Thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay, cổ tay là một trong các bệnh khớp thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh gây đau, gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ở Việt Nam, thoái hóa khớp tay chiếm tỉ lệ 14% và đứng hàng thứ tư trong các vị trí thoái hóa khớp thường gặp.

1. Nhóm người dễ mắc thoái hóa khớp tay

Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay thường hay gặp ở độ tuổi từ 60 – 65 tuổi. Tuy nhiên, từ độ tuổi 55 đã bắt đầu xuất hiện các biểu hiện của thoái hóa khớp tay. Tỉ lệ thoái hóa khớp có xu hướng tăng dần theo tuổi, cao hơn ở nhóm tuổi từ 60 trở lên và cao nhất ở nhóm 70 – 79 tuổi.

Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp tay, do lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bị giảm sút, sự lão hoá sụn càng rõ rệt hơn làm cho sụn kém chịu đựng với các yếu tố tác động có hại đến khớp.

Bệnh thường gặp ở nữ giới (75%). Như vậy, số lượng bệnh nhân nữ mắc thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone estrogen dẫn đến thay đổi tế bào sụn khớp. Những người có thể trạng béo phì cũng dễ bị thoái hóa khớp tay. Có đến 1/3 bệnh nhân thoái hóa khớp bàn tay bị béo phì.

2. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay

Tuổi tác

Tuổi đời càng cao thì càng gia tăng hiện tượng lão hoá các chức năng của cơ thể (đặc biệt là ở nữ giới do suy giảm lượng hormon sinh dục). Lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp nói chung và khớp bàn tay, ngón tay nói riêng suy giảm đáng kể, từ từ khiến cho tổ chức sụn khớp bị thiếu chất dinh dưỡng, sức chịu đựng của sụn khớp càng ngày càng giảm trước các tác động liên tục lên khớp mỗi ngày.

Làm việc liên quan đến bàn tay nhiều

Những người làm việc nhiều với bàn tay như phụ nữ làm công việc nội trợ (giặt giũ, lao động...) càng dễ mắc bệnh. Thoái hóa khớp hay gặp ở bàn tay, ngón tay ở bên vận động nhiều hơn, người thuận tay phải thì khớp bàn tay phải và khớp các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa sẽ dễ bị thoái hoá hơn so với các khớp bàn tay không thuận. Khi bị thoái hoá, các khớp bàn tay thuận cũng có biểu hiện nặng hơn, biến dạng khớp nhiều hơn. Trong trường hợp viêm khớp dạng thấp thì hiện tượng thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay chiếm tỷ lệ cao hơn các khớp khác trong cơ thể.

Thiếu canxi

Tỷ lệ người thiếu hụt canxi chiếm đa số, trong đó đáng chú ý nhất là phụ nữ, đặc biệt ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở bàn tay, ngón tay.

Các bệnh lý khác

Thoái hóa khớp cũng có thể gặp sau chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, một số bệnh rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường... Đối với người cao tuổi còn có một nguyên nhân gây thoái hóa là do ít vận động cơ thể hoặc lười vận động.

Thoái hóa khớp tay
Thiếu canxi cũng là một trong các nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở bàn tay, ngón tay.

3. Dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay

Triệu chứng cần quan tâm đầu tiên đó là đau, cứng khớp. Đau xảy ra mỗi khi bệnh nhân vận động, hay còn gọi là đau kiểu cơ học và thường giảm khi các khớp bàn tay, cổ tay hoặc ngón tay được nghỉ ngơi (không cử động, không vận động).

Tính chất của cơn đau thường không dữ dội mà chỉ biểu hiện âm ỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, thời gian đau kéo dài khoảng 15 - 30 phút hoặc có khi lâu hơn. Thời gian đau khớp tay còn tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của tổn thương khớp. Ngoài ra, khi các khớp bị đau thì đôi khi còn kèm theo bị sưng nhẹ.

Đối với bệnh nhân thoái hóa khớp tay, triệu chứng cứng khớp thường rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Cứng khớp thường xuất hiện lúc mới vừa ngủ dậy buổi sáng sớm hoặc sau giấc ngủ trưa. Cứng khớp biểu hiện ở việc bệnh nhân khó cử động hoặc cử động không mềm mại, uyển chuyển như lúc trước, dần dần bàn tay sẽ bắt đầu xuất hiện hiện tượng khó thao tác trong sinh hoạt hằng ngày như: cầm nắm đồ vật không chắc (đôi khi bị rơi đồ vật) hoặc thực hiện không chuẩn các thao tác khi tắm, rửa, giặt giũ quần áo, vệ sinh cá nhân. Khoảng 50% bệnh nhân thoái hóa khớp tay gặp khó khăn khi thực hiện các công việc tự chăm sóc bản thân, nội trợ, chải đầu, giặt giũ, mặc quần áo, ăn, uống, chăm sóc con cháu...

Bên cạnh các rối loạn trong động tác cầm nắm thì các cơ ở bàn tay, ngón tay, cổ tay cũng sẽ bị teo nhỏ dần, các khớp bàn tay, ngón tay có thể bị biến dạng. Ở các giai đoạn muộn, có khoảng 1/3 người bệnh có ngón tay bị biến dạng. Điều này được giải thích là do sự có mặt của các chồi xương mọc ở khớp ngón xa hay ở khớp ngón gần, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

4. Chẩn đoán thoái hóa khớp tay

Ngoài các triệu chứng lâm sàng còn có thể chụp X - quang khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay để xác định bệnh. Có 4 dấu hiệu cơ bản của thoái hóa khớp mà X – quang có thể xác định là: gai xương, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, hốc xương. Nên tiến hành thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu lắng, xác định yếu tố dạng thấp RF...

Những trường hợp nghi ngờ bị thoái hóa khớp tay nên được thăm khám sớm để xác định và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng về xương khớp.

Khi đã xác định thoái hóa khớp bàn tay và ngón tay, người bệnh phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc, vì thuốc điều trị thoái hóa khớp có nhiều tác dụng không mong muốn mà người bệnh không thể kiểm soát được.

5. Phòng tránh thoái hóa khớp tay

Thoái hóa khớp tay
Nên ngâm bàn tay vào nước muối sinh lý ấm, mỗi ngày 2 lần để phòng tránh thoái hóa khớp tay
  • Để phòng bệnh hiệu quả thì những người có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp ở bàn tay, cổ tay (ví dụ: phụ nữ làm việc chân tay nhiều, những người nội trợ...) cần tránh lao động nặng trong một thời gian dài không có giai đoạn nghỉ ngơi hợp lý xen kẽ. Khi làm việc liên tục với tay nên có thời gian cho bàn tay được nghỉ ngơi, không làm việc kéo dài trong nhiều giờ liền;
  • Trong cuộc sống hằng ngày hoặc trong lao động, nếu có thiết máy móc hỗ trợ hoặc thay thế cho bàn tay thì nên tận dụng (ví dụ máy rửa bát đĩa, cối xay thịt...).
  • Mỗi buổi sáng ngủ dậy nên tập nhẹ nhàng các khớp cổ tay, bàn tay và ngón tay để các khớp được dẻo dai linh hoạt;
  • Nên ngâm bàn tay vào nước muối sinh lý ấm, mỗi ngày 2 lần (sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần 10 phút;
  • Tránh tăng cân quá mức, ăn uống hợp lý, thường xuyên vận động cơ thể;
  • Khi mắc các bệnh về chuyển hoá hoặc bị chấn thương bàn tay, ngón tay cần phải điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ.

Bàn tay là bộ phận phải hoạt động nhiều và chịu không ít áp lực vận động trong sinh hoạt và làm việc, do vậy dễ bị thoái hóa dần qua thời gian. Người bệnh nên đi khám sớm khi có dấu hiệu thoái hóa khớp tay để được can thiệp, điều trị kịp thời, sớm trở lại với sinh hoạt bình thường.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại với các bệnh lý cơ xương khớp, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan