Đặc điểm của đốt sống cùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Có 5 đốt sống cùng dính vào nhau thành một khối xương cùng, được kí hiệu S1 đến S5. Khi bị đau đốt sống cùng cần đến ngay các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

1. Vị trí đốt sống cùng

Đốt sống cùng nằm ở khu vực thấp nhất của cột sống. Các đốt sống cùng được dính chặt với nhau tạo thành một khối gọi là xương cùng. Phía trên, xương cùng tiếp khớp với đốt sống thắt lưng V (L5), phía dưới với xương cụt và hai bên với xương chậu.

Đốt sống cùng
Đốt sống cùng nằm ở khu vực thấp nhất của cột sống

2. Đặc điểm giải phẫu

Xương cùng hình tháp có 2 mặt (mặt trước và mặt sau), 2 phần bên, có nền ở trên và đỉnh ở dưới.

  • Mặt trước (mặt chậu hông): Gồm có 4 đường ngang, ở hai đầu mỗi đường có các lỗ cùng trước cho các ngành trước của các dây thần kinh cùng đi qua.
  • Mặt sau (mặt lưng lồi): Gồ ghề có 5 mào dọc là mào cùng giữa, 2 mào cùng trung gian và 2 mào cùng bên. Chúng là di tích của các mỏm gai, mỏm khớp và mỏm ngang. Phía ngoài mào trung gian có các lỗ cùng sau tương ứng với các lỗ cùng trước (ở mặt trước). Phần dưới của mặt sau có hai sừng cùng nằm ở hai bên đầu dưới của ống cùng.
  • Hai phần bên: Có diện nhĩ và diện loa tai tiếp khớp với xương chậu, phía sau diện nhĩ là lồi củ cùng.
  • Nền xương cùng: Phần giữa nền có lỗ trên của ống cùng ở sau và mặt trên thân đốt sống cùng I ở trước, bờ trước của mặt trên thân đốt sống cùng I nho ra trước nên được gọi là ụ nhỏ. Hai bên của nên là hai cánh xương cùng và hai mỏm khớp trên.
  • Đỉnh xương cùng: Quay xuống dưới, khớp với xương cụt.

Hình dạng các đốt sống cùng khác nhau tùy thuộc vào giới tính. Ở nữ giới có kích thước ngắn hơn và bề ngang rộng hơn. Xương cùng ở nữ giới có cấu tạo xiên chéo hơn về phía trước, do đó kích thước khoang chậu tăng, nó giúp nữ giới thuận tiện hơn trong quá trình mang thai và có nhiều không gian hơn cho thai nhi phát triển ở trong tử cung.

3. Chức năng đốt sống cùng

Vị trí của các đốt sống cùng ở điểm giao nhau của cột sống và xương chậu, do đó chúng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả phần hông và phần lưng dưới Các đốt sống cùng và các đốt sống thắt lưng có vai trò giúp hình thành đường cong thắt lưng-xương cùng. Chúng phối hợp với khung chậu có chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể, duy trì sự cân bằng và giúp cho cơ thể hoạt động linh hoạt. Ngoài ra, nó còn có vai trò hỗ trợ và cân bằng vận động của các khớp cũng như các phần khác của cột sống như dây chằng, cơ, gân.

  • Khớp thắt lưng- xương cùng: Khớp này nằm ở vị trí giao của đốt sống thắt lưng 5 (L5) và đốt sống cùng 1 ( S1), nó có chức năng kết nối cột sống thắt lưng với xương cùng. Tại điểm này có rất nhiều áp lực tác dụng lên. Tại đây, đường cong cột sống sẽ chuyển từ cong trước (tư thế ưỡn) sang cong sau (tư thế gập). Khu vực L5-S1 có tác dụng nâng đỡ toàn bộ trọng lượng, hấp thụ và phân phối trọng lượng phía trên của cơ thể khi nghỉ ngơi hoặc chuyển động. Đây là một lý do vì sao tại khu vực này thường xảy ra thoát vị đĩa đệmthoái hóa cột sống.
  • Khớp cùng chậu: Khớp cùng chậu nối với xương cùng ở khung chậu phía bên phải và bên trái. Không như các khớp khác ở trong cơ thể (ví dụ khớp gối), khớp cùng chậu có độ linh động cực kỳ ít. Khớp cùng chậu đóng vai trò cần thiết cho việc di chuyển, đứng yên và sự cân bằng của hông. Viêm khớp SI và rối loạn chức năng khớp SI là hai rối loạn thường gặp liên quan đến khớp cùng chậu.

4. Đau đốt sống cùng

Đau đốt sống cùng là tình trạng đau thắt khi người bệnh ngồi hoặc đứng.

Đốt sống cùng
Đau đốt sống lưng cuối là tình trạng đau thắt khi người bệnh ngồi hoặc đứng

Nguyên nhân dẫn tới đau đốt sống cùng là do:

  • Do tuổi già. Đối với những người ngoài 40 tuổi hàm lượng calcium trong xương bị giảm và mật độ xương giảm theo làm cho xương trở nên giòn và xốp hơn.
  • Do tổn thương cơ lưng dẫn tới bị căng cơ, tổn thương dây chằng. Những tổn thương này chủ yếu là do hoạt động quá sức gây ra ví dụ như: Tập gym quá sức, bê vác nặng,...
  • Do những chấn thương trong quá trình làm việc và lao động
  • Ngã đập mông xuống đất
  • Va đập vào các vật thể sắc nhọn hay có góc cạnh.

Để ngăn ngừa đau đốt sống cùng cần:

  • Luôn thực hiện chế độ ăn cung cấp đủ các chất dinh dưỡng giúp duy trì mật độ xương. Cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ còn giúp phòng ngừa các bệnh khác đặc biệt là các bệnh xương khớp.
  • Duy trì mức cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân béo phì bằng cách ăn uống các thực phẩm lành mạnh, đủ năng lượng cho cơ thể .
  • Thực hiện các bài tập vận động tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể luôn mềm dẻo và giảm căng thẳng. Thường xuyên tập vận động lưng thắt lưng đúng cách sẽ làm đẩy lùi cơn đau, tăng tính linh hoạt của cơ lưng, duy trì độ chắc của xương khớp.
  • Không hút thuốc lá và các chất kích thích như rượu, bia,...
  • Nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động nặng thường xuyên liên tục.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại với các bệnh lý cơ xương khớp, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan