạng xương bị phá vỡ cấu trúc bên trong dẫn đến các tổn thương và làm mất tính liên tục của xương. Trường hợp mất tính liên tục hoàn toàn được gọi là gãy xương hoàn toàn, ngược lại gãy xương không hoàn toàn xảy ra ở trường hợp mất tính liên tục gián đoạn hay không hoàn toàn.

Tình trạng gãy xương được phân loại dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như theo nguyên nhân, theo cơ chế gãy xương, theo tính chất gãy, đặc điểm đường gãy... Tuy nhiên quá trình tiến triển tại xương bị gãy đều xảy ra theo 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn máu tụ: Máu từ tủy xương, màng xương, phần mềm... tại vị trí xương gãy sẽ chảy ra, tụ lại giữa hai đầu xương và các tổ chức xung quanh. Máu tụ lại sẽ dần phát triển thành can liên kết;
  • Giai đoạn can liên kết: Các tế bào liên kết từ màng xương, tủy xương, ống xương sẽ xâm nhập vào khối máu tụ tạo dần thành một màng lưới tổ chức liên kết và thay dần khối máu tụ;
  • Giai đoạn can nguyên phát: Trong khoảng 3 – 4 tuần sau gãy xương, muối canxi dần lắng đọng trên can xương liên kết và tạo thành can xương non;
  • Giai đoạn can xương vĩnh viễn: Can xương vĩnh viễn được lập lại từ ống tủy và màng xương, vị trí ổ gãy được liền tốt sau khoảng 8 – 10 tháng.

Người bệnh bị gãy xương sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sau:

  • Đau: Là triệu chứng chính xuất hiện với cường độ lớn, đau có xu hướng giảm khi bất động tốt. Mức độ cơn đau là nhẹ, vừa hoặc nặng phụ thuộc vào độ rách của màng xương (vị trí có những tận cùng thần kinh), tổn thương máu, phần mềm, thần kinh...
  • Giảm, mất cơ năng chi bị gãy: Người bệnh có biểu hiện không vận động được hoàn toàn hoặc một phần chi bị gãy, vị trí đầu chi xoay theo trọng lực.
  • Bầm tím, sưng nề: Mức độ của triệu chứng phụ thuộc vào tổn thương phần mềm, chảy máu từ tủy xương và sự điều hòa quá trình đông cầm máu. Trong đó sưng nề là triệu chứng thường gặp ở người bệnh bị gãy xương;
  • Biến dạng trục chi: Người bệnh gãy xương có di lệch thường dẫn đến lệch trục, biến dạng ngắn chi vùng chi gãy, căng cơ nhẹ và bong gân thường không xuất hiện triệu chứng biến dạng chi. Các biến dạng đặc biệt và điển hình giúp chẩn đoán gãy xương tốt hơn;
  • Cử động bất thường: Triệu chứng cử động bất thường ở vị trí hai đầu xương gãy là dấu hiệu chắc chắn của tình trạng gãy xương. Trong trường hợp này tránh các cử động bất thường làm người bệnh sốc và tổn thương phần mềm;
  • Tiếng kêu lạo xạo xương và tiếng cọ xát hai đầu gãy.
bộ xương
Người bệnh bị gãy xương sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như đau với cường độ lớn

2. Gãy xương do loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ xương và cấu trúc xương bị suy giảm. Tình trạng này làm cho xương mỏng và yếu dẫn, dễ bị tổn thương và lâu dần sẽ dẫn đến gãy xương dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Loãng xương thường xảy ra ở cột sống lưng, xương cổ tay, thắt lưng, khớp háng và được chia thành hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.

Loãng xương nguyên phát xảy ra nhiều ở phụ nữ mãn kinh và người cao tuổi. Loãng xương thứ phát liên quan chủ yếu đến các bệnh lý mãn tính hoặc do sử dụng thuốc... Bên cạnh đó, những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, thiếu canxi hoặc ít vận động và rèn luyện thể dục cũng dễ làm cho xương yếu, mỏng và dễ dẫn đến gãy xương. Tỷ lệ mắc loãng xương cũng gặp nhiều ở người mắc các bệnh lý như phì đại tuyến giáp, bệnh phổi mãn tính, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp...

Loãng xương là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gãy xương. Theo các nghiên cứu đã được thực hiện, khoảng 10 triệu người dân (8 triệu phụ nữ và 2 triệu đàn ông) có độ tuổi trên 50 tại Mỹ được chẩn đoán loãng xương. Bên cạnh đó, khoảng 34 triệu người được xác định có khối lượng xương thấp, mật độ xương giảm. Ở những đối tượng này thì gãy xương do loãng xương rất dễ xảy ra dù chỉ gặp những va chạm nhỏ.

Qua đó có thể thấy tỷ lệ mắc loãng xương trong cộng đồng đang tăng lên nhanh chóng và đa dạng ở mọi độ tuổi chứ không phải chỉ ở người cao tuổi. Gãy xương do loãng xương không chỉ dẫn đến những cơn đau mà còn có thể làm cho người bệnh bị tàn tật, thậm chí là tử vong. Vì vậy, để giảm thiểu những hậu quả xấu thì việc phòng ngừa và xác định những đối tượng có nguy cơ bị loãng xương là vô cùng cần thiết.

bộ xương
Loãng xương là tình trạng mật độ xương và cấu trúc xương bị suy giảm

3. Gãy xương do bệnh xương thủy tinh

Bệnh xương thủy tinh hay bệnh giòn xương, dễ gãy là một trong những nguyên nhân dẫn đến gãy xương. Bộ xương con người là một mô liên kết đặc biệt gồm chất khuôn xương và các tế bào, trong đó chất khuôn xương được cấu tạo bởi các sợi collagen và các mô liên kết giàu glucoaminoglycin.

Đối với hệ xương bình thường của cơ thể, quá trình tạo xương và quá trình hủy xương diễn ra liên tục theo cơ chế xương mới thay thế xương cũ. Tuy nhiên ở người mắc bệnh xương giòn và xốp, các gen chỉ huy sản xuất sợi collagen bị tổn thương nên số lượng và chất lượng các sợi collagen bị giảm sút, từ đó làm giảm khả năng chịu lực của xương, xương dễ bị biến dạng và gãy ngay cả khi chịu tác động của các lực rất nhẹ, thậm chí là các động tác như hắt hơi, ho.

Đặc trưng của bệnh xương giòn và xốp là sự tổn thương thành phần của mô liên kết, gây ảnh hưởng không chỉ trên xương mà còn ở dây chằng, da, mắt và răng, giảm thính lực. Bệnh chủ yếu do di truyền gen trội hoặc gen lặn từ bố mẹ. Bệnh lý có tỷ lệ mắc thấp nhưng rất nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu làm xương dễ gãy và được chia thành 4 týp với các đặc điểm bệnh như sau:

  • Týp 1: Thường gặp nhất, người bệnh có triệu chứng yếu cơ, có thể xảy ra cong cột sống, màu mắt có thể chuyển thành màu xanh hoặc tím. Tình trạng gãy xương thường xảy ra trước tuổi trưởng thành;
  • Týp 2: Thể bệnh nặng và có nguy cơ tử vong lớn nhất. Người bệnh thường có thân hình nhỏ, bị gãy nhiều xương và có thể tử vong sau khi sinh hoặc thời gian sống ngắn do rối loạn chức năng hô hấp;
  • Týp 3: Người mắc thể bệnh này khi sinh ra đã bị gãy xương, củng mạc mắt quá trắng hoặc có màu xanh, máu xám, giảm thính lực, chức năng hô hấp suy giảm và xuất hiện những bất thường về răng;
  • Týp 4: Thể bệnh trung gian giữa týp 1 và týp 3, vì vậy biến dạng xương thường nằm ở mức nhẹ đến trung bình, mật độ xương thấp hơn bình thường.

Chẩn đoán bệnh xương thủy tinh được xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết quả chụp X – quang và đo tỷ trọng xương. Hiện nay bệnh lý vẫn chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu, các biện pháp điều trị hiện tại đều nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh (hạn chế tối đa tình trạng gãy xương và các biến chứng, nâng cao chất lượng sống của người bệnh). Gãy xương trong bệnh xương thủy tinh thường được điều trị bằng phương pháp chỉnh hình như nẹp bột, bất động, bó bột... điều trị bằng phẫu thuật ít được sử dụng và chỉ được thực hiện ở trường hợp người bệnh bị gãy xương có biến dạng nặng.

Xương mỏng, yếu và dễ gãy xảy ra chủ yếu do các bệnh lý như loãng xương, xương giòn và xốp... Vì vậy, để giảm thiểu những hậu quả xấu thì việc phòng ngừa và xác định những đối tượng có nguy cơ bị loãng xương, xương giòn và xốp là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, vận động và làm việc phù hợp, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung các chất khoáng khi cần thiết và đặc biệt là hạn chế tối đa những chấn thương có thể dẫn đến gãy xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan