Chữa thoái hóa khớp gối theo y học cổ truyền

Thoái hoá khớp gối là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị thoái hoá khớp gối được áp dụng như điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc y học cổ truyền. Phương pháp điều trị thoái hoá khớp gối bằng đông y ngày được chỉ định ngày càng rộng rãi, như châm huyệt, xoa bóp hoặc cấy chỉ... Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về y học cổ truyền chữa thoái hóa khớp gối.

1. Tổng quan về bệnh thoái hoá khớp gối

Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa hủy hoại và tổng hợp sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này được bắt đầu bởi các yếu tố di truyền, chuyển hóa, phát triển và chấn thương. Biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp gối là thay đổi hình thái, phân tử, sinh hóa, cơ sinh học của tế bào và chất căn bản của sụn, điều này dẫn đến nhuyễn hóa, mất sụn khớp, nứt loét, xơ hóa xương dưới sụn, hình thành gai xương và nang xương dưới sụn. Bệnh thoái hoá khớp gối thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% trường hợp.

Theo Y học hiện đại, nguyên nhân thoái hóa khớp gối được chia làm 2 loại là thoái hoá khớp gối nguyên phát và thứ phát.

Chẩn đoán xác định thoái hoá khớp gối theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ-ACR (American College of Rheumatology), 1991:

  • Hình ảnh gai xương ở rìa khớp trên Xquang.
  • Dịch khớp là dịch thoái hóa.
  • Tuổi từ 38 trở lên.
  • Cứng khớp < 30 phút.
  • Dấu hiệu lục cục khi cử động khớp.

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc yếu tố 1,4,5 hoặc 1,2,5.

Các dấu hiệu khác: Biến dạng khớp, tràn dịch khớp.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: X=quang, siêu âm khớp, cộng hưởng từ và nội soi khớp.

Thoái hóa khớp gối theo y học cổ truyền không có bệnh danh riêng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đến khám và điều trị thoái hóa khớp gối thường có triệu chứng đau, hạn chế vận động và sưng hoặc biến dạng khớp, nên thoái hóa khớp gối được quy vào chứng Tý, bệnh danh là Hạc tất phong.

2. Nguyên nhân và bệnh danh thoái hoá khớp gối theo y học cổ truyền

Phong hàn thấp hoặc phong thấp nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào cơ biểu kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết tại khớp gây đau khớp và co duỗi khó khăn.

Công năng của tạng thận và can bị hư tổn do bệnh lâu ngày, làm tà khí bám vào gân xương. Hoặc do tuổi cao, chức năng của can thận suy giảm gây đau khớp, co duỗi khó khăn, biến dạng khớp và tái phát nhiều lần.

3. Thể lâm sàng và điều trị thoái hoá khớp gối bằng đông y

Tùy theo mỗi thể lâm sàng, tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân, thầy thuốc kê đơn bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc cổ phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm khối lượng, thành phần các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

3.1. Thể phong hàn thấp tý

Triệu chứng:

  • Sau khi nhiễm ngoại tà (hàn, phong, thấp) xuất hiện đau khớp, sưng, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối, có thể một hoặc hai bên, trời lạnh ẩm khiến đau tăng, chườm ấm đỡ đau, kèm sợ gió, sợ lạnh, không sốt, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch phù hoãn.

Chẩn đoán:

  • Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, hàn.
  • Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại khớp, cơ, cân, kinh lạc.
  • Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (hàn, phong, thấp).

Pháp pháp điều trị bằng thuốc:

Cổ phương:

  • Nếu thấp thắng: Ý dĩ nhân thang, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần uống khi thuốc còn ấm.
Ý dĩ 30g Bạch truật 08g
Bạch thược 08g Đương qui 12g
Quế chi 10g Ma hoàng 06g
Cam thảo 04g Sinh khương 06g

  • Nếu hàn tà thắng: Ô đầu thang, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần uống khi thuốc còn ấm.
Hắc phụ tử 08g Ma hoàng 08g
Bạch thược 12g Hoàng kỳ 20g
Cam thảo 04g Mật ong 80g

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương: thấp khớp II, nấu thành cao lỏng, 50ml/ngày chia làm 2 lần.

Rễ xấu hổ 16g Dây đau xương 12g
Dây gắm 12g Thổ phục linh 12g
Thiên niên kiện 12g Kê huyết đằng 12g
Ngưu tất 12g Hy thiêm 12g

Điều trị không dùng thuốc:

Châm tả và cứu các huyệt:

Huyệt tại chỗ:

A thị huyệt Độc tỵ (ST.35)
Dương lăng tuyền (GB.34) Lương khâu (ST.34)
Tất nhãn m lăng tuyền (SP.9)
Huyết hải (IV-10) Ủy trung (BL.40)

Huyệt toàn thân: Phong long (ST.40), Túc tam lý (ST.36). Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình khoảng 10 - 15 ngày.

Các kỹ thuật châm: Điện châm, ôn điện châm, điện mãng châm, ôn châm. Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình khoảng 15 - 20 ngày.

Điện nhĩ châm: Điểm bánh chè, cẳng chân (D2). Nhĩ châm 1 lần/ngày, 15 - 20 ngày/liệu trình.

Cấy chỉ vào các huyệt: Công thức huyệt tương tự như trong huyệt điện châm. Tùy tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng 7 - 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật xoa, xát, bóp, miết, vờn, vận động. Day, ấn huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Mỗi lần thực hiện khoảng 30 phút/lần/ngày, 10 - 15 ngày/liệu trình.

Thủy châm: dùng thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, 1 lần/ngày, mỗi lần 2 - 3 huyệt. Một liệu trình điều trị trong vòng 10 - 15 ngày. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

Laser châm: công thức huyệt tương tự như trong công thức huyệt điện châm. Thời gian 15 - 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình khoảng 10 - 15 lần, có thể thực hiện nhiều liệu trình.

3.2. Thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư

Triệu chứng:

  • Bệnh nhân đau mỏi khớp gối, vận động co duỗi khớp gối khó khăn, biến dạng khớp. Sau khi nhiễm thêm ngoại tà (hàn, phong, thấp) xuất hiện đau tăng, khớp gối sưng, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối có thể một hoặc hai bên, kèm đau mỏi lưng, ngủ kém, ù tai, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch trầm hoãn.

Chẩn đoán:

  • Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, thiên hàn.
  • Chẩn đoán tạng phủ, kinh lạc: Can thận hư; bệnh tại khớp, cơ, cân, kinh lạc.
  • Chẩn đoán nguyên nhân: bất nội ngoại nhân (nội thương), ngoại nhân (hàn, thấp, phong).
  • Pháp: Trừ thấp, tán hàn, chỉ thống, bổ can thận.

Điều trị bằng thuốc:

Cổ phương: Độc hoạt ký sinh thang, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Độc hoạt 10g Tang ký sinh 16g
Phòng phong 12g Tần giao 12g
Đương qui 12g Quế tâm 04g
Tế tân 06g Phục linh 12g
Xuyên khung 08g Xích thược 12g
Cam thảo 06g Thục địa 12g
Ngưu tất 12g Đỗ trọng 12g
Đảng sâm 12g

Có thể dùng bài Tam tý thang: Là bài Độc hoạt ký sinh thang gia thêm Tục đoạn Hoàng kỳ.

Đối pháp lập phương: lựa chọn vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương: Độc hoạt phong thấp hoàn, làm viên hoàn cứng, uống 30g/ngày.

Độc hoạt 12g Hy thiêm 12g
Đương quy 12g Thổ phục linh 16g
Xuyên khung 08g Hà thủ ô 12g
Can khương 04g Quế chi 08g
Kê huyết đằng 08g Cốt toái bổ 12g
Thục địa 12g Đảng sâm 12g
Ngưu tất 08g Đỗ trọng 12g
Cam thảo 04g Kim ngân hoa 06g

Điều trị không dùng thuốc:

Châm kết hợp với cứu.

Châm tả và cứu huyệt tại chỗ: công thức huyệt như thể phong hàn thấp tý.

Châm bổ:

  • Thận du (BL.23)
  • Tam âm giao (SP.6)
  • Thái xung (LR.3)
  • Can du (BL.18)
  • Thái khê (KI.3)
  • Quan nguyên (CV.4)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, thời gian mỗi liệu trình 15 - 20 ngày.

Xoa bóp bấm huyệt, điện mãng châm, thủy châm, cấy chỉ: tương tự như thể phong hàn thấp tý.

Điện nhĩ châm: châm bổ Thần môn, Can, Thận; châm tả bánh chè, cẳng chân (D2). Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, thời gian liệu trình 15 - 20 ngày.

3.3. Thể phong thấp nhiệt kèm can thận hư

Triệu chứng:

  • Bệnh nhân có triệu chứng đau mỏi khớp gối từ lâu, vận động co duỗi khớp gối khó khăn, có thể biến dạng khớp. Đợt này xuất hiện đau, sưng khớp, nóng hoặc đỏ, triệu chứng ở một hoặc hai bên khớp gối, đau cự án. Thường kèm theo phát sốt, miệng khô khát, sợ gió, phiền táo bứt rứt không yên. Lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn; tiểu màu vàng lượng ít. Mạch hoạt sác.

Chẩn đoán:

  • Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, thiên nhiệt.
  • Chẩn đoán tạng phủ, kinh lạc: Can thận hư; bệnh tại khớp, cơ, cân, kinh lạc.
  • Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (thấp, phong, nhiệt), bất nội ngoại nhân (nội thương).

Pháp: Thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, chỉ thống, bổ can thận.

Điều trị bằng thuốc:

Cổ phương:

Bài Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu tán, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Ý dĩ nhân 12g Quế chi 06g
Cam thảo 06g Thược dược 06g
Ma hoàng 06g Hoàng bá 12g
Bạch truật 12g Thương truật 12g
Đương qui 12g

Bài Bạch hổ quế chi thang, sắc ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Sinh thạch cao 30g Ngạnh mễ 10g
Tri mẫu 10g Cam thảo 06g
Quế chi 04g

Đối pháp lập phương: Lựa chọn vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương

  • Hy thiêm 50g
  • Ngưu tất 20g
  • Rễ lá lốt 20g
  • Thổ phục linh 20g

Hoài sơn làm áo, Chi tử nhuộm bột áo (lượng vừa đủ).

Làm hoàn, bột Hoài sơn làm áo, nước Chi tử nhuộm bột áo. Uống 50g/ngày.

Khi khớp gối hết triệu chứng nóng, đỏ thì có thể sử dụng bài thuốc uống trong như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

Điều trị không dùng thuốc:

Châm: tương tự như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư. Châm tả thêm huyệt Nội đình (ST.44), Đại chùy (GV.14).

Điện nhĩ châm, điện mãng châm: tương tự như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

Sau khi khớp gối hết triệu chứng nóng, đỏ thì có thể áp dụng phác đồ xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, thủy châm tương tự như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

4. Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại

4.1. Nguyên tắc điều trị

  • Giảm triệu chứng đau, phục hồi chức năng vận động của khớp.
  • Giúp giảm tác dụng không mong muốn của thuốc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

4.2. Điều trị cụ thể

Điều trị bằng thuốc:

Điều trị triệu chứng tác dụng nhanh: Tùy từng tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà có thể chọn một trong các nhóm thuốc sau:

  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Không được phối hợp hai loại thuốc trong cùng nhóm.
  • Thuốc bôi ngoài da: Profenid gel, Voltaren Emugel có tác dụng giảm đau đáng kể, thuốc bôi ngoài da không gây ra các tác dụng phụ như dùng đường toàn thân. Bôi thuốc tại khớp gối đau 2-3 lần/ngày.

Điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Thuốc chống thoái hóa khớp nên chỉ định sớm, thường dùng trong thời gian dài. Có thể phối hợp thuốc với nhau và với thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh nêu ở trên.

Một số phương pháp khác:

  • Tiêm nội khớp:
    • Hydrocortison acetat: cần lưu ý chỉ định khi có triệu chứng viêm và tràn dịch khớp. Mỗi đợt tiêm cách nhau 5 - 7 ngày, không được vượt quá 3 mũi tiêm/đợt, không tiêm quá 3 đợt/năm.
    • Các chế phẩm chậm: Betamethason dipropionate 2mg, Methyl prednisolon acetat 40mg tiêm mỗi mũi cách nhau 1 - 2 tuần, không tiêm quá 3 đợt/năm vì thuốc có thể gây tổn thương sụn khớp nếu dùng quá liều thuốc.
    • Acid hyaluronic dưới dạng hyaluronate 1 ống/tuần x 3 - 5 tuần liên tiếp.
  • Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP): bơm vào khớp gối 6 - 8ml PRP.
  • Cấy ghép tế bào gốc: là hướng đi có nhiều triển vọng. Tế bào gốc được chiết xuất từ nguồn gốc tủy xương tự thân hoặc mô mỡ tự thân tự thân.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Kết hợp phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  • Vật lý trị liệu: siêu âm trị liệu, laser công suất thấp, điện xung.
  • Chế độ vận động thể dục hợp lý, bảo vệ khớp tránh quá tải. Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo ngoài, vẹo trong).

Điều trị ngoại khoa:

  • Nội soi khớp nhằm sửa chữa tổn thương, rửa khớp, làm sạch khớp, cấy ghép tế bào sụn.
  • Phẫu thuật thay khớp trường hợp sử dụng điều trị nội khoa và bảo tồn không có hiệu quả, bệnh nhân đau và mất chức năng vận động nhiều. Phẫu thuật thay khớp thường được áp dụng ở bệnh nhân trên 60 tuổi.

5. Phòng bệnh

  • Nên thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Có chế độ ăn lành mạnh, có lợi cho sức khoẻ, tránh để tăng cân béo phì. Trường hợp bệnh nhân thoái hoá khớp gối có thừa cân hoặc béo phì, nên giảm cân.
  • Tránh chấn thương giúp làm chậm quá trình xuất hiện thoái hóa khớp.
  • Tập vận động khớp gối không trọng lượng (đạp xe đạp, bơi).

Thoái hóa khớp gối theo y học cổ truyền không có bệnh danh riêng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đến khám và điều trị thoái hóa khớp gối thường có triệu chứng đau, hạn chế vận động và sưng hoặc biến dạng khớp, nên thoái hóa khớp gối được quy vào chứng Tý, bệnh danh là Hạc tất phong. Tùy theo mỗi thể lâm sàng, tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân, thầy thuốc kê đơn bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc cổ phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm khối lượng, thành phần các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan